Mô hình VAC sau DĐĐT tại xã Minh Tân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác dồn điền đổi thửa tại huyện nam sách tỉnh hải dương (Trang 102 - 120)

4.4.5.7. Dồn điền đổi thửa góp phần tăng hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai

DĐĐT là dịp để kiểm kê, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình cá nhân và đất công ích do UBND xã quản lý.

Sau DĐĐT các xã tiến hành công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp lại GCNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai chặt chẽ, thống nhất, hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý đất đai.

DĐĐT làm giảm số lượng thửa do vậy giảm số lượng sổ địa chính và sổ mục kê...thuận lợi cho việc lưu trữ, khai thác.

4.5. TỒN TẠI HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI HUYỆN NAM SÁCH TẠI HUYỆN NAM SÁCH

Công tác DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn huyện Nam Sách giai đoạn 2013-2015 đã đạt được kết quả nhất định như làm giảm số

thửa/hộ, tăng diện tích thửa; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được chỉnh trang, hoàn thiện hơn; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng được nâng lên; hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng... góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Một số hộ đã được giao ruộng ổn định ở vị trí tốt, ven các trục đường giao thông, thuận tiện trong sản xuất có tư tưởng không đồng tình với việc DĐĐT lo nhận được ruộng không như ý nên không tự nguyện tham gia gây cản trở trong quá trình tổ chức thực hiện, làm chậm tiến độ thực hiện DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng của huyện.

- Một số thôn, xã mặt bằng ruộng đất không đồng đều, cho nên việc lập phương án DĐĐT đạt mục tiêu mỗi hộ có từ 01 đến 02 thửa gặp khó khăn, chậm tiến độ đề ra. Diện tích đất công điền phân bổ không đều ở thôn, nhỏ lẻ, phân tán nằm rải rác nay dồn vào vị trí tập trung, vị trí phục vụ cho quy hoạch công trình công cộng gặp khó khăn.

- Một số cán bộ thôn, khu dân cư mới tham gia công tác, chưa có kinh nghiệm vận động quần chúng nhân dân, chưa nắm chắc tài liệu, hồ sơ thực tế sử dụng đất của các hộ, cho nên còn lúng túng, chưa kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện.

- Việc huy động kinh phí cho công tác DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng ở một số thôn, khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn.

- Kinh phí chỉnh trang đồng ruộng rất lớn, trong khi kinh phí nhà nước hỗ trợ có hạn, việc đóng góp kinh phí của nông dân được chia làm nhiều đợt và thu theo mùa vụ nên sau DĐĐT thiếu kinh phí để chỉnh trang đồng ruộng, cứng hóa kênh mương và đường giao thông nội đồng.

- Chậm thực hiện việc cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa do thiếu kinh phí để đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính...làm hạn chế quyền của người dân, giảm hiệu quả công tác xây dựng NTM.

- Sau DĐĐT người dân chưa thực sự đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Hiện tại chủ yếu vẫn là tiêu thụ sản phẩm tự túc, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thị trường.

4.6. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NAM SÁCH THỬA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NAM SÁCH

Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, để khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện Nam Sách, tác giả đề xuất 06 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dồn điền trên địa bàn huyện.

4.6.1. Giải pháp về tuyên truyền, vận động

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của công tác dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng để nhân dân hiểu rõ DĐĐT là một chủ trương lớn của Nhà nước và mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho bản thân và gia đình họ.

Nêu cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ban chỉ đạo các cấp. Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng từng cơ quan chức năng, từng thành viên ban chỉ đạo, đồng thời có sự phối kết hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan.

Tiếp tục vận động các hộ dân chưa tự nguyện tham gia dồn điền tự nguyện tham gia DĐĐT. Trong trường hợp các hộ không tự nguyện tham gia đưa ra họp bàn dân chủ theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và được ghi thành biên bản, nghị quyết để thống nhất thực hiện.

4.6.2. Giải pháp về nâng cao chất lượng cán bộ tham gia công tác dồn điền

Đội ngũ cán bộ trong ban thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp của thôn phải nhiệt tình, vô tư, khách quan, tinh thần quyết tâm cao.

