2.1. Những biện pháp triển khai nhằm chống lại nhóm Al-Qaeda
2.2.1. Biện pháp ngoại giao
Hoạt động ngoại giao đa phương
Hoạt động ngoại giao là xương sống trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ việc thực thi pháp luật, hoạt động tình báo, quân sự, kinh tế, tài chính, chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ và cộng đồng quốc tế có
hiệu quả trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. "Trong năm mới, chúng tôi sẽ khởi tố chiến tranh chống khủng bố với sự kiên nhẫn, tập trung và quyết tâm. Với sự giúp đỡ của một liên minh lớn, chúng tôi tin chắc rằng những kẻ khủng bố và những người ủng hộ khủng bố sẽ không được an toàn trong bất kỳ hang động hoặc góc của thế giới"27. Tổng thống Bush phát biểu vào cuối năm 2002.
Vụ tấn công 11/9 chứng minh rằng sức mạnh của Mỹ đã không che chắn nổi cho người Mỹ. Nền an ninh của cường quốc số một thế giới chưa bao giờ bị thách thức như bây giờ, vì chính lẽ đó mà chính quyền Mỹ gấp rút tìm mọi phương án đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý. Chính quyền Tổng thống Mỹ đã tăng cường hoạt động ngoại giao, cả song phương và đa phương để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến với AQ và CNKB.
Một trong những thành công nhất của Mỹ trong cuộc vận động cộng đồng quốc tế cùng chung tay chống lại chủ nghĩa khủng bố nói chung và Al- Qaeda nói riêng là sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc. Sau khi vụ tấn công 11/9 xảy ra LHQ "Khẳng định lại việc lên án kịch liệt các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và bày tỏ quyết tâm ngăn ngừa tất cả các hành động tương tự. Tiếp tục khẳng định rằng các hành động tương tự như vậy, cũng như bất kỳ hành động khủng bố quốc tế nào khác là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế". Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết 1267, yêu cầu các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt tài chính đối với những nhóm và cá nhân liên quan Osama bin Laden, Taliban, hay Al-Qaeda. Đặc biệt ngày 28/9/2001 HĐBA đã thông qua Nghị quyết 1373 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của LHQ có những hành động, biện pháp chống lại những tất cả hoạt động có liên quan đến khủng bố. Nghị quyết 1373 là nghị quyết quan trọng nhất thể hiện vai trò của LHQ trong cuộc chiến chống lại những phần tử khủng bố. Sự ủng hộ của LHQ là yếu tố quan trọng trong quá
trình vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Mỹ cuộc chiến chống AQ và CNKB. Kết quả có hơn 100 quốc gia đã đệ trình lên LHQ về hành động mà họ đã thực hiện để ngăn chặn khủng bố tài chính, theo yêu cầu Nghị quyết 1373 của HĐBA LHQ đã kêu gọi tất cả các quốc gia giữ cho hệ thống tài chính của họ không bị các phần tử khủng bố thâm nhập.
Bước đầu tiên để ngăn chặn truy cập của các phần tử khủng bố vào hệ thống tài chính quốc tế; đồng thời, Mỹ và cộng động quốc tế có những thay đổi để ngăn chặn sự lạm dụng của các hệ thống chuyển tiền chính thức và tổ chức từ thiện. Cả hai biện pháp tấn công đã tạo ra kết quả đáng kích lệ: Tổng thống Bush phát động cuộc tấn công đầu tiên trong cuộc chiến chống khủng bố vào ngày 23 tháng 9 năm 2001 ký Sắc Lệnh 13.224, đóng băng các tài sản của Mỹ dựa trên những cá nhân và tổ chức có liên quan với chủ nghĩa khủng bố. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cuộc chiến chống khủng bố tài chính, khoảng 15028
quốc gia và vùng lãnh thổ đã ra lệnh đóng băng tài sản liên quan đến khủng bố, và cộng đồng quốc tế đã giúp đỡ các quốc gia khác cải thiện hệ thống pháp luật và quy định để họ có thể thay đổi một cách hiệu quả nhằm ngăn chặn quỹ khủng bố.
Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia trên thế giới đã thành lập các tổ chức, diễn đàn hợp tác chống khủng bố tiêu biểu là: thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) và Diễn đàn chống khủng bố toàn cầu (GCTF). FATF là một cơ quan quốc tế cao nhất thực hiện việc thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý, các quy định và chính sách để chống lại hoạt động rửa tiền. Được thành lập bởi nhóm G7 năm 1989, FATF hiện nay đã có tới 31 nước thành viên ở cả năm lục địa. GCTF được thành lập bởi Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kì Ahmet Davutoglu, cùng với 30 quốc gia khác, ngày 22 tháng 9 năm 2011 tại New York. GCTF là một sáng kiến nhằm tăng
cường hệ thống quốc tế nhằm giải quyết khủng bố trong thế kỉ 21. GCTF tập trung vào việc xác định nhu cầu dân sự quan trọng, huy động chuyên môn và nguồn lực để giải quyết các nhu cầu cần thiết; tăng cường hợp tác toàn cầu. Tại buổi ra mắt tháng 9 năm 2011 GCTF thông qua tuyên bố Cairo về chống khủng bố, vai trò của những quy định và thông báo rằng các thành viên GCTF đã huy động được trên 9029
triệu USD hỗ trợ cho hoạt động chống khủng bố toàn cầu.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 AQ và CNKB sẽ là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và an ninh quốc gia với tất cả các quốc gia trên thế giới. Để có thể giảm thiểu hoặc đi tới xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa này đòi hỏi các quốc gia phải chung tay, hợp tác chặt chẽ với nhau để hướng tới mục đích chung. Hầu hết các quốc gia nhận thức được điều đó vì vậy, Hoa Kỳ đã không phải mất nhiều công sức trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế phối hợp với mình để cùng nhau chống lại CNKB và al-Qaeda.
Ngoại giao song phương
Cuộc chiến chống khủng bố và nhóm Al-Qaeda phải có sự chung tay và hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề của cả cộng đồng quốc tế chứ không phải riêng của bất cứ quốc gia nào, một quốc gia không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Mỹ là quốc gia trực tiếp hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, hơn 90 quốc gia khác cũng có người dân bị thiệt mạng hoặc gián tiếp chịu sự tổn thất của vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chính quyền Mỹ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng một liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu và tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Giai đoạn đầu của cuộc chiến chống khủng bố là tiêu diệt nhóm Al-Qaeda và các quốc gia ủng hộ, hỗ trợ cho chúng.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Al-Qaeda ở Afghanistan nói riêng hay tấn công toàn bộ mạng lưới AQ nói chung, Nhà Trắng đã mở chiến dịch vận động ngoại giao nhằm lập ra một Liên minh quốc tế chống khủng bố. Mục đích của liên minh nhằm cô lập những tên khủng bố đang ẩn náu, ngăn chặn các nguồn tài chính đến tay phần tử khủng bố, tạo môi trường quốc tế chống khủng bố tiến tới tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Những quốc gia đã từng bị nhóm AQ tấn công, ngay cả những quốc gia chưa từng bị tấn công đều tỏ ra hưởng ứng trước yêu cầu giúp đỡ của Hoa Kỳ như: Nga, Ấn Độ và Israel... Hoa Kỳ cần sự trợ giúp của những quốc gia mà các nhà lãnh đạo của họ tin rằng: (1) họ không phải là mục tiêu khủng bố; (2) họ có thể dễ dàng chuyển hướng khủng bố sang các nước khác; (3) các công dân của họ có thể có cảm tình với Al-Qaeda.
Ngày 15/09/2001, Tổng thống Bush đã hội đàm với một số nguyên thủ quốc gia (Tổng thống Mexico Vicente Fox, Tổng thống Tây Ban Nha Jose Maria Aznas và Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf) nhằm chuẩn bị cho việc thành lập liên minh. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định: “không nghi ngờ gì nữa, Bin Laden là đối tượng đáng nghi nhất”30, chính quyền Mỹ sẽ thực thi mọi biện pháp, kể cả chiến tranh để truy tìm và bắt giữ kẻ khủng bố. Tổng thống Nga Putin là người đầu tiên gọi điện chia sẻ với Tổng thống Bush và đề nghị được giúp đỡ ngay trong ngày 11/9, Tổng thống Pháp Jacques Chirac là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Mỹ, tiếp sau là Thủ tướng Anh Tony Blair. Là đại diện cho 2 nước đồng minh thân cận của Mỹ, Anh sẽ sát cánh bên Mỹ trong cuộc chiến bằng cách gửi lực lượng quân sự của mình tham gia vào các chiến dịch, người Pháp dù chưa có hành động gì cụ thể nhưng ông Chirac cũng đã hứa sẽ “đưa quân Pháp đến phối hợp khi cần”. Tiếp đó, vào ngày 26/09/2001 các Bộ trưởng
Quốc phòng NATO đã tập trung tại Brussel thảo luận về vai trò của đồng minh trong chiến dịch chống khủng bố do Mỹ đứng đầu. Như vậy trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố, nước Mỹ không chỉ nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các đồng minh thân cận, mà còn đến từ các quốc gia là đối thủ cạnh tranh với Mỹ, đặc biệt là sự ủng hộ từ Nga. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ, và Mỹ cần mở rộng Liên minh ra nhiều hơn thế.
