Như trên đã nêu, mục đích giáo dục của Nam Sơn tùng thoại rõ ràng là đào tạo mẫu người quân tử, mẫu người phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và văn hóa trong chế độ phong kiến. Nhưng khi tìm hiểu kỹ những biểu hiện trong cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra những đổi mới tích cực trong mục đích giáo dục của ông cho phù hợp với thực tế hơn.
Ông đề cao lối học lấy thực tế “làm thầy”, trái hẳn với cung cách khư khư lấy cuốn sách của nhiều nhà Nho “mọt sách” khác. Ông nói rằng: “Tục Nho1
lấy sách làm thầy, thủ Nho2 lấy lễ làm thầy, thông Nho3 lấy trí làm thầy, thạc Nho4
lấy nghĩa làm thầy, chân Nho1 lấy tự nhiên
1 Nhà Nho tầm thường. 2 Nhà Nho bảo thủ. 3 Nhà Nho bình thường. 4 Bậc Đại Nho.
làm thầy. Người quân tử mà chi lấy sách làm thầy là lối học lấy tai mắt mà truyền chứ không phải lối học tinh tuý, chẳng qua chỉ là trang sức bề ngoài loè người thôi.” (Sư hữu)
Trong mục đích đào tạo mẫu người quân tử, ông cũng có những quan niệm khá linh hoạt về mẫu người này, không vì hai chữ “quân tử” mà quá chấp nê. Có người hỏi: “Cảnh ngộ hiểm nghèo, cứ giữ chỗ hiểm nghèo mà xoay xở khác thường, người quân tử có làm không?”. Ông đáp: “Cũng khó đấy, sao bằng bỏ chỗ hiểm nghèo mà ở chỗ yên bình”. (Thiệp thế)
Với sự linh hoạt, không câu nệ ấy, ông không ngại ngần thừa nhận: “Người ta ở trong cõi tục ai là khỏi luỵ? Ngọc khuê sinh ra ở trong đá, rùa thiêng sinh ra ở trong ngòi, nào có ai chê rằng nó sinh ra ở nơi xấu mà bỏ không quý đâu. Cho nên, Hoài Nam Tử nói: “Cái tốt đẹp dù ở chỗ nhơ bẩn, đời cũng không khinh rẻ được.”” (Danh phẩm)
Ông cũng tự vận dụng làm gương trong cuộc sống bằng sự mềm dẻo, linh hoạt này. Có người hỏi: “Khi ông trấn thủ Hưng Yên, người Tây nói sự giảng hoà mà ông thuận, việc ấy có thực không?”. Ông đáp: “Họ giả dối ta cũng giả dối, họ thủ tín ta cũng thủ tín, cốt toàn vẹn Hưng Yên để đợi quyết định của triều đình. Ta có giảng hoà đâu!” (Bình cư). Trong một việc khác, khi ông trấn thủ Hưng Yên, mộ lính dõng, tốn đến hàng vạn, ứng mộ phần lớn là những kẻ “thành tích bất hảo”. Ông lại tha những trọng tù, lập ra đội “hiệu nghĩa”. Có người nói: “Làm thế chỉ phí tiền, không dùng được!”. Ông nói: “Ngươi không nghe à! Nếu chế ngự phải đạo, những đứa dối trá đều sai khiến được. Chế ngự không phải đạo
1 Nhà Nho đích thực.
thì những đứa dối trá đều là kẻ thù. Nay là ngày phải dùng những đứa dối trá. Thà ta dùng còn hơn để địch nó dùng!” (Bình cư). Không có cái nhìn linh hoạt, mềm dẻo tất không dám có những suy nghĩ mạnh bạo như thế.