Một số nhận xét

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 107 - 110)

3.2 Dự báo triển vọng quan hệ an ninh quân sự Mỹ Ấn Độ những

3.2.1 Một số nhận xét

Từ những phân tích và nghiên cứu về quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ nêu trên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ đã có những bước tiến

đáng kể trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Việc hai nước ký kết các hiệp định như Hiệp định Khung về Hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn Độ (2005), Hiệp định Hợp tác hạt nhân dân sự (2008) và thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược thường niên (2009) được coi là những dấu ấn nổi bật, là những nền tảng vững chắc cho quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Quy mô của mối quan hệ được mở rộng, nâng cấp cả về chiều rộng và chiều sâu đã góp phần quan trọng đưa quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ nói chung bước sang một giai đoạn mới, từ những nền dân chủ “xa lạ” trở thành “đồng minh tự nhiên” và hiện nay là những đối tác chiến lược quan trọng của nhau. Nếu như dưới thời Tổng thống G.W.Bush, quan hệ an ninh quân sự giữa hai nước ghi dấu ấn với những đột phá mới, với nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự được ký kết thì đến thời Tổng thống Obama, quan hệ này được nâng cấp, bước vào giai đoạn phát triển thực chất với việc thực thi, cụ thể hóa những sáng kiến, thỏa thuận trên.

Thứ hai, quan hệ quốc phòng là lĩnh vực nhạy cảm nhất nhưng lại là

lĩnh vực đạt được nhiều tiến bộ nhất trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Điều đó phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của Mỹ về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực và thế giới hiện nay. Nó cũng cho thấy những chuyển biến trong tư duy đối ngoại của Ấn Độ và cho thấy hai nước đã vượt ra khỏi những rào cản, xung đột lợi ích và sự chi phối của hệ tư tưởng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc Mỹ luôn quan tâm thúc đẩy mối quan hệ an ninh quân sự với Ấn Độ cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược

“tái cân bằng” sang khu vực Châu Á – TBD của Mỹ, cũng như khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ trong quá trình vươn lên thành cường quốc trên thế giới của Ấn Độ. Nguyên nhân, và cũng là tác nhân quan trọng của sự phát triển này là “sự hội tụ chiến lược” ngày càng gia tăng trong mục tiêu và lợi ích của Mỹ và Ấn Độ ở khu vực Châu Á, là sự gặp gỡ, song trùng trong nhu cầu đảm bảo và gia tăng sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ những lợi ích chiến lược cũng như vị thế của mỗi nước.

Tuy nhiên, mức độ tiến triển của hợp tác an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ chưa nhanh và toàn diện so với quy mô và tiềm năng của mối quan hệ này. Nguyên nhân của vấn đề này là sự gặp gỡ và song trùng chỉ diễn ra ở một số lợi ích nhất định chứ không phải ở lợi ích cốt lõi của hai nước. Mỗi nước có lợi ích cốt lõi khác nhau. Điều này thể hiện ở việc Mỹ mong muốn thúc đẩy Ấn Độ phát triển để chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng với Mỹ nhưng không muốn Ấn Độ phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, trở thành mối đe dọa đối với vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ. Bên cạnh đó, việc thiếu sự tin cậy chiến lược giữa hai nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai nền quốc phòng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều trên tất cả các lĩnh vực của hợp tác an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ.

Rất dễ để nhận thấy, hoạt động hợp tác của lực lượng hải quân hai nước là nổi bật hơn cả bởi đây là lĩnh vực hợp tác nhận được sự ủng hộ nhiều nhất của giới chức hai nước vì sự “hội tụ” lợi ích hàng hải ngày càng lớn. Ngược lại, thương mại quốc phòng song phương chỉ đạt mức độ khiêm tốn so với tiềm năng của nó do vẫn tồn tại quá nhiều rào cản từ chính sách cho đến trình độ phát triển, đặc biệt là việc Mỹ chưa thật sự tin tưởng để bán và chuyển giao cho Ấn Độ những vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến, có tính nhạy cảm cao. Hiện nay, Mỹ đã vượt qua Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. Nhưng thực tế, Mỹ chủ yếu bán cho Ấn Độ các hệ thống vũ khí phòng thủ còn các hệ thống vũ khí tấn công như máy bay ném

bom chiến lược, tàu sân bay và tầu ngầm hạt nhân thì Nga vẫn là nhà cung cấp chính của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là nhân tố có tác động tiêu cực đến quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt là đối với hoạt động tập trận chung giữa hai nước. Quy mô, vị trí, thành phần tham gia và nội dung của các cuộc tập trận quân sự cho thấy ý đồ chiến lược của các nước tham gia huấn luyện. Do đó, các cuộc tập trận có liên quan đến những thiết bị quốc phòng chủ chốt như các phương tiện chuyên chở, các tàu chiến vận chuyển lính đổ bộ hay tàu ngầm không chỉ thu hút sự quan tâm, tham gia của những đồng minh, đối tác mà thu hút sự chú ý của những đối thủ tiềm tàng. Trung Quốc theo dõi rất sát sao và e ngại các cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Ấn Độ cũng như với các cường quốc khác trong khu vực. Sau cuộc tập trận Malabar tháng 9/2007,Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ 5 nước tham gia cuộc tập trận vì cho rằng các nước này đang hình thành một liên minh chống Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ cân nhắc thận trọng hơn khi tham gia vào các cuộc tập trận đa phương lớn có sự tham gia của Mỹ và các cường quốc khu vực khác vì rõ ràng, Ấn Độ không muốn Trung Quốc quan tâm thái quá cũng như quan ngại các hoạt động quân sự của mình có thể dẫn đến trạng thái đối đầu trực diện với Trung Quốc.

Thập niên qua, Mỹ tuy theo đuổi mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ nhằm tạo ra đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán nhưng lại không có thái độ rõ ràng hoặc đứng trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ với Trung Quốc, giữa Ấn Độ với Pakistan. Giới chức quân sự của Chính quyền Obama đã từng từ chối tập trận chung với Ấn Độ ở bang Đông BắcArunachal Pradesh, nơi Trung Quốc coi là khu vực Nam Tây Tạng từ năm 2006. Điều đó cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của nhân tố Trung Quốc đến mối quan hệ này. Giới nghiên cứu quốc tế còn nhận định rằng, sự chi phối lớn của nhân tố Trung Quốc là một nguyên nhân quan trọng khiến

cho quan hệ an ninh quân sự Mỹ - Ấn Độ trong nhiệm kỳ đầu của Chính quyền Obama không có sáng kiến đột phá nào như Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự dưới thời Chính quyền G.W.Bush.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)