Phương pháp giáo dục là sự kết hợp giữa những phương pháp truyền thống và một số cách tân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng giáo dục truyền thống qua tác phẩm nam sơn tùng thoại của nguyễn đức đạt (Trang 79 - 86)

pháp truyền thống và một số cách tân.

Không có tài liệu nào ghi lại phương pháp giáo dục của Nguyễn Đức Đạt. Một số giai thoại về ông có nói về cung cách dạy học trò của

ông, nhưng đầu sao đó cũng là giai thoại, khó có thể lấy làm luận cứ. Căn cứ vào nội dung và hình thức của tác phẩm Nam Sơn tùng thoại, chúng ta chỉ có thể đi đến một số thức nhận sau:

Nguyễn Đức Đạt lưu ý người học phải chuyên và cần, nhưng ông cũng lưu ý tới tính vừa mức, không biến học trò thành con mọt sách, khổ sở quá vì học, không đem lại kết quả hữu ích. Ông nói: “Tính tình người đi học thường ở trong hai thứ bệnh: lời thày dạy mà không chịu tập là bệnh; tập mà phẫn uất, khắc khổ quên cả ăn ngủ cũng là bệnh. Bênh thì giống nhau mà nguyên do mắc bệnh thì khác nhau. Bệnh không chịu tập thì học trò hèn (không có chí) hay mắc; bệnh tập quá độ thì học trò cố chí hay mắc.” (Thuật nghiệp).

“Ý kiến của ông được trình bày không phải đơn thuần bằng khái niệm mà bằng hình ảnh cụ thể, nên sinh động, hấp dẫn” (theo [24]). Cách dùng hình ảnh cụ thể thường được Nguyễn Đức Đạt sử dụng kết hợp với phương pháp so sánh. Ông nói: "Học như vẽ màu: Lấy màu tím, màu vàng vẽ vào thì màu trắng biến hết. Lại như nấu canh, cho dấm muối vào thì hết nhạt. Vẽ mà không dùng màu tím màu vàng … thì còn có màu sắc gì? Nấu canh mà không cho dấm muối thì còn có vị gì?" (Học vấn).

Cũng cần phải nói thêm rằng, những sự vật được Nguyễn Đức Đạt sử dụng để so sách thường rất gần gũi với cuộc sống thường ngày, mang phong vị dân dã chẳng hạn như cơm, gạo, con trâu, việc làm ruộng, nồi chõ… Ví dụ: "Người mà không học sẽ làm trâu ngựa ư? Học mà không tinh sẽ làm con mọt sách ư?" (Học vấn); hay: “Học tập đức nghĩa ví như lội sông, học tập quyền số ví như lội khe ngòi, học tập lợi dục ví như lội bùn. Sông thì sâu và dài, khe ngòi thì hang hốc quanh co, đám bùn thì sa lầy” (Thuật nghiệp); hoặc: “Học Bách gia thì như tháng hè tới bờ ao, đi

khỏi bờ ao thì lại nóng, như tháng đông sưởi bếp, xa khỏi bếp thì lại lạnh. Còn như học đạo Thánh thì như lội trong nước trong, không cần tắm gội đã mát, như đi dưới mặt trời mùa đông, không phơi lưng ra đã ấm.” (Thuật nghiệp)…

Có những so sánh khá dí dỏm, ấn tượng, đem lại hiệu quả truyền đạt cao. Chẳng hạn, có người hỏi: “Người tài dạy người bất tài1

, sao người quân tử không hạ thấp xuống một chút mà cứ thế làm người ta không theo kịp.”. Ông đáp: “Thuyền không đi nhanh được, không nhẽ sông phải thu lại? Thang không trèo cao được, không nhẽ núi phải hạ thấp xuống? Nếu dạy người mà hạ thấp xuống thì gỗ không cần phải nảy mực, cung không cần phải dương thẳng nữa, thợ mộc và Hậu Nghệ còn trổ tài vào đâu được?” (Thuật nghiệp)

Ở Trung Quốc, kể từ khi có tư nhân trước thuật, mở đường cho sự xuất hiện Chư tử, với “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng) hết sức sôi nổi, ký ngôn đã trở thành phương thức vô cùng hữu hiệu và phổ biến được các học giả sử dụng. Những bộ sách được coi là sớm nhất trong thời kỳ này như Luận ngữ, Mạnh Tử đều là ký ngôn. Tới Trung Dung, Đại học, ký ngôn vẫn là phương thức chính để biểu đạt nội dung cuốn sách, chỉ xen kẽ một vài câu biện luận. Nam Sơn tùng thoại đã tiếp thu phương thức ký ngôn từ những tác phẩm trước đó (trong đó không loại trừ Luận ngữ), thậm chí có lẽ đã cố gắng ở mức độ cao để có thể diễn đạt được theo phong cách của người xưa. Như ở trên đã trình bày, ký ngôn ghi lại lời phát biểu của một cá thể (tạm gọi là ký ngôn đơn) hoặc ghi lại cuộc đối thoại giữa vài ba người (tạm gọi là ký ngôn phức). Cả Luận ngữ

