Tình hình khu vực Na mÁ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 38 - 41)

1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực

1.1.4 Tình hình khu vực Na mÁ

Thập niên đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến những chuyển biến sâu sắc về vai trò của khu vực Nam Á trong đời sống quốc tế. Hiện nay, Nam Á đang ngày càng chứng tỏ ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với các vấn đề quốc tế.

Trên phương diện kinh tế, những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế Ấn Độ đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn khu vực, đưa Tiểu lục này trở thành khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Các nền kinh tế Nam Á dần bắt kịp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), diễn đàn chung của Tiểu lục này. Sự hội nhập mạnh mẽ và hiệu quả đã đưa cộng đồng kinh tế Nam Á phát triển cả về quy mô, sự năng động và khả năng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Về phương diện chính trị, Nam Á ngày càng có vai trò và vị thế quan trọng trên trường quốc tế, khi mà tất cả các cường quốc lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều chú trọng thúc đẩy và mở rộng quan hệ với khu vực này. Một minh chứng rõ ràng cho điều này là Nam Á với đại diện là Ấn Độ, đã chứng tỏ vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu mà thế giới phải đối mặt hiện nay như kiểm soát khí thải carbon hay những vấn đề về năng lượng, tài nguyên và an ninh lương thực,... Ấn Độ đồng thời cũng thể hiện tầm quan trọng của mình trong việc tái thiết các thể chế quốc tế và là yếu tố quan trọng trong kiểm soát thương mại quốc tế mới, trong các thách thức về năng lượng và môi trường.

Nam Á đang có những bước chuyển đáng kể trong đời sống quốc tế và cũng là khu vực tập trung nhiều điểm nóng của thế giới, đồng thời là khu vực hội tụ một loạt các vấn đề và thách thức quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa Hồi giáo quá khích, vũ khí hủy diệt hàng loạt, leo thang chiến tranh, sự thất bại của nhà nước, xây dựng quốc gia và tăng cường dân chủ hay vấn đề cân bằng quyền lực ở Châu Á, an ninh biển và sự nóng lên của trái đất. Vì vậy, Nam Á được xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược tái cân bằng khu vực Châu Á – TBD của Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình an ninh của khu vực Nam Á thường xuyên rơi vào tình trạng bất ổn mà nguyên nhân chủ yếu là vấn đề Kashmir và những bất đồng trong việc giải quyết vấn đề Afghanistan. Cả hai vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia đóng vai trò chi phối trong khu vực và đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng mối quan hệ thù địch kéo dài hơn nửa thế kỷ qua giữa hai quốc gia này đã khiến cho việc giải quyết các vấn đề trên gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc đang dần được cải thiện, Pakistan được sử dụng như một lá bài để Mỹ và Trung Quốc mặc cả với Ấn Độ. Pakistan cũng lợi dụng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để cạnh tranh vị thế với Ấn Độ trong khu vực khiến cho tình hình an ninh khu vực Nam Á càng trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, khu vực Nam Á và phần lãnh hải ở đây được Trung Quốc xác định là một nội dung trọng yếu trong chiến lược gồm hai phần của Trung Quốc là an ninh năng lượng và phát triển các vùng miền phía Tây của Trung Quốc. Sự ổn định ở khu vực Nam Á là một sự đảm bảo quan trọng cho môi trường an ninh ở phía Tây và Tây Nam của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Điều này tạo nên sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Để củng cố ảnh hưởng và gia tăng can dự ở khu vực Nam Á, đồng thời đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực này, Mỹ đã thực hiện nhiều nỗ lực chính trị, ngoại giao và kinh tế ở khu vực Nam Á như: trực tiếp tham gia vào công cuộc ổn định an ninh tại Pakistan và Afghanistan, chống lại các nguy cơ khủng bố và tôn giáo cực đoan trong khu vực và xuyên quốc gia, trở thành quan sát viên của SAARC, ủng hộ và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế trong khu vực cũng như tích cực hỗ trợ Nam Á hội nhập với các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, Mỹ chú trọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ. Vì với vai trò là đầu tàu kinh tế và là quốc gia có khả năng chi phối lớn trong khu vực, Ấn Độ là một nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến quá trình xây dựng một khu vực Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Ấn Độ cũng có chung lợi ích với Mỹ trong việc đảm bảo an ninh và thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Á phát triển. Việc xây dựng và thúc đẩy một Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình vươn lên của Ấn Độ. Hơn thế, trong những năm qua, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực, Mỹ đã giữ thái độ trung lập đối với các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Động thái này của Mỹ đã giải tỏa phần nào những nguy cơ an ninh mà Pakistan tạo ra đối với Ấn Độ, đồng thời khiến cho hai nước trên thiện chí hơn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình song phương và nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.

Sự gặp gỡ trong mục tiêu và lợi ích của Mỹ và Ấn Độ ở khu vực Nam Á đã tạo động lực cho quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ phát triển. Với nỗ lực của cả hai bên trong thời gian vừa qua, quan hệ song phương giữa hai cường quốc đã phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, trước đời sống quốc tế phức tạp và nhiều biến động hiện nay đòi hỏi Mỹ và Ấn Độ cần củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương nhằm đạt được những mục tiêu và lợi ích chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)