Yêu cầu cán bộ thôn, khu dân cư tham gia công tác dồn điền phải nghiên cứu, tìm tòi nắm chắc các hồ sơ, tài liệu về tình hình sử dụng đất của các hộ. Cần học hỏi các kinh nghiệm vận động quần chúng nhân dân từ thôn, xã khác.

4.6.3. Giải pháp về kinh tế

Có hình thức, biện pháp kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện tài trợ kinh phí để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp.

Lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho chỉnh trang đồng ruộng, cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp.

Sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp tục vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động thực hiện bê tông hóa các tuyến đường, kênh mương đất.

4.6.4. Giải pháp về đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp dụng đất nông nghiệp

Tăng cường chỉ đạo của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Lập hồ sơ đề nghị cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí cho cấp huyện, cấp xã trong việc đo đạc, chỉnh lý biến động, lập hồ sơ địa chính, hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt pháp luật về đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh lý hồ sơ địa chính.

Đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng sai sót đối với các hồ sơ đo đạc chính quy sai so với hiện trạng sử dụng đất.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đề nghị UBND tỉnh, huyện hỗ trợ về kinh phí và con người để triển khai nhanh và đồng bộ công tác cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp sau dồn điền.

4.6.5. Giải pháp về khuyến nông

Có chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo tiền đề các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như hỗ trợ 50% tiền giống, 30% thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ về kỹ thuật cho vùng sản xuất tập trung.

Tăng cường công tác khuyến nông, mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất để người dân hiểu và tiếp cận những yêu cầu của nền kinh tế thị trường về sản phẩm mình làm ra; hạ giá thành sản phẩm ngay từ khâu sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện tốt cho hoạt động dịch vụ đầu ra.

Xây dựng các mô hình trình diễn cây, con cho năng suất cao, phẩm chất tốt. Duy trì mối quan hệ với các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học kỹ thuật để tuyển chọn và mở rộng diện tích lúa lai và lúa hàng hóa có chất lượng cao;

Chuyển cơ bản diện tích vùng ruộng trũng sang phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi, trồng cây ăn quả, hình thành kinh tế trang trại tập trung nhằm tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất;

Mở rộng diện tích cây màu vụ đông, như: hành tỏi, cà rốt, bí xanh và các cây rau màu vụ đông khác.

4.6.6. Giải pháp về thị trường

Thực hiện việc liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) giúp người nông dân được tiếp cận với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và đầu ra ổn định cho nông sản.

Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong việc thu mua nông sản của các hộ dân như chính sách ưu tiên trong thuê quyền sử dụng đất.

Khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể là đầu mối thu mua nông sản của địa phương.

PHẦN 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

5.1. KẾT LUẬN

1. Nam Sách là một huyện thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 11.100,58 ha, dân số toàn huyện là 167.089 người; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 27,2% - 39,9% - 32,9%; thu nhập bình quân/người/năm đạt 23 triệu đồng; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản của huyện đạt 135 triệu đồng.

2. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện đã đi vào nề nếp, đã thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Việc sử dụng đất đai được phân bổ cho các mục đích sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đất đai được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả (đã khai thác 0,38ha đất chưa sử dụng vào sử dụng). Đến nay, trên địa bàn huyện không còn diện tích đất chưa sử dụng.

3. Công tác DĐĐT đất nông nghiệp trên địa bàn Nam Sách được thực hiện qua 02 giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2002 – 2006, giai đoạn 2 từ năm 2013- 2015) đến nay đã đạt được những kết quả nhất định: số thửa đất nông nghiệp giảm xuống còn 46.621 thửa, diện tích bình quân trên thửa 1.066m2, bình quân thửa/hộ là 1,91 thửa, hình thành 30 vùng sản xuất tập trung với 967ha, thửa có diện tích lớn nhất là 5.400m2, thửa có diện tích nhỏ nhất là 370m2, các lô trung bình có chiều rộng là 40-60m. Toàn huyện đã thực hiện chỉnh trang đồng ruộng quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng và kênh tưới tiêu. Về cơ sau dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

4. Công tác DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng giai đoạn 2013-2015 tại 03 xã Minh Tân, Phú Điền và An Sơn cũng đạt được kết quả nhất định. Sau DĐĐT, tại xã Minh Tân diện tích bình quân/thửa là 1.195m2, thửa có diện tích lớn nhất 5.267m2, bình quân số thửa/hộ còn 1,9 thửa; xã Phú Điền diện tích bình quân/thửa là 1.216m2, thửa có diện tích lớn nhất 3.890m2, bình quân số thửa/hộ còn 1,8 thửa; xã An Sơn diện tích bình quân/thửa 1.441m2, thửa có diện tích lớn

nhất 3.865m2, bình quân số thửa/hộ còn 1,9 thửa.

