CHƢƠNG 2 : HÌNH TƢỢNG CON NGƢỜI SỬ THI
3.2. Không gian biển cả phƣơng Nam
3.2.2. Biển cả – chốn “hoang dã” đậm chất sử thi phương Nam
Nhưng thành công hơn khi miêu tả biển cả có lẽ phải nhắc đến những trận cuồng phong của nó. Đến đây, biển cả mới thực chất thể hiện bản tính của mình, dữ dội và hiểm ác, có thể đem đến cái chết cho con người bất kể lúc nào. Và cũng trong hoàn cảnh đó, tính cách con người anh hùng của nhân vật Jack London thực sự được bộc lộ.
Ở nơi sóng gió này, con người ngày ngày phải đối mặt với những trận cuồng phong của biển cả, những cơn bão thường xuyên hoành hành, cướp đi sinh mạng và của cải của những con người lao động. Cùng với đó là những hiểm họa đáng sợ như cá mập, những cơn đói và khát khi lạc vào đảo hoang. Trong hoàn cảnh đó, con người cũng đã bộc lộ hết những phẩm chất quý báu của họ. Những hòn đảo nhỏ, ít người sống, ít người qua lại như chiếc lá dập dềnh giữa biển, số phận những con người ở đây cũng mỏng manh như vậy, luôn bị đe dọa bởi những cơn bão biển dữ dội; nhưng khát vọng sống của họ vẫn luôn mãnh liệt. Cũng giống như người phương Bắc gan góc và không sợ hiểm nguy, hay những người da đỏ phương Bắc dũng mãnh như những con gấu, băng tuyết không làm nao núng tinh thần
họ, người phương Nam với những thổ dân da đen, sức khỏe phi thường, được ví như những con cá của đại dương cũng rất dũng cảm, không sợ sóng gió, sẵn sàng lao vào nguy hiểm để cứu đồng loại; hay những tay thuyền trưởng vạm vỡ, dũng mãnh đối đầu với sóng dữ; những thủy thủ người Kanaka vui vẻ, hòa đồng, cùng xông pha vào chốn nguy hiểm… Tất cả tạo nên một thế giới nhân vật mới, anh hùng, mạnh mẽ, tạo nên bản anh hùng ca hùng tráng về biển cả, mà nơi đó, trước thiên nhiên hung dữ, con người trở nên vĩ đại, đáng ngưỡng mộ hơn bao giờ hết.
Ở phương Bắc, con người lao vào những chốn nguy hiểm với mục đích tìm kiếm vàng, thỏa mãn ước mơ làm giàu nhanh chóng, thì ở phương Nam, con người lại lao vào những cuộc tìm kiếm ngọc trai. Ước mơ làm giàu trong xã hội tư bản khiến con người không từ bất cứ khó khăn nào để đạt được mục đích. Và những viên ngọc như trở thành mục tiêu lớn nhất trong những chuyến ra khơi của họ. Nhưng thiên nhiên khốc liệt không để cho ước mơ của họ được thực hiện một cách dễ dàng. Sóng gió luôn là kẻ tử thù với con người. Trong những truyện ngắn viết về phương Nam, dường như không bao giờ thiếu vắng sự xuất hiện của bão. Bão cũng giống như tuyết ở phương Bắc được hóa thân thành nhân vật tử thần, bằng sự nguy hiểm của mình đẩy con người vào tình trạng cận kề với cái chết; thử thách lòng dũng cảm của con người, đồng thời cũng đem lại vô vàn bất hạnh cho họ.
Truyện ngắn Ngôi nhà của Mapuhi là câu chuyện tiêu biểu nhất cho hình ảnh phương Nam và tiêu biểu cho tính kiên cường của người phương Nam. Hòn đảo Hikukeru xinh tươi và bình yên bất ngờ bị một cơn bão lao đến và cuốn phăng tất cả:
“Tiếng sóng ầm ỳ rung chuyển ngôi nhà. Họ chạy ra ngoài. Chiếc Aorai đang nằm tê liệt cách bờ khoảng chừng một dặm, bị đầy đọa bởi thứ mặt biển độc ác, điên cuồng. Gió thổi theo hướng đông bắc,
như giận dữ chỉ muốn bứt nó khỏi các dây neo, ném nó tan tành vào các bờ đá san hô. Một trong các thủy thủ trên xuồng giơ tay ra hiệu cho Raoul và chỉ vào miệng chiếc kênh hẹp, lối ra vô của các xuồng. Họ nhắm mắt, lắc đầu cho thấy sự thất vọng. Chàng nhìn thấy những lớp bọt trắng xóa, cuồn cuộn, hỗn loạn đổ từ ngoài vào” [42, tr.150]. Jack London có biệt tài miêu tả sóng dữ với những trận cuồng phong khủng khiếp. Nếu miêu tả tuyết trắng, ông chủ yếu tập trung vào sử dụng màu sắc để nói nên sự chết chóc: màu trắng, màu xám, sự im lặng tuyệt đối để làm nổi bật không gian hoang sơ, tĩnh lặng và ẩn chứa những nguy hiểm bất ngờ… thì miêu tả bão và sóng, Jack London lại sử dụng những hình ảnh gợi hình và gợi âm thanh cao, nhằm khắc họa sự dữ dội, ồn ào và nhấn mạnh tính chất tàn khốc.
