Đối với vị thế quân sự của hai nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 96 - 101)

3.1 Tác động của quan hệ an ninh quân sự Mỹ Ấn Độ

3.1.1 Đối với vị thế quân sự của hai nước

Có thể nói trong những năm vừa qua, ít có mối quan hệ giữa các cường quốc nào đạt được sự phát triển toàn diện như quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ, đặc biệt là trên lĩnh vực quan hệ an ninh quân sự. Điều này giúp nâng cao sức mạnh và vị thế quân sự hai nước, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các mục tiêu và lợi ích chiến lược của mỗi nước.

Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ với Ấn Độ lên tầm đối tác chiến

lược toàn cầu và đạt được những đột phá quan trọng trên lĩnh vực an ninh quân sự là một thành công bước đầu của Chính quyền Mỹ trong quá trình “xoay trục” hay “tái cân bằng” khu vực Châu Á- TBD. Cùng với các “trụ cột” khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Phillippine, … quan hệ Mỹ - Ấn Độ phát triển góp phần củng cố mạng lưới các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực Châu Á, thông qua đó duy trì và nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Trong bối cảnh sức mạnh tổng hợp của Mỹ bị suy giảm tương đối, việc nâng cấp quan hệ với Ấn Độ lên một tầm cao mới càng có ý nghĩa hơn đối với Mỹ, bởi lôi kéo được một Ấn Độ đang lên cả về sức mạnh kinh tế, quân sự và uy tín chính trị sẽ giúp làm thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực Châu Á theo hướng có lợi Mỹ, nhất là trong tính toán kiềm chế “đối thủ” Trung Quốc. Mỹ đánh là giá Ấn Độ là một “đối trọng” với Trung Quốc do hai nước có sự tương xứng về diện tích, dân số và cả sự vươn lên ấn tượng trong thập niên vừa qua. Trên thực tế, Trung Quốc rất quan ngại và theo dõi chặt chẽ những diễn tiến của quan hệ Mỹ - Ấn Độ nói chung, của hợp tác an ninh quân sự giữa hai nước nói riêng. Tuy Ấn Độ xác định không

trở thành “lá bài” của Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc nhưng quan hệ Mỹ - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ đã phần nào ngăn chặn và hạn chế được việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á, đặc biệt khu vực Nam Á.

Nam Á là một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh truyền thống như thách thức an ninh xuất phát từ những khu vực bất ổn ở Ấn Độ như Kashmir, Naxalites, những nguy cơ xảy ra xung đột giữa Ấn Độ với những người láng giềng Pakistan và Trung Quốc và những thách thức an ninh phi truyền thống như vấn đề cướp biển, chống khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân,… Bên cạnh đó, bản thân mỗi quốc gia Nam Á cũng tồn tại những vấn đề an ninh như vấn đề tái thiết hậu xung đột ở Sri Lanka, nguy cơ khủng bố từ những đường biên giới ở Bangladesh, những chính phủ bất hợp pháp ở Nepal, hay vấn đề an ninh hàng hải ở những vùng biển tập trung nhiều đảo của Maldives, và khu vực này có mối nguy hiểm chung là những thảm họa thiên tai thảm khốc có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Ấn Độ là cường quốc ở khu vực nên thường xuyên phải đi đầu trong việc đối phó với những tình huống khẩn cấp nếu không muốn trở thành nạn nhân của những dòng người di cư hay những tác động lan truyền khác. Với một lực lượng hải quân lớn mạnh hơn, Ấn Độ không chỉ cung cấp hỗ trợ hoạt động nhân đạo và phản ứng nhanh với các thảm họa thiên nhiên mà còn chia sẻ một phần trách nhiệm tuần tra, kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng, ngăn chặn và chống các hoạt động buôn lậu, chống hải tặc. Sự hiện diện và gia tăng sức mạnh của hải quân Ấn Độ còn góp phần kiềm chế những tham vọng bành trướng trên mặt biển của Trung Quốc, nhân tố làm “dậy sóng” các vùng biển Châu Á và Ấn Độ Dương những năm vừa qua. Như vậy, Mỹ có lợi ích to lớn khi Ấn Độ có đủ năng lực đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh khu vực, giúp giảm bớt gánh nặng an ninh với Mỹ, nhất là Hải quân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ tập trung đối phó với những điểm nóng an ninh khác ở trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ấn Độ là “chìa khóa” quan trọng giúp Chính quyền Obama tìm ra giải pháp cho vấn đề Afghanistan – một trong những di sản nặng nề từ thời Chính quyền tiền nhiệm G.W.Bush. Bên cạnh đó, Mỹ và Ấn Độ có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung trong vấn đề kiểm soát, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Với việc ký kết Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ năm 2008, Ấn Độ hội nhập sâu hơn và thể hiện rõ hơn vai trò một cường quốc có trách nhiệm đối với vấn đề an ninh hạt nhân thế giới. Sự tham gia của Ấn Độ cùng với Mỹ và cộng đồng quốc tế đã giúp kiểm soát có hiệu quả các điểm nóng hạt nhân trên thế giới như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, vấn đề an toàn hạt nhân của Pakistan, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ấn Độ cũng tích cực cùng với các cường quốc khác trên thế giới tìm kiếm những giải pháp cũng như xây dựng khuôn khổ, thể chế pháp lý nhằm ngăn chặn vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, những khoản lợi nhuận đáng kể do thương mại quốc phòng với Ấn Độ mang lại rất có ý nghĩa đối với Mỹ trong điều kiện nền kinh tế sa sút dẫn tới ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nặng nề. Cùng với tiềm năng to lớn của quan hệ kinh tế Mỹ- Ấn Độ, thương mại quốc phòng giữa hai nước là một nguồn lực quan trọng, giúp Mỹ khôi phục nền kinh tế ra khỏi thời kỳ khủng hoảng.

