Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.4. Nhận xét, đánh giá
Kết quả nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các công trình nghiên cứu ngoài nước và trong nước về công tác DĐĐT có thể cho phép đưa ra một số nhận xét sau:
Bài học về công tác dồn điền đổi thửa của một số nước
Để mở rộng quy mô các trang trại phục vụ quá trình CNH-HDH, nhà nước công nhận sự chuyển quyền sử dụng ruộng đất cho các hộ khác nhưng chủ ruộng cũ vẫn được thừa nhận quyền sở hữu. Trong cùng thôn xóm tiến hành các hoạt
động hợp tác như làm đất, mua bán chung một số vật tư, sản phẩm nông nghiệp nhưng không chấp nhận phương thức tập trung ruộng đất, lao động để sản xuất (Đài Loan).
Nhà nước ban hành các chính sách: chính sách mua và thuê đất, chính sách khuyến khích trang trại làm ăn kém được giải thể. Hai chính sách này đã giúp mở rộng quy mô trang trại, giảm nhanh số lượng nông dân và lực lượng nông dân làm nông nghiệp không hiệu quả, còn lại lực lượng nông dân làm ăn giỏi, đam mê với nghề nông, ham muốn lập nghiệp, làm giàu từ nghề nông (Hà Lan).
Khoán ruộng đất cho các hộ nông dân theo nguyên tắc: tôn trọng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không được áp đặt; đảm bảo theo nguyên tắc số lượng và giá trị ngang bằng, cho phép có sự điều chỉnh về mảnh ruộng và số lượng ruộng khoán, những thửa ruộng quá phân tán, không thuận tiện cho việc canh tác thì có thể căn cứ nguyện vọng quần chúng mà điều chỉnh (Trung Quốc).
Từ thực tiễn công tác DĐĐT của Đài Loan, Hà Lan và Trung Quốc cho thấy có những bài học thiết thực cho Việt Nam: tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân; cần tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nông hộ làm ăn kém hiệu quả chuyển đổi nghề nghiệp, tập trung nguồn lực cho các nông hộ sản xuất giỏi, hiệu quả, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm mới; luôn coi trọng nguyện vọng và quyền lợi của nông dân, đề cao dân chủ trong quản lý đất đai.
Kinh nghiệm trong công tác dồn điền đổi thửa của một số tỉnh thành trong nước
Công tác DĐĐTở nước ta là một chủ trương đúng, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác DĐĐT; nhiều chủ trương, chính sách, quy định đã được ban hành để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác DĐĐT.
DĐĐT đã làm giảm số lượng thửa ruộng/hộ, giảm manh mún ruộng đất, góp phần tích tụ ruộng đất, chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng, tiết kiệm thời gian và công sức chăm bón trong sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Có thể khẳng định công tác DĐĐT là một khâu đột phá góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản, cũng cần lưu ý những vấn đề cần quan
tâm đối với công tác dồn điền đổi thửa:
Từ khi thực hiện Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đến nay, trong xã hội đã có nhiều biến động lớn về nhân khẩu và lao động (chuyển đổi nghề, thoát ly, mất sức lao động, sinh đẻ thêm, chết...), dẫn đến việc nhiều người mới sinh ra không có đất sản xuất, gây nên bức xúc cho nhân dân;
Trong công tác DĐĐT có vấn đề đất công ích. Cần xem xét về thời gian sử dụng, về công tác quản lý đất đai, quản lý tài chính thu được từ đất công ích, hiệu quả sử dụng đất công ích.
Sau DĐĐT, đất đai cũng đã phân bố lại theo hướng tập trung hơn, diện tích thửa lớn hơn, số thửa trên hộ gia đình ít hơn nhưng bình quân diện tích trên hộ vẫn không thay đổi, quy mô ruộng đất vẫn còn nhỏ, gây khó khăn cho các nông hộ đầu tư, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất hàng hóa, do đó chưa thực sự tạo ra bước đột phá trong SXNN.
Cần có chính sách từ Trung ương tới các địa phương và cần có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước (về chủ trương, chính sách, pháp lý, kỹ thuật, tài chính) đối với công tác DĐĐT. Hiện nay ở nhiều địa phương mới chỉ dùng biện pháp vận động, biện pháp hành chính... chứ chưa áp dụng đòn bẩy kinh tế, chưa áp dụng quy luật thị trường... vì vậy kết quả còn hạn chế.
Công tác DĐĐT là một khâu đột phá trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, cần phải làm từng bước vững chắc, không nóng vội. Một số địa phương do muốn đầy nhanh công tác DĐĐT, có những bước đi chưa phù hợp, thiếu dân chủ nên đã làm nảy sinh sự bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến kết quả và tính bền vững của công tác DĐĐT, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Công tác DĐĐT cần bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong SXNN.
Một bài học không bao giờ cũ mà bất kỳ một cán bộ nào có liên quan đến công tác quản lý đất đai cũng cần ghi nhớ: thượng tôn pháp luật, Hiến pháp và pháp luật là trên hết, mọi suy nghĩ, nhận thức, lời nói, hành động đều phải vì nhân dân. Luôn luôn tôn trọng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, coi trọng và phát huy dân chủ, lấy dân làm gốc.