Cơn bão bất ngờ đổ bộ vào hòn đảo san hô nhỏ bé trở thành nỗi hãi hùng đáng sợ của con người. Hòn đảo dường như bị trận cuồng phong san phẳng, cây cối đổ nát, nhà của bị cuốn phăng, người chết không kể xiết, người mất tích hoặc bị cuốn trôi ra biển, trong số đó có bà Nauri.
“Chàng nhìn về phía ngôi nhà của vị thuyền trưởng. Nó cũng đã biến mất. Chàng bất ngờ nhìn sang chỗ thuyền trưởng Lynch đúng lúc sự việc xảy ra. Thân cây gãy đôi, tan vụn ở chỗ bị bẻ không có tiếng động.” “Mười dặm ngang qua mặt hồ là vòng cát san hô. Ở đấy nhấp nhô các thân cây, xác xuồng, xác nhà; mười người sống sót trên mặt hồ thì đến chín người bị đập vào những thứ hỗn tạp đó mà chết. Nhưng Mapuhi gặp may. Sự may mắn của hắn thuộc một trong mười phần, chỉ con bé N’gakura bị thương, gãy cánh tay trái, các ngón tay mặt bị nghiền, mặt và trán toác tới tận xương. Hắn bám được một cây cụt hãy còn đứng và trèo lên, mang theo đứa con gái, cột mình vào đó trong khi nước hồ tràn tới đầu gối, lúc cao thì tới ngang bụng.”
Những hình ảnh dữ dội và âm thanh hỗn tạp những tiếng sóng, tiếng la hét trở nên vô cùng quen thuộc trong những câu chuyện về đại dương của Jack London. Nó đối lập với không gian phương Bắc những không kém về tính chất nguy hiểm. Trong Kho tàng ngọc trai, hình ảnh những cơn sóng dữ tợn được tác giả khắc họa rõ nét, sống động, làm nổi bật tính chất hung bạo của tự nhiên:
“Trên mặt hồ mặn hình như hiện ra một lớp màn mỏng bị thủng lỗ chỗ trông thật quái đản, di động như bay. Đi trước nó, dọc theo đảo san hô, và di động với cùng một vận tốc là một cơn gió mạnh khiến rặng dừa phải rạp ngọn xuống và các tàu dừa lờ mờ tung bay phấp phới. Đường ranh trước của cơn gió trên mặt biển là một giải nước sẫm màu, gợn sóng, hợp thành một khối có giới hạn rõ rệt. Từng đợt gió mạnh mở đường cho giải nước ấy giật từng cơn khác nào từng loạt súng bắn lẻ tẻ. Phía sau giải nước là một vùng biển trông phẳng lặng như tấm kính rộng chừng một phần tư dặm, rồi đến một giải nước sẫm nữa lộng gió và sau đó đầm nước mặn nhấp nhô sóng nhồi, tung bọt trắng phau réo sôi sùng sục.”
Khác với thiên nhiên mang tính chất hùng vĩ, đẹp mê hồn và đóng vai trò vô cùng quan trọng góp nên thành công trong khúc tráng ca của người anh hùng, cùng với người anh hùng tạo nên chiến công kỳ vĩ, thì thiên nhiên trong truyện ngắn Jack London vô cùng nghiệt ngã. Trong sự hung dữ của biển cả, bão tố, có sự hùng vĩ, rộng lớn, mạnh mẽ như sử thi, nhưng thêm vào đó còn là sự chết chóc, là màn đêm u tối trong Ngôi nhà
của Mapuhi hay của bầu trời xám xịt ẩn dấu đầy những gió xoáy, mưa
giông trong Kho tàng ngọc trai. Trong truyện ngắn Jack London, con người rợn ngợp trước thiên nhiên, bị bao trùm hoàn toàn, và bị động một cách đáng sợ. “Mặt biển trắng ngầu những bọt nước réo lên sùng sục, cuộn mình
thành những đợt sóng nhỏ tung toé. Bỗng tàu Malahini rung động dưới chân họ”. Thiên nhiên như sẵn sàng bủa vây lấy con người, quăng quật cho đến khi không còn sự sống.
