.Tình hình chính trị khu vực và thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2016  Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 39)

Giai đoạn 2010-2016, tình hình chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các quốc gia.

Trong giai đoạn này, nhiều sự kiện chính trị đã xảy ra như các cuộc biểu tình phản đối đòi lật đổ các chính phủ ở khu vực Bắc Phi và Trung Ðông. Biểu tình đã bùng phát nhanh chóng và gây ra những bất ổn chính trị nghiêm trọng tại khu vực này, và trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay nó đã lan tỏa rất nhanh, tác động tới tình hình thế giới và bầu không khí chính trị quốc tế. Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Ðông cũng đã tác động đến quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước thuộc khu vực này, nhất là lĩnh vực thương mại, du lịch và xuẩt khẩu lao động. Chỉ riêng việc hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Li-bi về nước cùng một thời điểm cũng là một bài toán đặt ra đối với thị trường lao động và việc bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngày 30-12-2015 đánh dấu một kỷ nguyên mới ở Đông Nam Á với sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập gồm ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Kết quả này được đánh giá là bước chuyển mới về chất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN có thể là mô hình cấu trúc tương lai của thế giới, bởi nó là sự tập hợp các quốc

gia có chế độ chính trị và mô hình phát triển khác nhau, ở một khu vực năng động nhất thế giới. Trên nền tảng đó, Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Một sự kiện chính trị khác đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt – Trung trong năm 2015 là việc Trung Quốc thể hiện ở hai động thái chưa từng có liên quan đến an ninh trên Biển Đông. Đó là việc Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2015, trong đó dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về Chiến lược quốc phòng mới của Trung Quốc. Lần đầu tiên một văn kiện chính thức của Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền trái với luật pháp quốc tế của họ đối với gần 80% diện tích Biển Đông. Một động thái nữa là Trung Quốc xúc tiến hoàn tất nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở một số đảo chìm ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như xây dựng đường băng sân bay, hải đăng cỡ lớn, các thiết bị thông tin trên biển, công trình cứu trợ khẩn cấp, trạm quan trắc khí tượng biển, v.v.

Trong giai đoạn này thế giới cũng chứng kiến 2 sự kiện chính trị quan trọng khác là việc Anh rời khỏi EU (Brexit) và Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Sự kiện Anh rời khỏi EU cũng sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam. Tác động trực tiếp không nhiều do quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Anh vẫn ở mức khiêm tốn nhưng có tác động gián tiếp tới các hoạt động đầu tư và thương mại. Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế EU suy giảm do hiện nay EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam; đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược phù hợp, tận dụng được thị

phần của Anh bị thu hẹp ở 27 nước EU còn lại và ngược lại để tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang hai thị trường này, chiếm lĩnh thị phần đó thì đây lại là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 2 thị trường này. Triển vọng kinh tế toàn cầu có thể sẽ trở nên ảm đạm hơn khi Anh rời EU, đặc biệt là nếu xảy ra sự đổ vỡ EU và Vương Quốc Anh bị chia tách (Scotland đòi tách ra và nhập lại EU). Điều này ít nhiều sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.

Về mặt ngắn hạn, Brexit tác động tới thị trường tài chính quốc tế, tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ như giá vàng tăng, giá dầu có khả năng sẽ giảm, giá đồng Euro và đồng Bảng Anh giảm trong khi các đồng tiền khác như USD, Yên,… tăng giá sẽ có tác động tới giá của tiền đồng. Để hỗ trợ xuất khẩu và kích thích tăng trưởng kinh tế, ngân hàng Trung ương các nước đã, đang và sẽ thực hiện phá giá đồng nội tệ hoặc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến tiền đồng tăng giá và gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này.

Về lâu dài, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến trình tự do hóa thương mại thế giới, làm suy giảm tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc. Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện Brexit sẽ ảnh hưởng tới việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Sự kiện thứ hai là cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đã kết thúc với thắng lợi dành cho ông Donald Trump. Kết quả này có thể sẽ đem lại những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Về mặt chính trị, tân tổng thống D. Trump là người có khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa dân túy và rất có thể ông

sẽ không dành nhiều quan tâm cho những vấn đề ngoài nước Mỹ, ví dụ như vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, việc Donald Trump quyết định rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam bởi vì Việt Nam được đánh giá là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Song song với đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu xuất hiện những bước chuyển biến mới. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, quan hệ Trung - Mỹ nói chung vẫn trong trạng thái ổn định tương đối. Tại “Đối thoại Trung - Mỹ về kinh tế và chiến lược” năm 2016, hai bên đã đạt được 3 thỏa thuận về hợp tác kinh tế. Các cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình tại Hàng Châu và Lima vẫn diễn ra trong tinh thần “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nhưng sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông đã có những tuyên bố gây sốc đối với chính sách Trung Quốc, như cho Trung Quốc là “Quốc gia thao túng tiền tệ”, đánh thuế 45% hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc và nhất là sẽ xem xét lại chính sách “một nước Trung Quốc”…, đã làm cho quan hệ Trung - Mỹ như đứng trước cơn sóng gió mới.

Tóm lại, tình hình chính trị thế giới và khu vực trong giai đoạn này có nhiều diễn biến rất phức tạp , khó lường . Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đã tạo ra nhiều hệ lụy , bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức đối với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đầy bất định, bất ổn và bất an đó, Việt Nam đã giữ vững mục tiêu, kiên trì đường lối đối ngoại mà Đảng CSVN đã khẳng định tại Đại hội XII, đồng thời triển khai chính sách đối ngoại một cách tích cực, chủ động và linh hoạt; trong đó luôn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2016  Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 39)