CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.1. Một vài nét sơ lƣợc về Mahatma Gandhi và Đảng Quốc Đại
2.1.1. Tiểu sử của Mahatma Gandhi
a. Gandhi – Con người và cuộc đời
Mahātmā Gāndhī (sinh ngày 02 tháng 10 năm 1869 – mất ngày 30 tháng 01 năm 1948), tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân.
Monhandas Karamchand Gandhi sinh ra tại Porbandar thuộc Kathiawad – vùng biển phía Tây Ấn Độ, trong một gia đình Hindu giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ (Jake C. Miller 2001, Prophets of A Just Society, Nova Sciences Publisher Inc. New York,
tr.9). Gandhi sinh trưởng trong một gia đình mộ đạo và giàu tình yêu thương. Cha của Ngài là Karamchand Gandhi, giữ chức "diwan" (có thể gọi là "Tổng bộ trưởng") của vùng Porbandar – là một người chính trực, liêm khiết, có tình yêu sâu sắc với dân tộc và đất nước Ấn Độ; mẹ Mahatma Gandhi là Putlibai, người vợ thứ tư của Karamchand, theo Hindu giáo, phái thờ thần Vishnu (sa. vaiṣṇava). Và vì là một người mộ đạo nên bà đã thực hành ăn chay trường và không sát sinh đúng như lời khuyên dạy của tôn giáo này. Có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ Mohandas Karamchand Gandhi đã thấm nhuần tư tưởng yêu thương đồng loại và không gây hại, không sát sinh của cả bố lẫn mẹ mình. Gandhi ăn chay từ bé và trong tiềm thức vẫn luôn đau đáu một suy nghĩ về phương pháp đấu tranh đưa dân tộc và đất nước Ấn Độ thoát khỏi ách đô hộ của Thực dân Anh.
Năm 12 tuổi, để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, Mahatma Gandhi đã kết hôn theo sự sắp xếp của gia đình. Không lâu sau đó, Karamchand Gandhi qua đời. Vượt lên nỗi đau mất cha, Mahatma Gandhi đã lên đường sang Anh du học tại Trường Đại học College London (một trường thuộc Đại học London), ngành Luật học với
sự ủng hộ của gia đình, với kỳ vọng sẽ có một vị trí trong bộ máy chính quyền ở Ấn Độ khi tốt nghiệp và về nước.
Không chỉ đơn giản là làm vui lòng người mẹ của mình ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi đã thực hiện ăn chay ngay cả trong tâm thức và tri thức của mình. Trong khoảng thời gian sống và học tập tại London, Gandhi đã tham gia và đảm nhận chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành “Hội người ăn chay” tại thành phố này. Ông đã công nhận rằng, công việc này đã đem lại cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc quản lý và duy trì một tổ chức. Ông cũng bắt đầu đóng góp cho Tạp chí Vegetarian
Society of England (Hội những người ăn chay ở nước Anh). Ba năm ở London, ông
viết 9 bài cho tạp chí này về ẩm thực, phong tục, lễ hội, v.v… của Ấn Độ. Điều này cho ông cơ hội để bắt đầu sự nghiệp của một nhà báo. Cũng trong thời gian này, ông đã gặp được những nhà Thần trí học chuyên nghiên cứu về các kinh điển của Phật giáo và Hindu giáo, mặc dù không có hứng thú với tôn giáo từ trước nhưng Mahatma Gandhi đã tìm đọc Chí tôn ca và những tác phẩm viết về tôn giáo của đạo Phật, Hindu, Kito giáo,…theo lời gợi ý và giới thiệu của những Nhà Thần trí học này.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Vương Quốc Anh, Mahatma Gandhi hồi hương mang theo trong tim mình nỗi đau đáu về ách thống trị đang đè nặng lên vai người Ấn Độ và con đường tìm lại độc lập dân tộc cho Ấn Độ bằng phương pháp hòa bình, phi bạo động. Vì vậy mà trong suốt cuộc đời về sau này, Gandhi phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lý bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên Chấp trì chân lý (sa. satyāgraha) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi Martin Luther King, Jr.
b. Hình ảnh Mahatma Gandhi qua con mắt của bạn bè, đồng nghiệp, các nhà
nghiên cứu và nhân dân Ấn Độ
Từ lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do và đứng đầu đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ (Indian National Congress – Đảng Quốc Đại) năm 1918, Mohandas
Karamchand Gandhi được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahātmā, nghĩa là "Linh hồn lớn", "Vĩ nhân" hoặc "Đại nhân". Danh hiệu có gốc tiếng Phạn này được triết gia và người đoạt giải Nobel văn chương Rabindranath Tagore dùng lần đầu khi đón chào Gandhi tại Mumbai (hay Bombay) ngày 09 tháng 01 năm 1915. Mặc dù Gandhi không hài lòng với những cách gọi tôn vinh này nhưng đến ngày nay, trên thế giới, danh hiệu Mahātmā Gāndhī vẫn thường được dùng hơn tên Mohandas Gāndhī. Ngoài việc được xem là một trong những môn đồ Hindu giáo và những nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại nhất, ông còn được nhiều người Ấn Độ tôn kính như một Quốc phụ (gọi theo tiếng Hindi là Bapu). Ngày sinh của ông, ngày 02 tháng 10, là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Năm 2007, Liên hợp quốc ra nghị quyết lấy ngày 02 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế Bất bạo động.
Bằng phương tiện bất hợp tác, Gandhi đã dẫn khởi nền độc lập Ấn Độ, đưa nước mình thoát sự đô hộ của Thực dân Anh, khích lệ những người dân và các quốc gia bị đô hộ khác phấn đấu cho nền độc lập của nước nhà và đả đảo triệt để ách đô hộ của Đế quốc Anh. Nguyên lý Chấp trì chân lý của Gandhi (có gốc tiếng Phạn: satya là "chân lý" và ā-graha là "nắm lấy", "nắm chặt"), cũng thường được dịch là "con đường chân thật", "truy tìm chân lý", đã làm cho những người chủ trương hành động giành tự do như Tenzin Gyatso, Lech Wałęsa, Stephen Biko, và Nelson Mandela cảm kích và bị thuyết phục. Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà lãnh đạo nêu trên đều theo nguyên tắc bất bạo lực khắt khe như Gandhi.