1

Nam Sơn tùng thoại đều chứa hai hình thức này, nhưng tỉ lệ giữa hai hình thức này là rất khác nhau ở Luận ngữNam Sơn tùng thoại. Nam Sơn tùng thoại dùng ký ngôn phức nhiều hơn ký ngôn đơn khiến vấn đề trình bày được rõ ràng, tập trung hơn, có tính định hướng cao cho người đọc. “Phần lớn những điều nói trên (tức là những tri thức học vấn) đều được ông truyền đạt cho học sinh bằng phương pháp hỏi đáp” [24]. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh nhận xét: “Ông có bộ sách đồ sộ là Nam Sơn tùng thoại,

trong đó ghi chép những lời hỏi của học trò và điều giải đáp của ông, tương tự như sách Luận ngữ của Khổng Tử.” [35]. Thực ra, trong khi những ký ngôn đơn ở Luận ngữ chiếm tỉ trọng rất cao, thì ở Nam Sơn tùng thoại các ký ngôn phức lại chiếm tỉ trọng lớn hơn, có những thiên gần như chiếm tuyệt đối.

Trong khi hỏi đáp, Nam Sơn tùng thoại còn dùng nhiều câu hỏi nêu vấn đề khiến nội dung văn bản trở nên có tình huống, đề cập được nhiều nội dung vượt ra ngoài những tri thức tái hiện sẵn có; đồng thời có khả năng kích thích nhu cầu khám phá, tìm hiểu của người đọc. Bên cạnh những câu hỏi tái hiện còn khá nhiều câu hỏi nêu vấn đề, có những chỗ người hỏi như muốn tranh biện, dồn người đáp đến chỗ bí, buộc người đáp phải có những lí giải hợp lí hơn là “tái hiện” tri thức, chẳng hạn cuộc thoại sau: “Ông nói rằng: “Cái lối học vấn, học thầy không tầy đọc sách”. Có người hỏi: “Tư chất không thông minh học thế nào được?”. Ông đáp: “Đọc cho nhiều, nghĩ cho kỹ, mỗi ngày sẽ thông minh mãi ra”. Lại hỏi rằng: “Đọc mà không nhớ thì làm thế nào?”. Đáp: “Đọc cho kỹ tự khắc nhớ. Trong sách Nguyên sử, lời Hàm Trạch có nói: Đọc sách không đọc được ngàn lần thì cũng là vô ích”. Lại hỏi: “Nghĩ mà không thông thì làm thế nào?”. Đáp: “Nghĩ cho thật kỹ tự nhiên khắc thông. Sách (nguyên chú:

Sách Quản Tử) có nói rằng: “Đã nghĩ rồi lại ngĩ, quỷ thần sẽ cũng thông được”…” (Học vấn), hay cuộc thoại: “Có người nói: “Bất nhân mà giàu, bất nghĩa mà sang, khi đã giàu sang lại làm nhân nghĩa, cũng được chứ sao?”. Ông đáp: “Thế là người giả dối, may mà khỏi vạ, sao bằng thuỷ chung vẫn làm nhân nghĩa”.” (Chí hạnh)…. Những cuộc thoại như vậy không hiếm trong Nam Sơn tùng thoại. “Ta thấy cách dạy theo lối hỏi đáp, lấy thí dụ trong thực tế và dùng phương pháp tương đồng khi so sánh của Nguyễn Đức Đạt cũng là một phong cách ít thấy trong nền giáo dục xưa ở nước ta” (theo [24]).

“Trong quá trình dạy học, chăm lo cho bao lớp học trò, thầy luôn theo dõi tính cách của từng người để uốn nắn giáo dục.” [24]. Chính việc coi trọng tính cách của mỗi cá nhân, dạy học phải xuất phát từ đối tượng người học nên ông đã chủ trương: “Người đã có trí tuệ thông minh muốn học điều nhân hậu thì lấy nhân làm thầy, người nhu nhược muốn học quyết đoán thì lấy nghĩa làm thầy, người rông càn muốn học khiêm tốn thì lấy lễ làm thầy, người lỗ độn muốn học nhanh nhẹn thì lấy trí làm thầy, người xảo quyệt muốn học chân thực thì lấy tín làn thầy.” (Sư hữu). Nói cách khác, căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm của người học, người thầy sẽ đem nội dung kiến thức phù hợp ra để dạy.