Thực hiện việc DĐĐT, các xã đã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, về cơ bản 03 xã đã thực hiện xong việc chỉnh trang đồng ruộng. Xã Minh Tân đã làm mới và tu bổ 246 tuyến đường và 152 tuyến kênh mương; xã An Sơn đã làm mới và tu bổ được 321 tuyến đường, 326 tuyến kênh mương; xã Phú Điền làm mới và tu bổ được 103 tuyến đường và 122 tuyến kênh mương. Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng của các xã được hoàn thiện hơn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời giảm công lao động đặc biệt là tiết kiệm được thời gian đi lại chăm sóc giữa các thửa ruộng.

5. Tuy nhiên, công tác DĐĐT trên địa bàn huyện còn một số tồn tại hạn chế: chậm lập hồ sơ chỉnh lý biến động, cấp đổi cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ dân; tỷ lệ cứng hóa kênh mương đường giao thông nội đồng thấp; chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản.

6. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác DĐĐT trên địa bàn huyện: tăng cường côn tác tuyên truyền vận động; nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ tham gia DĐĐT; huy động kinh phí chỉnh trang đồng ruộng; đẩy nhanh tiến độ cấp lại GCNQSDĐ; khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

5.2. KIẾN NGHỊ

- Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ dân để các hộ dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai.

- Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kỹ thuật cho hộ dân và đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.

- Đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường công tác khuyến nông, có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn thúc đẩy đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất. Định hướng cho các hộ nông dân phát triển sản xuất phù hợp với thị trường, tránh tình trạng sản xuất tự phát.

- Khuyến khích các doanh nghiệp địa phương, các hộ tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ làm đầu mối thu mua nông sản của các hộ dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2003). Báo cáo nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục các tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp ở ĐBSH.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2012). Báo cáo phân tích yếu tố ảnh hưởng tới phân mảnh ruộng đất và các tác động tại Việt Nam. Truy cập ngày 12/01/2017 tại ipsard.gov.vn/VARHS/5.NC3-%20Land-VN.docx.

3. Bùi Đức Hòa (2013). Đổi điền, dồn thửa: nhìn từ thực tiễn ở tỉnh Thanh Hóa. Truy cập ngày 17/12/2016 tại http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/nong- nghiep-nong-thon/2013/22351/Doi-dien-don-thua-nhin-tu-thuc-tien-o-tinh- Thanh-Hoa.aspx

4. C hính phủ (1993). Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Nghị định số 64-CP ngày 27 tháng 9 năm 1993.

5. Cao Thị Thu Thảo (2016). Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Luận văn thạc sỹ. Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

6. Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thị Minh Tâm, Nguyễn Nhật Quang, Phạm Như Hách, Vũ Thị Hồng, Vũ Thị Minh Huệ, Phạm Công Minh và Bùi Duy Thành (2015). Đánh giá tác động của việc dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đề tài khoa học. Tổng cục quản lý đất đai.

7. Nguyễn Đình Bồng (2012). Quản lý đất đai ở Việt Nam 1945 – 2010. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Nguyễn Văn Chất (2015). Hiệu quả công tác "Dồn điền đổi thửa" đất nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An. Truy cập ngày 17/12/2016 tại http://chuyentrang.monre.gov.vn/dhtdyn/guong-dien-hinh-tien-tien/hieu-qua- cong-tac-don-dien-doi-thua-dat-nong-nghiep-tai-tinh-nghe-an.html.

9. Nguyễn Thu Hoài (2014). Đánh giá thực trạng công tác dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Luận văn thạc sỹ. Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác dồn điền đổi thửa tại huyện nam sách tỉnh hải dương (Trang 102 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)