2.1 Chính sách an ninh quân sự của hai nước với nhau
2.1.2 Đối sách của Ấn Độ
Về cơ bản, các mối quan tâm của chính sách an ninh quốc phòng Ấn Độ bao gồm bốn cấp độ sau:
+ Ở trong nước, mối đe dọa đối với an ninh của Ấn Độ chủ yếu đến từ những cuộc nổi dậy, bạo loạn đòi ly khai, chủ nghĩa khủng bố và xung đột sắc tộc.
+ Ở khu vực lân cận, mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Ấn Độ đến từ hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Pakistan. Đây là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên thách thức an ninh mà hai nước tạo ra cho Ấn Độ không chỉ là các cuộc chiến tranh thông thường mà còn là những mối đe dọa hạt nhân.
+ Ở phạm vi châu Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối quan ngại lớn đối với Ấn Độ. Tốc độ gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy cường quốc này có thể nắm vị trí bá chủ châu lục trong những thập niên tới. Trung Quốc sẽ lấn át vai trò của Mỹ và làm suy giảm vị thế hiện nay của Ấn Độ và Nhật Bản tại khu vực Châu Á.
+ Ở phạm vi quốc tế, Ấn Độ phải lưu ý đến Mỹ và Trung Quốc. Mỹ được dự báo sẽ duy trì vị trí siêu cường lớn nhất thế giới ít nhất trong hai thập niên tới còn Trung Quốc hiện không chỉ là một cường quốc Châu Á mà ảnh hưởng của nó đã mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Với tư cách là hai cường quốc lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách quản trị tình hình chính trị thế giới theo cách phù hợp với lợi ích của họ. Điều này có thể tác động mạnh mẽ đến an ninh của Ấn Độ. Vì thế, Ấn Độ phải chú trọng đến việc cân bằng sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự với cả Mỹ và Trung Quốc.
Có thể nhận thấy, Mỹ và Trung Quốc là hai nhân tố có tác động sâu sắc đến việc kiểm soát các mối quan ngại an ninh bên trong và bên ngoài phạm vi
lãnh thổ của Ấn Độ. Nếu như Trung Quốc là nhân tố gây ra những nguy cơ an ninh tiềm tàng, kiềm chế ảnh hưởng của Ấn Độ đối với khu vực thì Mỹ được coi là nhân tố quan trọng chi phối tới vị thế, vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực, giúp Ấn Độ ngăn chặn, kiểm soát và hiện thực hóa các mục tiêu an ninh quân sự của mình. Ấn Độ coi Mỹ là “trụ cột” trong chính sách an ninh quân sự của mình. Quan hệ gần gũi và toàn diện với Mỹ sẽ giúp Ấn Độ đa phương hóa quan hệ với các nước lớn, từ đó nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ, tạo môi trường an ninh xung quanh và quốc tế có lợi cho mình, thực hiện khát vọng trở thành nước lớn trên thế giới. Đồng thời, Ấn Độ có thể dựa vào sức mạnh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc và giải tỏa sức ép từ Pakistan. Từ lâu, Ấn Độ coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất, gần đây càng cảm thấy quan ngại trước một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và đầy tham vọng. Trung Quốc tuy không trực tiếp cạnh tranh với Ấn Độ trên vùng biển Ấn Độ Dương nhưng vẫn ráo riết thực hiện kế hoạch “chuỗi ngọc trai” nhằm hóa giải thế lực của Ấn Độ trong khu vực. Trung Quốc đề ra kế hoạch xây dựng một loạt các căn cứ và hải cảng quân sự Pakistan, Sri Lanka, Bangladet và Mianma - những vị trí vô cùng nhạy cảm đối với an ninh của Ấn Độ và đưa vào hoạt động thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc – một động thái nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc không chỉ muốn tham gia cuộc đấu, mà còn sẵn sàng bám trụ thống trị ở khu vực này bằng lực lượng quân sự hùng hậu. Ấn Độ hy vọng thông qua việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ an ninh quân sự với Mỹ sẽ giúp làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á cũng như Ấn Độ Dương, qua đó xác lập vai trò chủ đạo của Ấn Độ ở khu vực này. Đối với Pakistan, Ấn Độ hy vọng thông qua tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ sẽ hạn chế sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Mỹ - Pakistan nhằm củng cố vai trò chủ đạo của mình ở Nam Á.
Tuy nhiên, Ấn Độ không muốn trở thành một “lá bài” trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ vì điều này không phù hợp với lợi ích quốc gia của Ấn Độ. Ấn Độ nhận thức rất rõ rằng, tuy Mỹ và Trung Quốc có nhiều sự khác biệt nhưng hai nước đang phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế và mối quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc sâu sắc hơn nhiều so với mối quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ hay Ấn Độ - Trung Quốc. Trên thực tế, Mỹ có xu hướng thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc, hợp tác, làm đối tác và cạnh tranh chứ không lựa chọn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Hơn nữa, xét về cả sức mạnh kinh tế lẫn tiềm lực quốc phòng, Ấn Độ chưa bằng Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới và là quốc gia láng giềng rộng lớn của Ấn Độ, do đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ. Vì thế, Ấn Độ cần cư xử với Trung Quốc như một đối tác chiến lược và can dự mạnh mẽ hơn với nước này để gia tăng sức mạnh kinh tế và quốc phòng của mình, đồng thời tìm cách ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc mà không đưa đến sự đối đầu với cường quốc này. Để giải quyết vấn đề chiến lược trên, Ấn Độ một mặt gia tăng thiết lập mối quan hệ quốc phòng đặc biệt với Mỹ, mặt khác duy trì và phát triển mối quan hệ với Trung Quốc nhằm tối đa hóa lợi thế của mình trong mối quan hệ tay ba này.