Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.3. Phát triển HTX chè tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Sơn Dương là một huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang, hiện có trên 1.500 ha chè, trong đó huyện đã quy hoạch vùng chè hàng hóa với diện tích hơn 1.100 ha ở 11 xã và thị trấn. UBND huyện Sơn Dương tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức canh tác, thâm canh tăng năng suất cây chè, đặc biệt là đảm bảo sản xuất chè an toàn cũng như tạo dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm chè của địa phương; Tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống, cũng như sản xuất, chế biến sản phẩm chè ở địa phương.
Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành một số thương hiệu chè có tiếng như: Thương hiệu chè Vĩnh Tân thuộc làng nghề chè Vĩnh Tân xã Tân Trào và tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè thôn Trung Long, xã Trung Yên sản xuất chè theo mô hình VietGAP. Toàn huyện có hàng chục vườn ươm chè và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chè, tạo thuận lợi trong việc đảm bảo cung ứng giống và đầu ra cho sản phẩm.
Để khuyến khích phát triển và chính quyền địa phương đã phối hợp với cấp xã động viên các hộ làm chè tham gia HTX, qua đó hỗ trợ các hộ trồng chè cải tạo các giống chè cũ, đưa các giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng như PT10, Bát Tiên, Đại Bạch Trà… Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến và sản xuất chè, huyện đã triển khai hiệu quả việc cung ứng giống chè theo chương trình 135 ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người dân mở
rộng diện tích, thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả hơn.
Trước tình hình quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, chất lượng ngày càng được đòi hỏi cao. Các HTX trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư những máy móc hiện đại như máy sấy chân không, máy hút ẩm, máy sao chè...nhằm đưa chất lượng chè cao nhất. Bên cạnh đó, do nguồn lực có hạn nên HTX đã khuyến khích sự góp vốn của các thành viên để nâng cao năng lực về vốn, cũng như khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Hiện nay, các sản phẩm chè của các HTX trên địa bàn huyện đã được đăng ký bảo hộ chất lượng. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho các HTX cũng như trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ của mình. Thêm vào đó, sản phẩm chè sắp đang là xu hướng tiêu thụ mạnh trên thị trường, sở nông nghiệp thông qua HTX đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất chè sạch. Chính vậy có đến 80% sản phẩm chè của các HTX đã đạt được tiêu chuẩn VietGap, sản lượng tiêu thụ chè năm 2016 tăng 30% so với năm 2015, Năm 2016, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 16.000 tấn,thu nhập người dân cũng được nâng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện (Đỗ Thị Thúy Phương, 2017).