Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 34 - 38)

1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực

1.1.3 Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Một nhân tố quan trọng khác có ảnh hưởng lớn đến quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quân sự, đó là sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Sự tăng trưởng liên tục ở mức cao của nền kinh tế trong hơn một thập niên đã giúp Trung Quốc vượt qua Nhật Bản chiếm giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Mỹ hoan nghênh Trung Quốc phát triển kinh tế vì Mỹ có lợi ích rất lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc lợi dụng các mối quan hệ kinh tế để gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với các nước và các khu vực khiến Mỹ quan ngại. Tranh thủ thời gian Mỹ phải tập trung khôi phục nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới của Mỹ bị suy giảm, Trung Quốc đã thâm nhập và thúc đẩy giao thương với hầu hết các khu vực trên thế giới, từ Châu Á - khu vực kinh tế năng động nhất thế giới đến thị trường mới đầy tiềm năng như Châu Phi hay Liên minh Châu Âu (EU) - khu vực thương mại lớn nhất thế giới và cả Mỹ Latinh, khu vực “sân sau” của Mỹ. Ở một số thị trường truyền thống, thậm chí là những nước đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước này và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu

vực Châu Á. Khi cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra ngày càng trầm trọng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu Eurozone thì những khoản đầu tư của các công ty và Chính phủ Trung Quốc vào trái phiếu Chính phủ các các nước thuộc Eurozone có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).Còn ở khu vực Châu Phi giàu tài nguyên, năm 2011 Trung Quốc vượt xa Mỹ về kim ngạch thương mại với Lục địa đen này19. Kinh tế Châu Phi có những chuyển biến tích cực trong thập niên qua chủ yếu là dựa vào nhu cầu nguyên liệu thô tăng mạnh và nguồn vốn đầu tư trực tiếp khổng lồ từ Trung Quốc. Nhiều nước được hưởng lợi từ quan hệ giao thương với Trung Quốc dần trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào thương mại và đầu tư của nước này, vị thế chính trị của Trung Quốc theo đó được củng cố và ngày một gia tăng.

Đồng thời, Trung Quốc cũng nỗ lực tham gia sâu rộng hơn vào các thể chế khu vực và đa phương, từ Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đến các tổ chức chính trị khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm nâng cao vị thế của mình trong các tổ chức này. Trung Quốc đang chứng tỏ là một nhân tố không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, điều khiến Mỹ quan ngại hơn cả chính là sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Trong hai thập niên vừa qua, sức mạnh quân sự của Trung Quốc liên tục được củng cố, trở thành một thế lực lớn mạnh tầm khu vực và ngày càng tăng khả năng triển khai tầm xa. Theo số liệu chính thức được công bố, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng 12,7% năm 2011 và 7,5% năm 201020, nhưng trong hai thập niên qua, tỷ lệ này thường xuyên vượt quá 10% mỗi năm. Tạp chí chuyên về Quốc phòng Jane’s Defense dự

19Theo số liệu do Trung Quốc công bố, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi năm 2011 đạt mức 166 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với 95,3 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Châu Phi trong cùng thời kỳ;

20Ngân sách Quốc phòng Trung Quốc năm 2014 tăng 12,2%, http://vov.vn/thegioi/ngan-sach-quoc-phong- trung-quoc-nam-2014-tang-122-313727.vov, 05/03/2014

báo đến năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và có thể lên tới 238,2 tỷ USD21. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc không minh bạch về ngân sách quốc phòng thực sự của mình và chỉ ra rằng “ngân sách thực sự cao gấp khoảng hai lần”. Ngày 4/3/2012, Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng tăng 11,2%, thấp hơn so với năm 2011. Giới phân tích cho rằng, động thái trên của Trung Quốc nhằm giảm bớt lo ngại của Mỹ và khu vực về khả năng quân sự ngày càng mạnh của nước này. Tuy Trung Quốc biện minh rằng chi phí dành cho quốc phòng của mình thấp hơn so với Mỹ và khẳng định sự đầu tư quân sự này chỉ mang tính chất tự vệ song Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại về động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đặc biệt khi nước này công khai tìm mọi cách phát triển các phương tiện mở rộng tầm hoạt động quân sự và không giấu giếm tham vọng trở thành cường quốc trên mặt biển.