Đối với Trung Quốc, sau khi lên nắm quyền Tổng thống, G.W.Bush đã tuyên bố xem Trung Quốc như “đối thủ cạnh tranh” và là nhân tố nguy hiểm tiềm tàng của Mỹ ở Châu Á thay cho chính sách coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” trước đó. Nhưng sau sự kiện 11/9, Trung Quốc đã bày tỏ tinh thần ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề này cần nhiều điều cần làm rõ bởi lẽ mỗi bên đều có những tính toán riêng của mình nhưng nhìn chung đây là bước chuyển biến mang tính “đột phá” trong quan hệ của hai nước. Những mối bất đồng cũng được hai bên bỏ qua để cùng bắt tay nhau trước kẻ thù chung mới: Chủ nghĩa khủng bố và nhóm Al-Qaeda. Các quốc gia Ấn Độ, Austraylia, New Zealand, Indonesia, Thailal, Hàn Quốc .… lên tiếng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống này.
Trong việc thành lập Liên minh chống khủng bố có lẽ người Mỹ gặp khó khăn nhiều hơn khi vận động các quốc gia Hồi giáo và các nước Ả Rập, không phải vì chính quyền các nước này kiên quyết từ chối hợp tác với Mỹ mà vì nhân dân các quốc gia này là những tín đồ Hồi giáo, họ lên án hành động trả đũa của Mỹ là đang nhằm vào thế giới Hồi giáo của họ. Vậy là các chính quyền của các nước này luôn bị phản ứng từ trong nước khi lên tiếng ủng hộ Mỹ. Pakistan là quốc gia Hồi giáo có quan hệ thân cận với Taliban và bị Mỹ cấm vận do đã thử vũ khí hạt nhân, nhưng là một nước có vị trí quan trọng để tấn công Afghanistan từ phía Bắc nên việc lôi kéo nước này vào
Liên minh của Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nhận được sự ủng hộ đó, Mỹ đã tuyên bố xoá lệnh trừng phạt Pakistan, ngày 16/09/2001 sau cuộc vận động ngoại giao của ngoại trưởng Colin Powel, Pakistan ra tối hậu thư buộc chính quyền Taliban phải giao nộp Bin Laden trong 3 ngày tới. Tổng thống Musarraf công khai khẳng định sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc tấn công quân sự vào Afghanistan. Chính quyền tổng thống Musarraf hợp tác quân sự với Mỹ không chỉ ngoài mục đích muốn xóa bỏ căn cứ của AQ tại Afghanistan, mà còn muốn lợi dụng điều này để tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc tranh chấp với Ấn Độ tại Kashmir, đây là một hành động phiêu lưu của Tổng thống Musarraf, bởi lẽ phong trào phản đối của nhân dân nhất là các nhóm Hồi giáo cực đoan thân Taliban rất có thể sẽ bùng phát.
Quan điểm trong thế giới Hồi giáo không rõ ràng , thậm chí có một số nơi người dân ủng hộ với hành động của Bin Laden, do đó mà chính phủ các nước này phải rất thận trọng khi tuyên bố ủng hộ Mỹ tấn cống Afghanistan, Saudi Arabia và Ai Cập là những ví dụ minh chứng. Cả hai nước này đều lên tiếng tán thành hành động trả đũa của Mỹ song lại rất lo ngại tình hình trong nước của mình. Chính phủ Saudi Arabia đã buộc phải bác bỏ yêu cầu của Mỹ được sử dụng trong căn cứ quân sự không quan trọng trong cuộc tấn công chống lại Osama Bin Laden. Tương tự như vậy, chính phủ Iran sau khi tuyến bố đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đến ngày 20/9/2001 đã quyết định không cho phép Mỹ sử dụng không phận để tấn công Afghanistan. Dù cho gặp phải một số khó khăn từ các nước Hồi giáo và Ả Rập, Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả trong cuộc vận động Liên minh chống khủng bố, trong cuộc chiến chống Al-Qaeda.
Sau khi vụ khủng bố xẩy ra chính quyền Tổng thống G.W.Bush đã có những hành động cụ thể, đặc biệt là về thúc hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với hai mục đích. Thứ nhất, Mỹ và
các quốc gia có người dân bị chết, bị thương trong vụ khủng bố cùng nhau khắc phục hậu quả do vụ khủng bố để lại. Thứ hai, Mỹ muốn tìm kiếm sự
ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống CNKB nói chung và nhóm khủng bố AQ nói riêng. Với hậu quả to lớn mà vụ khủng bố để lại, và các quốc gia trên thế giới cũng nhận thấy được mối nguy hiểm của CNKB đối với an ninh, ổn định của quốc gia mình, vì vậy họ đã ủng hộ Mỹ và tham gia vào linh minh chống khủng bố do Mỹ đứng. Đặc biệt là sự ủng hộ của LHQ khi HĐBA thông qua những nghị quyết chống khủng bố bất kể những nhận thức về chủ nghĩa khủng bố còn chưa có khái niệm chung. Với sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế Mỹ sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện những chính sách của mình để hướng tới tiêu diệt hoàn toàn nhóm Al-Qaeda.