Ahimsa (Bất bạo động)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tinh thần ahimsa trong đời sống chính trị của mahatma gandhi (Trang 60 - 64)

CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.2. Đƣờng lối đấu tranh giành độc lập dân tộc của Mahatma Gandhi

2.2.1. Ahimsa (Bất bạo động)

Như đã nêu trong phần 1.1.1, Ahimsa trong các tôn giáo lớn của Ấn Độ có nghĩa là không làm tổn hại, không sát sinh các sinh vật sống, kể cả côn trùng, sâu bọ; kiêng ăn thịt động vật. Từ những giáo lý tôn giáo này, Mahatma Gandhi đã phát triển thành tư tưởng “bất bạo động” trong đường lối cách mạng của ông. Ngay cả khi đã đưa “bất bạo động” làm triết lý chủ chốt trong đường lối chính trị của mình, Mahatma Gandhi vẫn băn khoăn về việc “bất bạo động” có làm thành cách mạng? Chính từ những trăn trở đó mà sau này, Gandhi đã đổi tên thành “bất hợp tác”. “Bất hợp tác” nhất thiết phải được xem là một hình thức đấu tranh của ông. Theo Mahatma Gandhi, nội dung chủ yếu của dòng tư tưởng này là sự phản kháng quyết liệt đối với chủ nghĩa Thực dân Anh nhưng hoàn toàn không sử dụng bạo lực. Bất bạo lực ở đây chính là phương tiện để nắm vững triết lý Ahimsa.

Mahatma Gandhi chủ trương áp dụng triết lý bất bạo động trên mọi lĩnh vực của quốc gia mình, không chỉ là trong đường lối đấu tranh chống chủ nghĩa Thực dân. Theo Gandhi, Ahimsa có thể hiểu là triết lý bất bạo động hướng dẫn con người hành xử dựa trên tình thương giữa con người với nhau bằng lòng kiên trì và sự dũng cảm. Gandhi giải thích rằng, tình yêu thương và sự kiên định, quả quyết, lòng dũng cảm là những yếu tố quan trọng, không thể thiếu khi thực hành Ahimsa. Bất bạo động, trong tất cả các trường hợp đều là phương pháp ưu việt hơn hết thảy các hình thức đấu tranh vũ trang, vũ lực khác và bất bạo động, có thể sử dụng để giải quyết mọi khó khăn. Tuy nhiên, thấm nhuần giáo lý của đạo Jain, Mahatma Gandhi cho rằng, Ahimsa không bao giờ được phép sử dụng cho các chủ trương, đường lối sai lầm, không đúng đắn.

Mahatma Gandhi quan niệm rằng, phàm là một con người bình thường, sẽ không có đủ sức mạnh để hoàn toàn trở nên bất bạo động trong ý nghĩ, lời nói và hành động, mà Ahimsa chỉ được con người ta giữ vững như là một mục đích của cuộc sống, và dần dần hướng đến bất bạo lực trên các phương diện khác nhau, trong đó có một khía cạnh to lớn, đó là đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bất bạo động của Mahatma Gandhi ở đây, như đã nói, là tình yêu thương, là lòng dũng cảm và rộng hơn khi áp dụng vào công cuộc cách mạng ở Ấn Độ là chấm dứt vũ trang, dùng hòa bình để mở ra thắng lợi cho dân tộc, và phi bạo lực ở đây không có nghĩa là yếu hèn, dung túng trước sức mạnh của đối phương. Trong một số trường hợp, những hành vi có sử dụng bạo lực cũng được xem là bất bạo động. Đó là khi trong trường hợp bất khả kháng, phi bạo lực không thể thành công trong việc cứu người, Gandhi sẽ chọn hành động bạo lực để làm việc này thay vì từ chối cứu người trong hèn nhát. Chính vì thế mà có thể cho rằng, bất bạo động chưa bao giờ là bình phong để che đậy sự hèn nhát. Bất bạo động cũng có thể được chia thành nhiều mức độ khác nhau bởi đôi khi tự vệ bằng vũ khí cũng được xem như là một hành vi bất bạo động. Như vậy, tùy vào tình huống và hoàn cảnh mà hành vi đó có được xem là bất bạo động hay không.

