Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Phát triển HTX chè tại tỉnh Tuyên Quang
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 998 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 452 HTX với 32.318 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1.330 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Các HTX đã huy động được vốn góp và vay vốn đầu tư máy móc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để thực hiện cung ứng vật tư, các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tiêu biểu
là mô hình liên kết chuỗi sản xuất gạo sạch đặc sản hữu cơ Tân Trào; chè hữu cơ Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); HTX chè 168, HTX chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX chè đặc sản hữu cơ Ngọc Thúy, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang); HTX chè Shan tuyết hồng Thái (Na Hang); HTX sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên).... Những mô hình liên kết này đã ngày càng phát huy hiệu quả bao tiêu sản phẩm giúp cho các thành viên yên tâm sản xuất.
Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới từ 150 - 200 tổ hợp tác, 150 đến 200 HTX, nâng tổng số lên 1.350 tổ hợp tác và HTX trên địa bàn tỉnh; 100% xã có HTX và 100% xã xây dựng nông thôn mới có HTX hoạt động hiệu quả; có 65% - 70% HTX hoạt động đạt khá và mạnh; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị để có 20 mô hình chuỗi giá trị (sản phẩm liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa). Hàng năm, xây dựng 30 HTX đạt danh hiệu điển hình tiên tiến. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, tỉnh cũng chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Trung ương. Đồng thời, tỉnh ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Qua đó, thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động.