Đối với Ấn Độ, quan hệ với Mỹ có tác động chi phối đến vai trò của Ấn

Độ trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế. Mỹ là đối tác quan trọng bậc nhất, là nguồn cung cấp công nghệ, đầu tư nguồn lực chủ yếu cho sự tăng trưởng của Ấn Độ trong thập kỷ qua. Có thể nói, phát triển quan hệ với Mỹ giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Mỹ là “kênh” quan trọng giúp Ấn Độ tham gia sâu, rộng hơn vào các vấn đề quốc tế, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của mình. Thông qua các cuộc tập trận chung, những cơ hội cọ xát với các lực lượng thiện chiến của quân đội Mỹ, khả năng tác chiến của quân đội Ấn Độ được cải

thiện nhiều, nhất là đối với Hải quân và Không quân, những lực lượng chiến đấu quan trọng khi địa bàn của các cuộc chiến tranh hiện đại đang chuyển dịch từ “trên bộ, trên biển” sang “trên không, trên biển”. Những hệ thống vũ khí hiện đại, những công nghệ quốc phòng tiên tiến mà Mỹ bán và chuyển giao cho Ấn Độ giúp hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng còn nhiều lạc hậu của Ấn Độ, qua đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa Ấn Độ với Mỹ và các cường quốc quân sự khác trên thế giới. Hiện nay, hai nước đang đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và sản xuất vũ khí, tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng của mình.

Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vững chắc vai trò không thể thiếu của mình trong cấu trúc an ninh khu vực Nam Á. Không chỉ là một nhân tố quan trọng trong giải quyết các vấn đề an ninh của khu vực mà Ấn Độ còn thể hiện một diện mạo mới của sức mạnh quốc phòng thông qua việc tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc đối phó và khắc phục hậu quả do các thảm họa thiên nhiên gây ra như động đất, sóng thần ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương.

Hợp tác an ninh quân sự với Mỹ phát triển còn đem lại cho Ấn Độ những ưu thế chiến lược trong việc xử lý những thách thức đến từ hai mối đe dọa an ninh lớn nhất của Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc. Từ lâu, Ấn Độ luôn e ngại và cảnh giác với mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan, quốc gia thù địch của Ấn Độ. Cho đến trước thời Chính quyền Obama, Mỹ và Ấn Độ chưa bao giờ trực tiếp tham gia đối thoại về vấn đề Pakistan. Vấn đề này được hai bên tranh luận không ngừng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và được đặt sang một bên trong các cuộc đối thoại giữa hai cường quốc trong thập kỷ qua. Nhưng hiện nay, Mỹ và Ấn Độ đã có cách tiếp cận mới đối với vấn đề Pakistan, Chính quyền Obama giữ thái độ trung lập trong những tranh chấp, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, tác động tích cực đến việc cải thiện mối quan hệ giữa Ấn Độ và láng giềng thù địch này. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã khởi động can dự với Pakistan bất chấp những chỉ trích ở trong nước

do nghi ngờ các vụ tấn công khủng bố ở Mumbai tháng 11/2008 có liên quan đến Pakistan. Nỗ lực này đã đem lại những kết quả ấn tượng với việc hai nước đạt được một lộ trình chung trong việc bình thường hóa quan hệ thương mại và tự do hóa cơ chế cấp thị thực. Chính quyền Obama đã giúp tái lập lại mối quan hệ vốn rất mong manh giữa Ấn Độ và Pakistan, qua đó phần nào hạn chế nảy sinh xung đột vũ trang giữa hai quốc gia, đem lại sự ổn định hơn về an ninh cho Ấn Độ.

Thời gian gần đây, Ấn Độ chú trọng mua sắm và thử nghiệm nhiều hệ thống vũ khí hiện đại. Một phần đáng kể số vũ khí này được trang bị cho khu vực biên giới giáp với Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bành trướng của nước láng giềng. Bên cạnh đó, những thành tựu của chương trình hạt nhân Ấn Độ không chỉ răn đe Pakistan mà còn ngầm đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo nhận định của giới chuyên gia, Ấn Độ đã đạt được thế cân bằng hơn về sức mạnh quân sự so với Trung Quốc và khiến Trung Quốc phải tính toán đến những phản ứng của Ấn Độ khi thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Cải thiện và tăng cường quan hệ với Mỹ còn tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ trong quá trình vươn lên thành một cực của trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Mỹ ủng hộ Ấn Độ nâng cao vai trò lãnh đạo ở Châu Á, đảm đương tốt vai trò là “nhà cung cấp mạng lưới an ninh ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa”48. Thập niên đầu của thế kỷ XXI đã chứng kiến một cường quốc Ấn Độ năng động, có trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Đồng thời, Ấn Độ cũng nâng cao vị thế của mình thông qua việc tìm cách xác định lại cấu trúc đa phương của trật tự thế giới như đề nghị gia tăng số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong vấn đề tái cân bằng Quỹ Tiền tệ quốc tế hay trong cuộc đấu tranh chống hiệu ứng biến đổi khí hậu. Sự ủng hộ của Mỹ, giống như Chính quyền

48

Obama ủng hộ Ấn Độ trở thành một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc mở rộng, là chìa khóa then chốt giúp Ấn Độ thực hiện những mục tiêu trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ an ninh quân sự mỹ ấn độ trong thập niên đầu thế kỷ 21 (Trang 96 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)