1.2 Mỹ điều chỉnh chiến lược toàn cầu và sự chuyển hướng trong chính
1.2.2 Sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Sau khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ đã thực thi chính sách đối ngoại “không liên kết”. Theo đó, lực lượng quân đội Ấn Độ hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, chỉ tham gia hoạt động chung trong các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc trung lập, không liên kết được duy trì trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi cấu trúc địa chính trị thay đổi và cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước bắt đầu trở thành thách thức của những nguyên tắc này.
Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ sau hai thập niên cải tổ thành công đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong cách nhìn nhận địa chính trị của Ấn Độ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết tại Sharm El- Sheikh, Ai Cập ngày 15.7.2009, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tái khẳng định sự tồn tại của Phong trào không liên kết nhưng cần phải thay đổi để thích ứng với một thế giới ngày càng gia tăng kết nối và đối phó với những thách thức đã trở nên phức tạp hơn. Sự điều chỉnh này là cần thiết, bởi những mối quan hệ chặt chẽ với các nước, các thể chế khu vực và quốc tế sẽ rất hữu ích đối với quá trình phát triển cũng như việc đảm bảo các lợi ích quốc gia của Ấn Độ.
Theo xu hướng này, thập niên vừa qua, Ấn Độ đã thiết lập “quan hệ chiến lược” với hầu hết các cường quốc chủ chốt và nhiều cường quốc bậc trung, ngoại trừ Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ qua số lượng các hiệp định quốc phòng song phương của Ấn Độ được ký kết trong những năm qua. Nếu như từ năm 1947 đến năm 2000, Ấn Độ chỉ ký kết được 7 hiệp định quốc phòng song phương, 4 trong số đó được ký từ năm 1990 đến năm 2000, thì chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008, Ấn Độ đã ký kết được 19 hiệp định quốc phòng song phương mới24. Việc phát triển quan hệ quốc phòng với nhiều cường quốc không chỉ giúp Ấn Độ tìm kiếm những
24
nguồn cung vũ khí mới thay cho nguồn cung truyền thống từ Liên Xô đã sụp đổ, mà còn giúp Ấn Độ nâng cao sức mạnh quân sự thông qua việc mở rộng các nội dung hợp tác an ninh quân sự như các cuộc diễn tập song phương, trao đổi và huấn luyện quân sự với các cường quốc, đặc biệt là với Mỹ.
Đây là bước chuyển hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Quan điểm đối ngoại “không liên kết” trong quan hệ quốc tế và tránh vướng vào những tình huống phức tạp dần được điều chỉnh sang tìm kiếm liên kết với tất cả hoặc trở thành “đa liên kết”. Ấn Độ vẫn nhìn nhận và tự giới thiệu là một nước “không liên kết” nhưng ngày càng có nhiều động thái theo hướng “đa liên kết”. Tại Triển lãm Hàng không Aero Ấn Độ năm 2001 có sự tham dự của các công ty hàng không đến từ Israel, Pháp, Ucraina, Nga và 10 nước khác nhưng các công ty của Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên đến Triển lãm Hàng không Aero Ấn Độ năm 2009, lần đầu tiên, số lượng các hãng hàng không đến tham gia triển lãm từ 25 nước vượt quá số lượng các hãng hàng không của Ấn Độ. Thương mại quốc phòng trở thành phương tiện và là minh chứng thể hiện rõ nét nhất xu hướng “đa liên kết” của Ấn Độ.
Quá trình tham gia của Ấn Độ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi từ “không liên kết” sang “liên kết” trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Trước đây, lực lượng quân đội Ấn Độ tự đào tạo và ít khi tham gia huấn luyện bên ngoài Ấn Độ. Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, cộng đồng quốc tế (trong đó có Mỹ) và Liên hợp quốc đã đưa ra những sáng kiến tiến hành huấn luyện đa phương, nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của các cuộc diễn tập đa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Điều đó đem đến cho lực lượng quân đội Ấn Độ cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môi trường chính trị và quân sự toàn cầu, làm gia tăng nhu cầu và mong muốn của Ấn Độ về các cuộc tiếp xúc quân sự lớn hơn.