Sự lớn mạnh về quân sự, đặc biệt của lực lượng hải quân Trung Quốc và thái độ quyết liệt của Trung Quốc trong những tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước ASEAN ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Biển Hoa đã gây ra sự mất cân bằng và ổn định trong khu vực, khiến Mỹ hết sức lo ngại mặc dù Trung Quốc khẳng định không có ý định cạnh tranh sức mạnh quân sự với Mỹ. Đây là lý do chính khiến Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - TBD, thực hiện chiến lược tái cân bằng ở Châu Á.

Các quốc gia Châu Á và nhiều nước trên thế giới lo lắng theo dõi cách thức “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Bởi theo chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế thì không có một cường quốc nào trong lịch sử “trỗi dậy” theo một cách thức hòa bình mà bản chất cố hữu của sự trỗi dậy đó là phá hủy trật tự thế giới đã được thiết lập trước đó. Hầu hết các cường quốc trong khu

21Trung Quốc triển khai tàu sân bay tuần tra Biển Đông vào tháng 8 tới, http://dantri.com.vn/the-gioi/trung- quoc-trien-khai-tau-san-bay-tuan-tra-bien-dong-vao-thang-8-toi-1331640937.htm, 09/03/2012

vực đều cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nga mặc dù liên kết với Trung Quốc để đối phó Mỹ nhưng vẫn lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á và Đông Bắc Á sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Nga ở khu vực này. Còn Nhật Bản vốn có mối quan hệ ngoại giao không mấy suôn sẻ với Trung Quốc nên lo ngại sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Đối với Ấn Độ, sự trỗi dậy của Trung Quốc tiềm ẩn những mối quan ngại về an ninh cả trên bộ và trên biển. Trên đất liền, hai quốc gia láng giềng này có những tranh chấp biên giới từ lâu vẫn chưa được giải quyết. Thời gian qua, hạ tầng cơ sở được cải thiện của Trung Quốc tại Tây Tạng, với các doanh trại quân đội, các căn cứ không quân và tên lửa – đã khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trên đường biên giới tranh cãi với Ấn Độ. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ Pakistan, quốc gia thù địch của Ấn Độ, tạo nên sức ép với nền an ninh quốc gia của Ấn Độ. Trên vùng biển Ấn Độ Dương và vịnh Bengal, Trung Quốc cũng tích cực tăng cường sự hiện diện thông qua những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng thương mại hoặc quân sự với một số quốc gia trong khu vực. Trung Quốc biện giải rằng sự hiện diện tại nhiều cảng biển quanh khu vực Ấn Độ Dương là vô hại đối với Ấn Độ nhưng các nhà phân tích chiến lược Ấn Độ nhận định rằng, đây là những bước đi nằm trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nhằm kiềm chế Ấn Độ. Những mối đe dọa trên đã khiến Ấn Độ nhận thấy cần phải có phản ứng và hành động nhanh chóng để đối phó với một Trung Quốc cường quyền và đầy tham vọng. Điều này chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ

Rõ ràng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là tác nhân quan trọng đưa Mỹ và Ấn Độ xích gần nhau hơn bởi cả hai nước đều có chung một mục tiêu là ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc ở Châu Á. Đối với Mỹ, sự trỗi dậy đầy tham vọng và có tính hiếu chiến của Trung Quốc là trở ngại lớn trong quá

trình củng cố vị thế siêu cường số một thế giới, và đối với Ấn Độ, đó là sự quan ngại vì bị Trung Quốc kiềm chế và cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Nhân tố Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược Nam Á của Mỹ, vì thế khi nào “mối đe dọa Trung Quốc” còn tồn tại thì Ấn Độ vẫn được coi như một đối tác tự nhiên của Mỹ ở Nam Á.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)