“Tất nhiên sóng biển dâng lên dữ dội theo trận cuồng phong, và tôi không tài nào quên được ba đợt sóng đầu tiên mà chiếc Petite Jeanne phải chịu đựng. Nó ngừng hẳn lại như các tàu bè khác khi phải đi ngược chiều gió, và đợt sóng đầu tiên dâng tràn hẳn lên thuyền. Những dây cấp cứu chỉ có ích cho người khỏe mạnh, nhưng lần này chúng cũng chẳng hiệu nghiệm mấy khi đàn bà, con nít, chuối dừa, heo và các hành lý cùng những người ốm, người đang hấp hối đã bị sóng đánh dạt đi, xô cả vào nhau thành một khối vừa rên la, vừa kêu khóc.”… tôi không thể tưởng tượng được gió lại có thể thổi mạnh đến thế. Không có bút nào tả xiết được. Bạn có thể nào tả được một cơn ác mộng không? Tả trận gió này cũng thế. Gió xé nát, và tước hết quần áo trên người chúng tôi”. (Kẻ bỏ đạo, Jack London)
Tuy nhiên, những mối đe dọa từ biển cả không chỉ là những con sóng dữ. Nếu ở vùng phương Bắc giá lạnh xa xôi, đồng hành cùng người đi đường và luôn rình rập để cướp đi mạng sống của người đi đường là những con chó sói đói gớm giếc, thì ở đại dương đầy sóng gió này, người đi biển phải đối mặt với cá mập. Cá mập trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất của con người khi không may bị trôi ra biển. Trong ngôi nhà của Mapuhi, bà Nauri, một bà già đã gần đất xa trời, dũng cảm vượt biển bằng một chiếc bè tự chế, bơi vào bờ và luôn luôn bị cá mập đe dọa. Nhưng bằng sự thông minh và kinh nghiệm của một người dân biển, bà đã thắng được chúng, một cách vô cùng liều lĩnh là đánh đuổi chúng trước khi chúng kịp ăn thịt mình.
“Nhưng bỗng mụ sợ hãi tột độ: ngay trước mặt mụ, cách khoảng năm sáu thước, vây một con cá mập lù lù xuất hiện, nhô trên mặt
nước. Mụ lại đang bơi về phía nó mới chết. Nó cắt ngang qua trước mặt mụ một cách chậm chạp, đánh một vòng rộng và từ từ lượn chung quanh mụ. Lúc cái vây hình tam giác trầm xuống, mụ úp mặt dưới nước mở mắt ngó trộm nhưng chẳng trông thấy gì hết. Lúc nó nổi lên ở phía sau, mụ ra sức bơi nhanh hơn. Con quái vật này lười – mụ thấy rõ điều đó. Chắc nó đã no nê xác chết trên biển do trận cuồng phong gây ra. Nếu đói, nó đã không lưỡng lự gì mà không nhào vào mụ. Nó dài ít nhất năm thước, mụ hiểu chỉ một cái tợp của nó, thân thể mụ sẽ đứt đôi ngay lập tức. Nhưng mụ không có cách nào chọn lựa. Nếu không cố gắng bơi tiếp, nước sẽ kéo mụ lại – cũng thế cả thôi.”
“…Nếu cứ để như vậy đằng nào cũng chết, nó sẽ “đớp chơi” mụ dù bụng đã no. Mụ phải ra tay trước. Đó là một hành động liều lĩnh mà mụ đã suy nghĩ rất kỹ. Mụ đã già, một mình ở trên mặt biển, kiệt sức vì đói khát và quá cực khổ; giờ đây, trong cơn nguy hiểm, đối diện với con quái vật, mắt nó đang tho lỏ nhìn mụ, lưỡng lự, thay vì nó xông vào mụ thì mụ sẽ xông vào nó trước” [42, tr.162].
