CHƢƠNG 2 : HÌNH TƢỢNG CON NGƢỜI SỬ THI
2.2. Con ngƣời mang bản năng sống bất diệt
2.2.2. Khao khát sống bằng tình yêu cuộc sống
Con người trong tác phẩm của Jack London, “người anh hùng” của ông có một ý chí kiên cường, có bản năng sống bất diệt, cùng sức khoẻ dẻo dai để chống chọi lại những khó khăn, nguy hiểm. Không những thế, họ còn có những tình yêu cao đẹp, những sự hi sinh lớn lao, sẵn sàng chết để không bị ảnh hưởng đến bạn đồng hành, hay sẵn sàng hi sinh để người mình yêu được hạnh phúc. Họ có lòng dũng cảm, bởi lòng dũng cảm được coi là phẩm chất đạo đức có tính chất tuyệt đối của người anh hùng sử thi.
Người anh hùng sử thi làm nên kì tích nhờ những yếu tố phi thường. Người anh hùng trong truyện của Jack London làm nên kì tích bằng những yếu tố rất bình thường, nhưng với bản lĩnh phi thường, một tình yêu phi thường với cuộc sống mà không phải ai cũng có thể làm được. Có lẽ, truyện ngắn Tình yêu cuộc sống của ông đã trở thành một câu chuyện điển hình của mọi thời đại về đề tài này. Ngay ở cái tên tác phẩm, nhà văn đã cho người đọc biết nội dung chính của nó, và càng đọc, càng tìm hiểu, người ta càng cảm thấy khâm phục một con người nhỏ bé, nhờ tình yêu bất diệt và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mà anh ta đã tìm lại được cuộc sống của mình.
Không đành lòng bỏ lại mạng sống của mình ở những nơi hoang vu, người đàn ông mà trong tác phẩm chỉ được Jack London gọi là “gã” đã bền bỉ và kiên cường hơn lúc nào hết để được sống, để tồn tại, đã không ngừng hành động, để thấy được mình vẫn sống: gã trong một sự tuyệt vọng đến điên dại, quên sự đau đớn ở chân, gắng tìm đường về – vùng đất của những chiếc que nhỏ; gã đã phải nhai thứ cỏ mọc ở đầm lầy; chiến đấu với con gấu bằng tất cả sư hung dữ và bất cần; giành giật sự sống với con sói già và đói bằng sức sống dai dẳng của một kẻ sắp chết. Có lẽ, sau tất cả những sự cố gắng để giữ cho mình không bị chết vì đói, vì lạnh, vì những vết thương,
vì sự thất vọng,… thì đến khi chiến đấu với một con sói già, hình ảnh của người anh hùng của Jack London thực sự được hiện ra rõ nét nhất. Đến đây, cuộc chiến đấu dường như mới thực sự diễn ra. Giữa hai bên – hai kẻ đều tàn tạ như nhau, (có lẽ khó còn nhận ra cái thân hình tàn tạ của “gã” còn là hình người), đều đói, đều sắp chết – không bên nào mạnh hơn bên nào, bên nào cũng chỉ chờ nhau chết để ăn thịt, và bên nào cũng cố bảo toàn cái mạng tàn tạ của mình để bên kia chết trước, thì đến đây, chiến thắng không còn thuộc về kẻ mạnh nữa, mà thuộc về kẻ biết tin, kẻ khát khao được sống. Đương nhiên kẻ đó là là “gã”, nhưng điều đáng nói, điều vĩ đại nhất là “gã” làm được là không phải ai trong hoàn cảnh của “gã” cũng có thể giữ được niềm tin của mình, để không bị buông xuôi, không bị tất cả những yếu tố từ trước là cái đói, cái rét, sự đau đớn hạ gục, để rồi thua một con sói già. Duy nhất tin vào bản thân mình – có thể điều đó là ích kỷ và cực đoan, nhưng chắc chắn điều đó tạo cho ta thế mạnh đáng kể trong cuộc sống. Niềm tin của gã được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, niềm tin sống ấy luôn tồn tại và không hề giảm bớt trong con người gã, ngay từ việc Bill bỏ rơi hắn một mình, đến khi đói lử rồi thời tiết khắc nghiệt, những vết thương rỉ máu: “Gã đấu tranh với cái sợ, vượt lên được… và tiếp tục lảo đảo xuống dốc”. Gã luôn có niềm tin là mình không lạc và nhất định sẽ tìm ra được còn Bill đang đợi gã ở một nơi nào đó. Và việc lựa chọn con sói làm con đường tìm đến sự sống của gã cũng bắt nguồn từ những lý do rất con người: “Giá như nó là con sói khoẻ mạnh, thì hẳn con người cũng chả xem vấn đề hệ trọng đến thế đâu, nhưng nghĩ đến việc phải làm mồi cho dạ dày của cái vật ghê tởm và gần như chết rồi này gã chẳng ưng chút nào.” Rồi đến khi gã nhận ra gã đã lạc đường, gã đã lết đến sông Mỏ Đồng và biển Bắc Băng Dương đang lấp lánh ngoài xa, gã dường như quên đói, quên đau để tìm đến đường sống. Mỗi ngày gã bò được hai, ba dặm, và
đồng hành cùng với gã vẫn là con sói già tập tễnh – “hai sinh vật kéo lê thân xác hấp hối qua cảnh hoang sơ, và bên nọ rình cướp sự sống của bên kia” [42, tr.41]. Nhưng gã không ngừng hoạt động để biết mình còn sống, “Phần lớn những cố gắng của nó đều vô hiệu. Nhưng nó bền bỉ, và nó vặn mình, nó quằn quại và mỗi giờ có lẽ tiến lên được năm, sáu mét.” Quả nhiên sự cố gắng của gã đã được đền đáp, gã được những nhà thám hiểm khoa học trên chiếc tàu đánh cá voi cứu sống. Đó là thắng lợi của con người luôn biết tin và biết khao khát sống. Qua đó ta thấy được tư tưởng tác giả muốn đề cập đến chính là con đường mà mỗi chúng ta phải trải qua. Thử thách có làm chúng ta bớt đi hy vọng và tình yêu cuộc sống, thì chỉ có tin vào chính mình vươn lên, đấu tranh và giành lấy quyền sống.
Câu chuyện là một cuộc đấu tranh sinh tồn giản đơn mà lại vô cùng khốc liệt. Sự sống và cái chết dường như chưa bao giờ thật đến thế, gần nhau đến thế. Một con người sắp chết đói và một con sói cũng sắp chết đói, cả hai đều muốn sống… Một nỗi khát sống mãnh liệt và trần trụi đến ngỡ ngàng. Chẳng cần những bi kịch tinh thần sâu xa, chẳng cần những xung đột ngoại cảnh dữ dội, bản năng của con người dẫn dắt tất cả. Jack London thể hiện tài năng ở chỗ đã nắm bắt bản năng đó một cách thật sâu sắc và miêu tả nó một cách hết sức sống động với người đọc.