Đối với cấu trúc an ninh khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 101 - 104)

3.1 Tác động của quan hệ an ninh quân sự Mỹ Ấn Độ

3.1.2 Đối với cấu trúc an ninh khu vực

Thập niên đầu thế kỷ XXI, với vị trí địa chiến lược, những tiềm năng và thành tựu vượt bậc về kinh tế, Châu Á - TBD đã chứng tỏ là một khu vực có tầm quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển của hầu hết các cường quốc trên thế giới hiện nay. Châu Á -TBD được xác định là khu vực địa chiến lược, địa chính trị trọng yếu có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và sự phát triển của Trung Quốc và là khu vực “đối trọng” chiến lược của Nga nhằm đối phó với những sức ép quân sự và tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và NATO. Châu Á -TBD cũng là địa bàn triển khai những điều chỉnh chiến lược trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản nhằm khẳng định vị thế chính trị, quân sự ở khu vực và trên trường quốc tế.

Với sự chuyển dịch chiến lược mạnh mẽ, Châu Á - TBD còn là khu vực có lợi ích chiến lược ngày càng gia tăng của Ấn Độ. Ấn Độ đẩy mạnh hiện thực hóa chính sách “Hướng Đông”, khẳng định lợi ích chiến lược của Ấn Độ gắn liền với việc can dự và tìm kiếm một vai trò định hình tiến trình chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh trong khu vực. Trên lĩnh vực an ninh, Ấn Độ không chỉ tham gia vào các cơ chế đối thoại an ninh và các tiến trình trong khu vực mà còn tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Việt Nam, ASEAN và các quốc đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thuật ngữ chính trị mới “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được hiểu như một khái niệm khu vực hoặc khái niệm không gian, phục vụ những lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ trong quá trình vươn lên thành cường quốc thế giới. Cấu trúc không gian này đang và sẽ là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh

tế, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quân sự bởi tầm quan trọng địa chính trị và địa kinh tế của khu vực này đối với cả hai cường quốc trên.

Sự can dự ngày càng sâu sắc của Ấn Độ vào cấu trúc an ninh khu vực Châu Á – TBD không chỉ làm thay đổi cán cân lực lượng mà còn làm phong phú thêm cấu trúc an ninh vốn rất phức tạp ở khu vực này trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng không thể thiếu trong việc duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có thể nhận thấy, cấu trúc an ninh ở khu vực Châu Á -TBD có kết cấu đa tầng, nấc đan xen và chồng chéo lẫn nhau. Nổi bật nhất là các “trục Châu Á” của các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và cả ASEAN. Các quốc gia và tổ chức này đều hướng trọng tâm chính sách về khu vực và thực hiện chiến lược lôi kéo, tập hợp các quốc gia khác trong khu vực nhằm hiện thực hóa các lợi ích chiến lược của mình. Tuy nhiên, sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc gây quan ngại cho các nước trong khu vực. Điều đó khiến cho các nước có xu hướng hình thành những liên kết an ninh song phương và đa phương như liên minh song phương Ấn Độ - Nhật Bản, liên minh “tam giác” Ấn Độ - Nhật Bản - Australia hay “tứ giác” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia nhằm kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Quá trình hợp tác, cạnh tranh giữa các nước, các liên kết an ninh một mặt giúp duy trì trạng thái hòa bình, ổn định song mặt khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, phức tạp hơn đối với an ninh khu vực.

Là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Châu Á -TBD, Đông Nam Á được khẳng định là một khu vực chiến lược trong chính sách phát triển của hầu hết các nước lớn. ASEAN đã tạo dựng được một loạt cơ chế đối thoại chính thức và không chính thức, song phương và đa phương, từ mức độ thấp đến mức độ cao với đông đảo các nước trong khu vực Châu Á - TBD và trên thế giới như các cơ chế hợp tác ASEAN +, các Diễn đàn Hợp tác Á –

Âu (ASEM), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM),… Những cơ chế này đã và đang góp phần duy trì và củng cố an ninh quốc gia và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. ASEAN khá thành công trong việc duy trì vị trí trung tâm, là nơi để những nước lớn chủ chốt tham vấn lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Quan hệ giữa ASEAN với Mỹ và Ấn Độ trong thập niên qua đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên nếu như quan hệ ASEAN – Mỹ được tăng cường trên lĩnh vực quân sự thì quan hệ ASEAN - Ấn Độ lại ghi dấu ấn trên lĩnh vực kinh tế.

Quan hệ an ninh quân sự ASEAN – Mỹ có những điều chỉnh rõ nét theo hướng nâng cấp mối quan hệ. Mỹ đồng thời thúc đẩy quan hệ an ninh quân sự với ASEAN và với các nước thành viên ASEAN. Với ASEAN, Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN (2009), tham gia Hội nghị cấp cao với ASEAN, tham gia Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng (trước đó, Mỹ chỉ chú trọng đến Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). Mỹ gia tăng số lượng các cuộc tập trận thường xuyên với quân đội các nước ASEAN, ủng hộ các nước ASEAN đàm phán đa phương để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc. Điều này giúp các nước ASEAN có điều kiện theo đuổi các lợi ích của mình trong việc giải quyết các vấn đề này. Bên cạnh đó, Mỹ tích cực củng cố quan hệ với hai nước đồng minh trong khu vực là Thái Lan và Phillippine, phát triển quan hệ với các đối tác an ninh như Indonesia, Singapore, Malaysia, cải thiện quan hệ với các nước thành viên mới của ASEAN như Việt Nam, Myanmar, Lào, Cambodia. Vì vậy, chính sách gia tăng sự can dự quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á được các nước thành viên ASEAN ủng hộ. Đông Nam Á được xác định là một khu vực có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng trong chính sách “tái cân bằng” khu vực Châu Á- TBD của Mỹ.

Trong khi đó, quan hệ kinh tế ASEAN - Ấn Độ cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ diễn ra ở Lào tháng 11/2004, ASEAN và Ấn Độ đã ký bản Kế hoạch “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng”, tạo tiền đề cho quan hệ ASEAN - Ấn Độ bước sang một giai đoạn phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật nhất là lĩnh vực kinh tế. Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Ấn Độ và ASEAN được khởi động và ký kết đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế song phương cũng như đa phương.Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Ấn Độ-ASEAN tăng 4,6%, từ hơn 68 tỷ USD năm 2011 lên gần 72 tỷ USD năm 2012 và hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 201549

. Ngoài ra, Ấn Độ còn thúc đẩy những nỗ lực chung về hợp tác giữa Ấn Độ - ASEAN ở lưu vực sông Mê Công và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa sông Hằng và sông Mê Công (MGC), nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ở các vùng khó khăn.

Nhìn chung, hợp tác an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ phát triển đặt ra cả thuận lợi và thách thức đối với tình hình an ninh ở khu vực Đông Nam Á. Điều này tùy thuộc vào cách ứng xử của ASEAN cũng như của mỗi nước thành viên tổ chức này trong việc dung hòa các mối quan hệ, những mâu thuẫn, bất đồng đan xen, chồng chéo giữa các cường quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)