hóa của thời đại – mẫu người quân tử:
Khang Hi nói: “Pháp luật chỉ đàn áp được một thời gian, chỉ có giáo dục mới chinh phục được con người mãi mãi.”
Vấn đề giáo dục luôn là mối quan tâm của mọi chế độ, mọi thể chế nhà nước. Nó không chỉ đào tạo ra những người có học, những người hữu dụng, những con người có đạo đức, có sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp cho sự giữ gìn ổn định, văn minh của xã hội, mà đơn giản, cụ thể hơn vẫn là đào tạo ra mẫu người văn hóa của thời đại ấy. Mẫu người văn hóa ấy sẽ là nhân tố quyết định sự tồn vong, phát triển hay lạc hậu của chính xã hội mà mẫu người ấy tồn tại. Vì thế, mỗi thời đại, mỗi thể chế tổ chức đời sống xã hội lại đòi hỏi có một mẫu người tương ứng với nó, chẳng hạn, mẫu người như Asin (thần thoại Hy Lạp) là mẫu hình lí
tưởng của chế độ công xã thị tộc, nhưng khi xã hội chuyển mình sang xã hội chiếm hữu nô lệ thì mẫu hình ấy trở nên không còn thích hợp, Asin phải chết, và thay vào đó là một mẫu hình mới: Uylixơ1
.
Giáo dục truyền thống Việt Nam nảy sinh và phát triển trong lòng chế độ phong kiến, khoảng một ngàn năm đầu tiên là phong kiến phương Bắc với tư tưởng độc tôn Nho thuật, và cũng khoảng một ngàn năm kế tiếp là phong kiến tự chủ căn bản lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo. Đương nhiên, mẫu người lí tưởng của Nho gia là người quân tử thì mẫu người lí tưởng trong bầu không khí xã hội ấy cũng chính là người quân tử.
Nam Sơn tùng thoại là một tác phẩm giáo dục, mục đích giáo dục của nó không ngoài mục đích tạo ra mẫu người quân tử ấy cho xã hội.
Khẳng định mục đích ấy, khi có người hỏi: “Kẻ sĩ lấy sự học làm nghiệp, có lẽ không nên thay đổi phải không?”, ông đáp: “Không nên! Núi mà thay đổi được là núi giả, làm gì có ngọc Kinh phác2; nước mà thay đổi được là nước ở chậu, làm gì có mầm ngọc trai! Núi và nước là cái kho của ngọc quý, học là cái kho của nghệ thuật3.” (Thuật nghiệp). Thiên Thuật nghiệp chủ yếu bàn về việc lập nghiệp, bàn về sự nghiệp của con người sống trong xã hội. Khi nói: “học là cái kho của nghệ thuật”, Nguyễn Đức Đạt muốn nhấn mạnh khả năng, vai trò cũng như mục đích của việc học: học chính là để làm người cho ra người, sống cho có ý nghĩa; con người như vậy không gì khác chính là người quân tử.