2.2. Hoạt độnghỗ trợ trẻ khuyết tật trong trung tâm:
2.2.3. Hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề
Hoạt động dạy nghề của trung tâm gồm có các chương trình lớp học may cơ bản, lớp hướng nghiệp nghề, lớp mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, thêu và vi tính. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức hai lớp nghề ngắn hạn là may và điện dân dụng. Hiện tại, tổng số học sinh học nghề trong trung tâm là 95 em. Sản phẩm do các em làm ra rất đẹp và được chú ý đến từng chi tiết, sản phẩm của các em nhiều khi được các cơ sở đặt hàng và được đưa đi dự triển lãm trong và ngoài nước.
Công tác hướng nghiệp dạy nghề nhằm mục đích khêu gợi, phát huy khả năng của từng em, tạo tiền đề để các em có thể hòa nhập được cộng đồng một cách tự tin hơn với những kỹ năng mà mình được học tại trung tâm. Tin học văn phòng với yêu cầu biết sử dụng thành thạo máy vi tính, soạn thảo văn bản thuần thục. Mục đích hướng nghiệp là để các em có được những kỹ năng căn bản để có thể tự mở một cửa hàng liên quan đến máy tính hoặc được nhận vào một số cơ sở cần sử dụng người biết về tin học. Lớp cắt may với yêu cầu biết cắt may quần âu, áo sơ mi cho chính bản thân, may được những mẫu mã theo yêu cầu của bên đặt hàng để tăng khả năng việc làm của các em khi các em tốt nghiệp. Lớp mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ thì biết gọt đục các con vật và những sản phẩm có kỹ thuật và hình tượng theo yêu cầu, lớp thêu với yêu cầu biết thêu tay theo những hình vẽ trên vải tạo ra các bức tranh thêu để lại ấn tượng. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm đang dần hạn chế lại số trẻ học thêu khi thấy nhu cầu về lĩnh vực này không còn phổ biến ở địa phương và ít có cơ hội đầu ra cho các em.
Công tác hướng nghiệp dạy nghề thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh, tiếp nhận học sinh khuyết tật. Tại đây trung tâm tổ chức các lớp học nghề, hướng nghiệp theo khả năng và nhu cầu của đối tượng.
“Trong khi học chương trình bổ túc văn hóa, những em đủ điều kiện sẽ được hướng nghiệp học nghề, các em sẽ được học song song cả văn hóa cả học nghề. Trong vấn đề này thì trung tâm sẽ có những lớp học nhằm phát hiện khả năng của các em, trong quá trình học, dựa vào sự tiếp thu và sản phẩm mà các em làm ra chúng tôi sẽ hướng cho các em ngành nghề phù hợp”. (PVS nữ, 30 tuổi, giáo viên dạy may)
Khi được hỏi về vấn đề trường hợp có những em có nguyện vọng, nhu cầu muốn học một nghề khác, nhưng khả năng của em thì hơi kém một chút trong nghề đó thì trung tâm sẽ xử lý như thế nào thì chúng tôi nhận được thông tin như sau “Trường hợp nếu trẻ có nguyện vọng mong muốn học một nghề mà khả năng của em hơi kém trong nghề đó thì chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của các em” (PVS nữ, 30 tuổi, giáo viên dạy may)
“Tất nhiên là chúng tôi sẽ tôn trọng nguyện vọng của các em rồi, đây cũng không phải là trường hợp hiếm gì. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể theo nguyện vọng được, vì có những em thật sự quá kém trong lĩnh vực đó thì các thầy cô giáo sẽ khuyên bảo em ấy để em ấy chọn ngành khác phù hợp hơn” (PVS nam, 30 tuổi, giáo viên mộc dân dụng)
Các công tác xây dựng kế hoạch, dự toán nguồn kinh phí mua nguyên vật liệu, mua máy móc trang thiết bị dạy nghề theo từng học kỳ và cả năm. Việc quản lý, sử dụng các máy móc, trang thiết bị đều do phòng hướng nghiệp và dạy nghề phụ trách.
“Dự toán nguồn kinh phí không phải là một việc đơn giản, với nguồn ngân sách có hạn, phòng cũng huy động anh chị em trong phòng tìm hiểu những nơi có nguyên vật liệu giá rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Còn máy móc thì phải xin ý kiến của ban lãnh đạo sau đó mới quyết định” (PVS nam, 27 tuổi, giáo viên dạy tin)
Khi thao tác hướng dẫn dạy nghề, các thầy cô thường xuyên chú ý, kiên trì hướng dẫn tỉ mỉ các em, khen ngợi và động viên các em khi các em hoàn thành tốt một bản mẫu. Tạo cho các em có niềm tin trong lao động và tin tưởng vào cuộc sống hoà nhập cộng đồng bằng chính khả năng lao động của mình sau này.
Một điều đặc biệt là khi đã đánh giá khả năng tiếp thu của các em đã có thể học nghề thì các thầy, cô sẽ tạo điều kiện cho các em học song song giữa học văn hóa và dạy nghề sau khi các em đã qua giai đoạn hướng nghiệp.
Các CB, NV trung tâm cũng chú trọng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh khuyết tật để trang bị những kiến thức cơ bản về học nghề, giúp học sinh có được kỹ năng hành nghề tốt nhất có thể.
Nhìn chung, hoạt động hướng nghiệp – dạy nghề tại trung tâm về căn bản là có những ngành nghề phù hợp với khả năng học tập của TKT.