Ông đánh giá cao vai trò việc học hỏi từ bè bạn, thậm chí còn coi trọng điều đó hơn cả việc học hỏi từ người thầy. Khi có người hỏi: “Thầy với bạn, ai là cần thiết hơn?”, ông đã trả lời: “Bạn hơn.”. Ông giải thích: “Giúp cho người loà, cầu thầy không bằng cầu bạn. Đi lối quanh co mà nhiều người thì dẫu tối cũng không lạc đường, đi một mình vò võ dẫu có lấy gậy chọc đất để dò đường cũng không thấy được. Gió mưa làm bạn với nhau cây cối mới tốt tươi. Mặt trời, mặt trăng làm bạn với nhau thì

ánh sáng mới toả lan. Linh thiêng như loài rồng còn có bầy. Tôn kính như bậc vua chúa cũng cần có người phụ giúp.” (Sư hữu)

Quan niệm của ông về việc học tập rất phóng khoáng, không nhất thiết phải khư khư lấy quyển sách, miễn là luôn trong tâm thế học hỏi, luôn tiếp thụ cái mới, học ở mọi nơi, mọi lúc, học những tri thức mọi mặt chứ không nhất thiết chỉ có tri thức sách vở. Có người hỏi: “Không phải là không thích học, nhưng lại thích đi chơi, thích chim cá, thì làm thế nào?”. Ông đáp: "Tắm mát, hóng gió, ngâm thơ, đi về, là học trong lúc đi thưởng ngoạn; trồng cỏ ở sân, nuôi cá ở chậu là học trong lúc chơi chim cá. Như vậy, không lúc nào, không chỗ nào không phải học!" (Học vấn)

Xuất phát từ quan niệm phóng khoáng như vậy về tri thức, ông cho rằng cần học những điều căn bản và cần thiết, xác thực chứ không nên học những thứ rườm rà vô bổ. Ông nói: "Cách học tinh hoa không văn vẻ mà văn vẻ, cành lá văn vẻ mà không văn vẻ. Cách học rườm rà thì làm hại cho văn. Tại sao? Tại học cái không nên học"; Ông nói: "Học chẳng gì hay hơn là “thực”, chẳng gì dở hơn là “giả”. Rèn tập ngựa ký làm ngựa ký có thể trở thành được ngựa ký. Rèn tập chim “hạt” (loài chim cắt) làm chim loan không thành chim loan được. Đó là công hiệu của thực và giả. Cho nên học tập phải thực". (Học vấn)

Coi trọng xác thực nên ông đả phá lối học và dạy vu khoát, viển vông. Ông nói rằng: “Chán lối thường dùng mà mê sự viển vông sao gọi là người biết học!”. Có người lại hỏi: “Bỏ điều viển vông mà chọn lấy điều thâm thuý thì thế nào?”. Ông đáp: “Cái thâm thuý quá tức là cái viển vông quá, nó là gió và bóng, sao có được cơm áo ở đó được!” (Thư tịch). Người dạy quá đi vào những vấn đề chi tiết không cần thiết hoặc dạy mà chưa tới đều không đạt, đều là lỗi. Ông nói: “Tính tình người dạy học

thường ở trong hai cái lỗi: dựa chiếu mà không giảng là lỗi; giảng thì cứ phải tìm tòi những điều u ẩn, moi móc những thứ nhỏ mọn suốt ngày, suốt đêm cũng là lỗi. Hai lỗi ấy giống nhau, nhưng nguyên do mắc lỗi thì khác nhau: lỗi không chịu giảng thì thầy kém hay mắc phải; lỗi giảng kỹ quá thì thầy giỏi hay mắc phải.” (Thuật nghiệp)

Tư tưởng ấy dẫn tới quan niệm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, không cốt học nhiều mà cốt tinh thông: “Đọc sách có quý ở đọc nhiều đâu, phải tinh thông mới được; làm văn có quý ở cẩu thả đâu, phải nghiêm chỉnh mới được.” (Thuật nghiệp)

Vấn đề người học phải tự nghiền ngẫm đã được nhiều người nhắc đến, Nguyễn Đức Đạt trình bày vấn đề này một cách rõ rệt và cụ thể hơn. Ông nói: "Miệng truyền tai nghe là lề lối của việc học; thần lĩnh, ý hội là cốt yếu của việc học; người biết được cốt yếu thì dùng sức ít mà công nhiều; người không biết cốt yếu thì suy nghĩ rối beng mà học thuật nông hẹp" (Học vấn). Đây là vấn đề phát huy tính năng động, tích cực, chủ động của người học, một vấn đề mang tính then chốt trong giáo dục hiện đại.

PHẦN KẾT LUẬN

Bên cạnh những trích dẫn phân tích để thấy được những kế thừa cũng như những đổi mới của Nguyễn Đức Đạt trong sự đối sánh với giáo dục truyền thống, chúng tôi nhận thấy cần rút ra thêm một số nhận xét, đánh giá để có thể có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng giáo dục truyền thống qua tác phẩm nam sơn tùng thoại của nguyễn đức đạt (Trang 79 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)