Satyagraha (Chấp trì chân lý)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tinh thần ahimsa trong đời sống chính trị của mahatma gandhi (Trang 65 - 67)

CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.2. Đƣờng lối đấu tranh giành độc lập dân tộc của Mahatma Gandhi

2.2.3. Satyagraha (Chấp trì chân lý)

Từ “Satyagraha” trong ngôn ngữ Ấn Độ là hợp thành của “Satya – đạo/ chân lý hay tình yêu thương” và “Graha – kiên trì, sức mạnh hay cương quyết”. Chính vì thế mà từ này được dịch nghĩa là “bám vững vào chân lý” “sức mạnh chân lý” hay “kiên trì chân lý” mà thuật ngữ trong tư tưởng Gandhi gọi là “chấp trì chân lý”. Theo giáo lý đạo Jain, nếu con người kiên trì theo chân lý, kiên định tin tưởng vào sức mạnh chân lý thì kiếp sau sẽ đạt được niết bàn. Còn đối với Gandhi, thông điệp ông phát đi trong triết lý này là việc kiên định theo đường lối đấu tranh bằng phương pháp “bất bạo lực”, “bất hợp tác” nhất định sẽ mang lại nền độc lập tự chủ cho Ấn Độ.

Từ triết lý tôn giáo suy ra, có thể thấy, Mahatma Gandhi đã coi “Ahimsa” và “Satyagraha” là bày tỏ sự phản kháng quyết liệt, lòng kiên định trong việc mở ra một con đường hòa bình, độc lập cho Ấn Độ bằng phương pháp “bất bạo động”, “bất hợp tác”. Ông đã đứng lên kêu gọi toàn thể nhân dân Ấn Độ một lòng tuân theo nguyên tắc này và đoàn kết, ủng hộ Đảng Quốc Đại đưa cách mạng Ấn Độ đi đến

thắng lợi hoàn toàn. Khi áp dụng triết lý Ahimsa vào thực tiễn cách mạng Ấn Độ, Gandhi đã cho thấy rằng, sức mạnh nòng cốt của Ahimsa đó chính là Satyagraha.

Theo Gandhi, thực hành “bất hợp tác” sẽ gặp nhiều khó khăn hơn “bất bạo động”, từ đó ông đưa ra phương pháp “bất hợp tác trong bất bạo động”. Hình thức “bất hợp tác” trong tư tưởng “bất bạo động” của Mahatma Gandhi được xem là điểm mấu chốt cho việc đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Ấn Độ. Theo phương pháp này, muốn gây áp lực lên chính quyền Anh và đánh đổ Thực dân Anh, người Ấn Độ nhất quyết không làm việc cho người Anh, không mua vải vóc, hàng hóa của người Anh, không tuân theo pháp luật do chính quyền Anh đề ra, không nộp thuế cho người Anh, không để người Anh độc quyền về muối. Mahatma Gandhi cho rằng: "ngay cả đến những kẻ thống trị hùng mạnh nhất cũng không thể thống trị được nếu không có sự hợp tác của những người bị trị. Cho nên, nếu người Ấn Độ không chấp nhận mối quan hệ hợp tác thì cuối cùng thực dân Anh phải thua” [19,

tr.16]. Để đảm bảo cho công cuộc giải phóng dân tộc đi đúng theo con đường “bất hợp tác trong bất bạo động”, Mahatma Gandhi đã chủ trương vận động đoàn kết dân tộc, nhất là khi chế độ đẳng cấp đã ăn sâu trong đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh của người Ấn từ bao đời nay. Để vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương này, Gandhi đã chấp nhận cùng chung sống với tầng lớp được coi là dưới đáy của xã hội Ấn Độ - Dalit (Tiện dân) – tầng lớp nằm ngoài hệ thống đẳng cấp, thậm chí còn thấp hơn cả Sudra (cũng được coi là Tiện dân nhưng vẫn không được nằm trong hệ thống đẳng cấp) và nhận nuôi một đứa bé người Dalit. Tất cả những việc làm trên của Gandhi đều nhằm một mục đích: thuyết phục nhân dân về sự hòa hợp giữa các tầng lớp, các tôn giáo với nhau trong đời sống xã hội Ấn Độ.

Để tiến hành thành công “bất bạo lực”, “bất hợp tác”, nhất định phải “chấp trì chân lý. Mahatma Gandhi xem đây là các hình thức, phương pháp đấu tranh có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, không thể tách rời. Trong tư duy của Gandhi về sự kiên định theo đuổi con đường “bất bạo động”, “lòng nhân” được đưa lên là một trong những điều kiện cần phải có, chi phối rất nhiều trong hệ thống tư tưởng cách mạng của ông. “Nếu buộc phải dùng đến khí giới ví dụ chúng ta có thắng chăng nữa lòng tôi cũng không thỏa nguyện. Tôn giáo không dạy chúng ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để lòng nhân lên tấm lòng yêu nước của tôi" [6, tr. 117].

Bằng phương pháp “bất hợp tác”, “bất bạo động” và “chấp trì chân lý”, Mahatma Gandhi đã góp phần giúp đất nước Ấn Độ xóa bỏ rào cản phân biệt đẳng cấp và tôn giáo; quý tộc, thương nhân, nông dân hay tiện nhân; Ấn giáo, Phật giáo và Islam giáo đều hợp sức, đoàn kết đồng lòng đứng lên chống lại chính quyền Thực dân Anh. Điển hình là “Hành trình muối” của ông và hàng chục vạn người dân nước Ấn nhằm chống lại đạo luật độc quyền về muối của Thực dân Anh. "Theo gương Gandhi, hàng chục vạn dân chúng Ấn Độ đã ra bờ biển lấy muối, tự do mua bán muối một cách công khai ở khắp nơi, bất chấp luật độc quyền muối của nhà nước" [13, tr.123]. Điều này chứng tỏ, những tư tưởng của Gandhi về cuộc đấu tranh vĩ đại cho đất nước Ấn Độ độc lập rất hợp lòng dân, được dân chúng tin tưởng và hưởng ứng. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập - Jawaharlal Nehru đã từng phát biểu rằng: "Cách mạng hay ôn hoà, cái đó không bàn đến, ta chỉ nên nhớ rằng

Gandhi đã làm thay đổi bộ mặt Ấn Độ, đã đem lại lòng tự tôn cho một dân tộc yếu kém, khiếp đảm, đã đánh thức quần chúng" [12, tr.71] Ấn Độ và làm "thức tỉnh"

một dân tộc Ấn Độ thống nhất.

Có thể nói, chủ nghĩa Gandhi là "sản phẩm kết hợp giữa truyền thống văn hoá Ấn Độ và quyền lợi của giai cấp tư sản và dân tộc Ấn Độ. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn hài hoà" [2, tr.138].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tinh thần ahimsa trong đời sống chính trị của mahatma gandhi (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)