Bất bạo động không thể tồn tại nếu người đó không có sự tu nhân, đó là lời khẳng định mà Gandhi đã đưa ra khi nói về triết thuyết của mình. Vì dựa trên tình thương nên muốn thi hành bất bạo động thì người đó phải tích cực thay đổi bản thân để yêu thương mọi người, kể cả đối phương của mình. Tình yêu thương nhân loại, cộng đồng của những người hướng lòng mình theo bất bạo động là tình yêu thương bao la, không có sự ganh ghét, đố kỵ, không tồn tại tư duy vị kỷ. Nếu chưa loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực đó thì con người không thể nào đạt được Ahimsa. Mahatma Gandhi khuyên con người nên tìm cho mình một tình cảm tốt đẹp dựa trên lòng yêu thương con người, hành xử theo sức mạnh của Thượng đế chứ không phải dựa trên sức mạnh nội tại của cá nhân mình. Vì vậy, gốc rễ của việc thi hành bất bạo động là dựa trên sự cầu nguyện. Người thi hành bất bạo động phải cầu nguyện và để tâm của mình hướng về Thượng đế, nhằm cầu mong sự giúp đỡ để có thế chống lại cái xấu, cái ác của bạo lực đối lập và phải tin tưởng tuyệt đối với Thượng đế.

Một người suy nghĩ và hành động theo triết thuyết bất bạo động phải tuân thủ 15 điều:

1. Không bao giờ tức giận.

2. Chấp nhận và chịu đựng được nỗi đau khổ được gây ra từ sự tức giận của kẻ địch.

3. Chấp nhận hành vi bạo lực của đối phương mà không đáp trả, nhưng không được phép đầu hàng khi bị đối phương trừng phạt.

4. Chấp nhận bị bắt giữ và không chống đối khi tài sản bị chính quyền tước đoạt.

5. Khi phải giữ tài sản giúp người khác thì không được để bị cướp và phải tận tâm tận lực bảo vệ những tài sản đó cho đến chết, nhưng không bao giờ được đánh trả đối phương.

6. Chủ trương không đánh trả, không trả thù, kể cả thái độ bằng lời nói chửi bới, nguyền rủa.

7. Không nguyền rủa đối phương.

8. Không được chào cờ của Đế quốc Anh nhưng cũng không nguyền rủa các thành viên của chính quyền Thực dân, dù họ là người Ấn hay người Anh.

9. Sẵn sàng bảo vệ thành viên chính phủ khi họ bị xúc phạm hay đánh đập. 10. Khi ở tù thì phải tôn trọng quản tù và chấp nhận các luật lệ của nhà tù đúng với lương tâm, nhưng không được chấp nhận những việc trái với nhân phẩm đạo đức.

11. Nếu ở tù, phải hành xử như mọi tù nhân khác, không được xem mình quan trọng hơn mọi người. Có quyền yêu cầu quản tù cung cấp thêm các phương tiện để phục vụ cho đời sống sức khỏe cũng như tinh thần của cá nhân.

12. Không được tuyệt thực để yêu cầu thêm các phương tiện không cần thiết cho cá nhân khi ở tù.

14. Phải lập tức thi hành theo mệnh lệnh cho dù có không đồng tình đi nữa, sau đó mới được trình bày lên cấp trên. Có thể rút lui khi không đồng ý với những chính sách, đường lối của tổ chức; nhưng khi còn tại vị trong tổ chức đó thì tuyệt đối không được làm trái với điều lệ của tổ chức.

15. Không đưa ra đòi hỏi về sự chăm sóc cho gia đình mình mà phải tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thượng đế.

