Hai sự kiện quốc tế nổi bật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 28 - 34)

1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực

1.1.2 Hai sự kiện quốc tế nổi bật

Trong thập niên đầu thế kỷ XXI xảy ra hai sự kiện lớn có tác động sâu sắc đến tình hình an ninh quốc tế và khu vực, đồng thời làm thay đổi chiều hướng phát triển của nhiều mối quan hệ, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quân sự, trong đó có quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ.

* Sự kiện tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11.9.2001

Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 vào nước Mỹ đã làm chuyển hướng trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ, đồng thời tạo ra những bước ngoặt trong quan hệ quân sự của Mỹ với các nước, trong đó có Ấn Độ.

Sự kiện 11.9 đã đem lại cả cơ hội và thách thức cho quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ. Trước đó, các cuộc đối thoại song phương giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Talbott và Ngoại trưởng Ấn Độ Jaswant Singh đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển8. Vì vậy, ngay sau khi xảy ra sự kiện 11.9, Ấn Độ ngay lập tức đề nghị hỗ trợ cho các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Nam Á như cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân của Ấn Độ để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu, cho phép máy bay Mỹ bay qua vùng trời Ấn Độ, hợp tác tình báo và cho phép các tàu chiến Mỹ tiếp cận các hải cảng của Ấn Độ. Mặc dù khi đó, Mỹ có thái độ do dự khi tiếp nhận sự giúp đỡ của Ấn Độ vì lo ngại mối quan hệ nhạy cảm giữa Ấn Độ và Pakistan song hành động đó của Ấn Độ đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía Mỹ9

và là một động thái quan trọng để mở ra những bước tiến vượt bậc trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ những năm sau.

Tuy nhiên, sự kiện 11.9 đã làm chuyển hướng ưu tiên chiến lược của Mỹ quan tâm đến sự “trỗi dậy” của Trung Quốc sang cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chiến lược chống khủng bố của Mỹ ưu tiên việc đối phó với những nơi bị nghi ngờ có lực lượng khủng bố ẩn náu, trong đó có chế độ Taliban ở Afghanistan. Xét về yếu tố địa lý và giá trị chiến lược, Pakistan rõ ràng có vai trò quan trọng trong chiến dịch của Mỹ chống lại các tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Dù Ấn Độ gần như ngay lập tức

8 14 cuộc đối thoại song phương giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Strobe Talbott và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaswant Singh từ tháng 6.1998đến tháng 9.2000 có ý nghĩa vô cùng quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Thực ra, đây là lần đầu tiên, Mỹ sẵn sàng lắng nghe Ấn Độ và những mối quan ngại an ninh của nước này, bao gồm những lý do chiến lược bắt buộc Ấn Độ phải theo đuổi chương trình hạt nhân và vấn đề hợp tác tên lửa và hạt nhân Trung Quốc – Pakistan.

9

lên tiếng ủng hộ và đề nghị hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố thì việc làm đó cũng không đem lại cho Ấn Độ những lợi thế mà Pakistan có, đó là một đường biên giới dài 2500 km với Afghanistan và mối quan hệ lâu dài chặt chẽ với Taliban. Nhìn bề ngoài, Ấn Độ được coi là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố vì có kinh nghiệm trong việc đối phó với các cuộc tấn công của Jaish-e-Mohammad và Lashkar-I-Taiba vào tháng 12/2001 nhưng trên thực tế, chính quyền Bush đã từ chối sự giúp đỡ của Ấn Độ để có sự ủng hộ và tham dự của đồng minh then chốt Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.

Như vậy, rõ ràng là sự kiện 11.9 đã khôi phục lại tầm quan trọng chiến lược của Pakistan đối với Mỹ. Mỹ đã coi Pakistan như một nước ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động. Quyết định hợp tác với Chính quyền Musharraf, chính quyền mà Ấn Độ coi là kẻ đỡ đầu của chủ nghĩa khủng bố, của Tổng thống Bush đã khiến cho giới hoạch định chính sách ở Ấn Độ thất vọng và nghi ngại sâu sắc về mối quan hệ Mỹ - Pakistan. Chính quyền Bush đã chuyển từ chính sách nghiêng về Ấn Độ sang chính sách cân bằng giữa Ấn Độ và Pakistan. Điều này rõ ràng đã kiềm chế sự phát triển của mối quan hệ an ninh quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ. Phải đến thời kỳ Tổng thống Obama, khi mà Mỹ nhận ra rằng Pakistan không thể giúp Mỹ giải quyết có hiệu quả vấn đề Afghanistan và Mỹ nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của Ấn Độ ở khu vực thì quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ mới thực sự có những bước đột phá cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tóm lại, sự kiện 11.9 đã đem lại cả những cơ hội và thách thức cho quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ nhưng quan trọng hơn cả là thông qua sự kiện này, cả Mỹ và Ấn Độ đều nhận thức sâu sắc thực tế rằng hai nước có một mối quan tâm chung và có nhu cầu mở rộng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố. Hai nền dân chủ lớn vốn xa lạ nhau trong một thời gian dài cuối

cùng cũng bắt đầu xây dựng một quan hệ hợp tác tích cực trong lĩnh vực chủ chốt là an ninh quốc gia và quốc tế.

* Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 tuy không phải là cột mốc đánh dấu sự chuyển hướng trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ song đây là một tác nhân có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ giữa hai cường quốc này, nhất là trên lĩnh vực thương mại và an ninh quân sự.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng bảy thập niên qua kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1933 đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế song tính từ giữa năm 2009 đến nay10, GDP của nước này chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình là 2,2%, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã có lúc tăng lên mức hai con số11

và đẩy nền tài chính công của nước này rơi vào tình trạng nguy hiểm. Tháng 8/2011, Quốc hội Mỹ đã phải nâng mức trần nợ công lên thêm gần 2,4 tỷ USD để tránh tình trạng Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động vì vỡ nợ. Đây cũng là lý do khiến hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's lần đầu tiên hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+. Thực trạng ảm đạm của nền kinh tế buộc Chính phủ Mỹ phải điều chỉnh chính sách kinh tế trong đó có biện pháp cắt giảm chi tiêu công và mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế hướng ra nhiều khu vực, tăng cường xuất khẩu nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn. Ở Châu Á, Ấn Độ tuy không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu song tác động này chỉ là thứ phát và tương đối nhẹ. Theo số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP thực tế của Ấn Độ giảm từ 7,3% năm 2008 xuống còn 5,7% năm 200912. Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng

10 Năm 2012 -thời điểm được coi là kết thúc khủng hoảng

11 Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 10,2% trong tháng 10/2009, mức cao nhất kể từ tháng 4/1983.

12

của mình với GDP trong năm tài khóa 2010 là 7,4% và 8,5% trong năm 2011. Kết thúc quý II năm 2012, mặc dù bị hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), song theo số liệu thống kê của nước này, GDP của Ấn Độ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự đoán tăng 5,2% của các nhà kinh tế Bloomberg. IMF dự báo GDP của Ấn Độ đến năm 2015 sẽ phát triển với tốc độ hơn 8%13

.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, thị trường khổng lồ với gần 1,2 tỷ dân của Ấn Độ có nhu cầu ngày càng cao về hàng hóa và dịch vụ thực sự là một miền đất hứa với tiềm năng to lớn. Đối với Chính phủ Obama, “Ấn Độ không chỉ là một cường quốc đang nổi, mà thực sự đã là một cường quốc thế giới” và quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ là một trong các mối quan hệ “định hình thế kỷ XXI”14. Vì vậy, Mỹ kỳ vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Ấn Độ sẽ giúp Mỹ nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ có sự đóng góp rất lớn từ quan hệ kinh tế của quốc gia này với Mỹ. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, kim ngạch thương mại Mỹ - Ấn Độ đã tăng từ mức 5 tỷ USD năm 1990 lên 14 tỷ USD vào năm 2000. Đến năm 2008, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 50 tỷ USD15

. Mặc dù bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính song kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Mỹ vẫn tăng lên mức 66 tỷ trong năm tài chính 2010 – 201116 và phấn đấu nâng mức kim ngạch thương mại với Mỹ lên mức 100 tỷ trong năm 201217. Trong lĩnh vực đầu tư, Ấn Độ là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Mỹ, giúp tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm cho người

13 Office of the Press Secretary, Background on United States - India Economic Relationship, November 06, 2010.

14

“Quan hệ Mỹ - Ấn định hình thế kỷ XXI”, http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2010/11/3ba22ac4/

15http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30127&cn_id=373638

16http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/baocongthuong.com.vn/Quan-he-thuong-mai-cua-An-Do-voi-cac- nuoc/7336831.epi

17

dân Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng là nước có số vốn FDI lớn thứ tư vào Ấn Độ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch thương mại và hoạt động đầu tư sôi nổi chứng tỏ sự hội nhập ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ và nhu cầu khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 của hai nước đã tạo cú hích mạnh cho sự phát triển quan hệ kinh tế Mỹ - Ấn Độ trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ hai nước không phải là lĩnh vực kinh tế mà nằm ở lĩnh vực an ninh quân sự. Mối quan hệ an ninh quân sự giữa hai nước phát triển mạnh mẽ dựa trên cơ sở sự hài hòa ngày càng tăng giữa các lợi ích của Mỹ và Ấn Độ, đặc biệt là những lợi ích ở khu vực từ Trung Đông đến Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chiến lược an ninh của Mỹ cũng có những sự điều chỉnh do chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngân sách dành cho các hoạt động quân sự bị cắt giảm18, Lầu Năm Góc buộc phải cắt giảm chi tiêu bằng cách hạn chế mua sắm vũ khí, tinh giảm lực lượng, nỗ lực xây dựng một bộ máy quân sự tinh gọn hơn nhưng hiệu quả hơn. Để đảm bảo cho mục tiêu chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á- TBD trong bối cảnh ngân sách hoạt động bị cắt giảm, Mỹ thực hiện chiến lược củng cố quan hệ với các nước đồng minh lâu năm, tìm kiếm những đối tác mới để đảm bảo cân bằng sức mạnh ở khu vực và chia sẻ gánh nặng với Mỹ. Và Ấn Độ được lựa chọn đặt vào vị trí “trụ cột” trong chính sách Châu Á – TBD của Mỹ. Mỹ nhận thấy Ấn Độ có tiềm năng trở thành đối trọng của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, sức mạnh quân sự và phạm vi ảnh hưởng ở khu vực. Vì vậy, thúc đẩy quan hệ an ninh quân sự với Ấn Độ phát triển sẽ đem lại lợi thế chiến lược cho Mỹ và cả Ấn Độ. Phía Ấn Độ cũng nhận thức rất rõ sự cần thiết phải hợp tác với Mỹ trên lĩnh vực an

18Lầu Năm Góc ngày 26/1/2012 đã công bố kế hoạch ngân sách tài khóa 2013, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu 487 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

ninh quân sự để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển trên biển Ấn Độ Dương, một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình an ninh của Ấn Độ, để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc và khẳng định vai trò cường quốc của mình.

Như vậy có thể nói, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã đem lại những cơ hội để Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn. Quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quân sự, bước vào giai đoạn phát triển mới cả về lượng và chất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)