Chiến tranh Lạnh kết thúc và tiềm lực kinh tế ngày càng phát triển cho phép Ấn Độ nhận thức về cơ hội trở thành “một cực” trong xu thế trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Ngay từ những năm 1990, giới học giả Ấn Độ đã cho rằng trật tự thế giới mới bao gồm 6 cực, trong đó 5 cực đã hình thành chắc chắn là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ phấn đấu trở thành cực còn lại. Hiện nay, hầu hết người Ấn Độ đều nói về một trật tự thế giới với 6 cực đã hình thành rõ nét. Ấn Độ đang khẳng định vai trò cường quốc của mình thông qua việc thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc, giành một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ, Ấn Độ tăng cường thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” đối với những nước được cho là chắc chắn đem lại phiếu bầu cho Ấn Độ. Vì vậy, việc ký kết các hiệp định song phương thường được kèm theo những tuyên bố ủng hộ việc Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Để thực hiện các mục tiêu đảm bảo an ninh và định hướng phát triển đất nước, Ấn Độ xác định cụ thể các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình như sau:
Đối với khu vực láng giềng trực tiếp, Mục tiêu của Ấn Độ là xây dựng
năng lực nhằm ứng phó với những tình huống bất ngờ và ngăn cản sự can dự trực tiếp của bất kỳ cường quốc bên ngoài nào đối với các vấn đề chính trị ở khu vực. Ấn Độ cho rằng, khu vực láng giềng trực tiếp của nước này tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn đối với an ninh của Ấn Độ vì nó có thể kích động sự nổi loạn bên trong Ấn Độ25. Các quan chức Ấn Độ tin rằng, những bất trắc quân sự lớn nhất có thể xảy ra trong trung hạn mà họ phải đối mặt là các cuộc giao tranh bất ngờ, giới hạn ở biên giới như cuộc xung đột ở Kargil năm 1999 hay vấn đề nhân đạo trong việc giải quyết các vấn đề thiên tai như trong vụ động
25Chẳng hạn như những cuộc nổi dậy ở khu vực Kashmir có mối liên hệ mật thiết với những phần tử ở Pakistan. Các cuộc cách mạng Naxalite ở miền Trung Ấn Độ được cho là có mối liên hệ với Chủ nghĩa Maoists ở Nepal.Quan hệ của Ấn Độ với nước láng giềng Pakistan ngay từ đầu đã gặp rắc rối và thường xuyên bị Mỹ chi phối.
đất sóng thần Tsunami năm 2004.Vì vậy, Ấn Độ xây dựng năng lực giải quyết các vấn đề đó nhằm nâng cao vai trò và sự hiện diện của mình và sẵn sàng đáp trả trong trường hợp cần thiết đối với những tình huống bất trắc khác.
Đối với khu vực lân cận (vùng duyên hải Ấn Độ Dương và khu vực
Châu Á ở phía Đông của Ấn Độ, bên kia Ấn Độ Dương) Ấn Độ tìm cách cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc và ngăn không để các nước này làm ảnh hưởng đến những lợi ích của mình. Những quan ngại của Ấn Độ ở Châu Á bao gồm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường giao thông huyết mạch về thương mại, đầu tư, đặc biệt là năng lượng.
Ở phía Đông26, được Ấn Độ coi là khu vực đầy triển vọng, Ấn Độ coi việc xây dựng và bảo vệ các mối quan hệ kinh tế với khu vực này là một vấn đề an ninh. Điều này cho thấy quan điểm an ninh của Ấn Độ đã được mở rộng trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh an ninh Ấn Độ Dương và Châu Á phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh trên biển và trên không, Ấn Độ tăng cường đầu tư cho lực lượng không quân và hải quân nhằm duy trì lực lượng quân sự nổi trội ở Ấn Độ Dương, có thể ngăn chặn được các cường quốc khác ở những khu vực gần với bờ biển của Ấn Độ và hợp tác với các cường quốc khác ở những vùng biển xa hơn.
Ở phía Tây, Ấn Độ lo ngại những bất ổn và phong trào Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan và Trung Á có thể lan sang và gây bất ổn cho Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn cung năng lượng của Ấn Độ khiến Vịnh Persian trở thành mối quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, Ấn Độ có một số lượng công dân đáng kể đang làm việc tại Vịnh Persian.
Ở cấp độ toàn cầu, Ấn Độ khẳng định tư cách là một trong những nước
lớn, một bên tham gia chủ chốt trong nền hòa bình và an ninh quốc tế.
26 Khu vực châu Á ở phía Đông của Ấn Độ, bên kia Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã xây dựng được các quan hệ quân sự, kinh tế, chính trị của mình, đặc biệt là với Singapore và Nhật Bản.
Sau một thời gian thực thi chính sách can dự với các nước lớn, hiện nay, Ấn Độ đã mở rộng quan hệ với tất các các cường quốc chủ chốt trên thế giới. Đây là kết quả của sự nhạy bén kết hợp với chính sách ngoại giao kiên trì của Ấn Độ. Phong trào Không liên kết đã bị suy yếu nhưng Ấn Độ vẫn là một nước “không liên kết” bằng cách bảo vệ độc lập và giữ vững quan điểm của mình, tạo ra môi trường hòa bình xung quanh Ấn Độ, phù hợp với môi trường quốc tế để tạo điều kiện cho Ấn Độ thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội. Mức tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm đã giúp Ấn Độ hội nhập sâu hơn với thế giới. Các mối quan hệ của Ấn Độ theo đó trở nên phong phú và đa dạng hơn trước.
Tóm lại, Những nhân tố chủ yếu chi phối mối quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ XXI phải kể đến là những biến động của tình hình quốc tế cũng như khu vực, những nhân tố nội tại mỗi nước, cụ thể là những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại nhằm phục vụ lợi ích của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, việc hai nước có chung quan điểm giá trị phương Tây cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh quân sự bởi chúng đảm bảo tính khả thi cho hai bên xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Một nhân tố quan trọng khác là chính sách ngoại giao toàn diện của Ấn Độ với trọng tâm là mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á – TBD, vì vậy sẽ có lợi cho hai bên triển khai đối thoại và hợp tác về an ninh quân sự.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUAN HỆ AN NINH QUÂN SỰ MỸ - ẤN ĐỘ TRONG THẬP NIÊN ĐẦU CỦA THẾ KỶ XXI