Ngoài ra, Mahatma Gandhi còn đưa ra 3 điều kiện cần thiết cho sự thành công của đường lối bất bạo động, đó là:

1. Người thi hành bất bạo động phải không có lòng căm thù đối với đối thủ của mình.

2. Vấn đề đưa ra giải quyết cần phải quan trọng và minh bạch.

3. Người thi hành bất bạo động phải sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho đến khi kế hoạch thành công.

Qua đó, người thi hành bất bạo động phải sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa. “Hy sinh mạng sống cho sự thật chính là chánh điểm của bất bạo động” [3, tr. 86].

Đối với Mahatma Gandhi, triết lý Ahimsa – bất bạo động của ông không chỉ dành cho các vĩ nhân thiểu số, mà dành cho tất cả mọi người. Với tinh thần bất bạo động, đại đa số nhân dân Ấn Độ sẽ có trong tay thứ vũ khí lợi hại có thể giúp trẻ con, phụ nữ, người già, người ốm đau bệnh tật cũng có thể chống lại chính quyền Thực dân Anh một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Tất nhiên ở đây, tinh thần chiến đấu của nhân dân phải hết sức mạnh mẽ và kiên định, khi tinh thần lên cao, mọi sự yếu đuối về thể lực sẽ không còn là một bất lợi đối với họ. Bất bạo động chính là loại vũ khí hữu hiệu nhất để những người dân thấp cổ bé họng đối phó lại được với một chính quyền Thực dân tàn bạo, bất nhân.

Bên cạnh đó, Mahatma Gandhi chủ trương, là một người sống trong một quốc gia thì phải tôn trọng pháp luật. Nhưng khi sống dưới một hệ thống luật pháp đầy rẫy những bất công, trái với lương tri đạo đức thì con người phải kiên định để không thi hành những luật lệ đó, và nếu quá trình không tuân thủ hệ thống luật pháp

nhiều sai phạm dẫn đến việc bị xử phạt thì con người phải chấp hành hình phạt một cách tự nguyện để chứng minh cho chính quyền quốc gia thấy sự phản kháng kịch liệt của mình đối với các điều luật đã đưa ra. Đối với Gandhi, nếu được sống trong một đất nước dân chủ thì con người phải nghĩ đến nghĩa vụ của mình đối với quốc gia trước khi nghĩ đến những quyền lợi mà mình có được tại quốc gia đó. Vì con người thường hay đòi hỏi quyền lợi có nhân trước khi nghĩ đến quyền lợi tập thể, nghĩ đến việc thi hành nhiệm vụ của một công dân tự do đối với dân tộc mình.

Tóm lại, khi đưa ra chủ thuyết của mình về Ahimsa, Mahatma Gandhi đã giải thích và hướng dẫn người dân Ấn Độ thực hành triết thuyết của mình theo 4 điểm chính, đó là:

1. Suy nghĩ và hành động theo chân lý và sự thật. 2. Hành động phải phi bạo lực.

3. Chấp nhận hy sinh vì chân lý. 4. Luôn hành xử tốt theo chân lý.

Có thể thấy, tư tưởng Ahimsa đưa ra luôn gắn liền với tình thương yêu và lòng can đảm để phụng sự cho chân lý mà mình muốn đạt được. Chân lý đó được Gandhi xây dựng và kế thừa từ các triết thuyết của các tôn giáo lớn ở Ấn Độ nhằm phát triển hơn nữa đường lối cách mạng của mình. Đồng thời, ông đã nêu ra và minh chứng được tầm quan trọng của việc duy trì thực hành chân lý đó với sự thành bại của công cuộc giải phóng Ấn Độ nói chung và tính hiệu quả của việc áp dụng tư tưởng Ahimsa nói riêng vào đường lối đấu tranh chính trị mà ông dùng để khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tinh thần ahimsa trong đời sống chính trị của mahatma gandhi (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)