Trong truyện ngắn Kẻ vô tín ngưỡng (The Heathen), Otoo đã bỏ mạng vì cá mập để cứu Charley và trở thành một trong những hình tượng vô cùng đẹp đẽ trong truyện ngắn Jack London: một người da đen, không theo bất cứ thứ đạo nào, trong con người anh chỉ có sự dũng cảm, nghĩa hiệp: “Tất cả dân Borabora đều theo đạo Thiên Chúa, nhưng hắn lại là kẻ tà giáo, kẻ vô tín ngưỡng độc nhất trên đảo, một người hết sức duy vật, cho rằng chết là hết. Hắn chỉ tin ở sự đối đãi, ăn ở ngay thẳng với mọi người. Theo hắn những việc tầm thường ở đời cũng quan hệ như một hành động sát nhân, và tôi tin rằng hắn sẽ kính nể một kẻ sát nhân hơn một kẻ có những cử chỉ ti tiện bẩn thỉu.” [35]
Otoo với sự kính trọng vô cùng với người hắn gọi là “thầy” đã không sợ hi sinh, cố gắng ngăn chặn con cá mập, đánh lạc hướng nó để Charley bơi được đến bờ. Có thể nói, đó là sự hi sinh anh dũng nhất, đẹp đẽ nhất, thể hiện một tinh thần vì bạn bè vô cùng đáng kính trọng của Otoo.
“Tôi đổi chiều bơi và tung tay ra nắm đại. Lúc đó tôi chỉ còn hơi tỉnh. Khi tay tôi nắm được sợi dây, tôi nghe thấy trên thuyền kêu lớn. Tôi quay lại nhìn thì không thấy bóng Otoo đâu cả. Một lát sau, hắn mới ngoi lên, hai bàn tay hắn đã bị cụt lủn, máu me ở cổ tay phun ra” [35]. Từ những câu chuyện thiên nhiên hung dữ, nhà văn đã khắc họa hình ảnh con người nổi bật lên giữa thiên nhiên, đó là những con người với ý chí và nghị lực phi thường, cùng lòng ham sống bất diệt đã vượt qua thử thách, thậm chí là chiến thắng cái chết để trở về. Bà Nauri trong Ngôi nhà của
Mapuhi là một người phụ nữ đáng kính như thế.
Xây dựng nhân vật anh hùng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, Jack London muốn thể hiện những khát vọng được chiến thắng thiên nhiên, được giải thoát khỏi cuộc sống lam lũ cơ cực, nơi mà sự bất công, đối lập ngày một hiển hiện và rõ ràng. Nhưng trên hết, thiên nhiên và con người trong truyện ngắn Jack London mang một phẩm chất anh hùng quen thuộc và đáng ngưỡng mộ: đó là một khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, ghê rợn nhưng hùng vĩ, rộng lớn, và phần nào đó tạo ra tính cách người anh hùng; tuy không hỗ trợ cho người anh hùng, nhưng trở thành nhân tố tạo ra người hùng; và con người đặt trong thiên nhiên khắc nghiệt đầy hiểm nguy đó buộc mình phải trở thành những người anh hùng. Đó là những người hùng đáng trân trọng nhất: trong khó khăn, đối mặt với cái chết cận kề, họ hiên ngang, anh dũng, thông minh, nhạy bén để chiến thắng tất cả. Hơn thế nữa, đó còn là sự hi sinh vì đồng loại, xả thân cứu bạn bè mặc dù biết mình có thể chết. Những tính cách đẹp đẽ đó là sáng tạo vô cùng độc đáo của Jack
London, đồng thời cũng là mong muốn, kỳ vọng của ông vào con người, những con người đau khổ mà ông thông cảm, thấu hiểu hơn ai hết.
Thiên nhiên dữ dội luôn trở thành cảm hứng cho con người. Vậy nên, hành trình của các nhân vật trong truyện ngắn của ông là hành trình
của những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Đó có thể là những cuộc phiêu lưu chủ ý
của nhân vật, nhưng cũng là những cuộc phiêu lưu của số phận, là những con người bị đặt trong hoàn cảnh buộc phải phiêu lưu, bởi họ chỉ có hai con đường, hoặc sống, hoặc chết.
Đó là cuộc phiêu lưu trên những con sóng ông bạc đầu Kanaka đầy thú vị, nguy hiểm nhưng càng nguy hiểm thì càng gây thích thú: “Điều thích thú nhất của họ là đùa rỡn trên ngọn sóng rồi đột nhiên rướn cả người lên khỏi mặt nước, bay cùng với đợt sóng vào bờ như một mũi tên.” (Sóng
lớn Kanaka (The Kanaka Surf)); hay những cuộc phiêu lưu đến những
vùng đất cách xa nền văn minh, vùng đất khiến con người có thể liên tưởng đến địa ngục, và muốn tồn tại phải luôn cần sự thận trọng, may mắn, gan góc và liều lĩnh, luôn muốn tìm hiểu “Cuộc sống bão táp và đầy nguy hiểm trên quần đảo Solomon”, với những căn bệnh quái ác, những tên ăn thịt người chính cống, những cuộc phục kích, tấn công của những kẻ nguyên thủy trong rừng và những thủy thủ các con tàu đi qua đây,... (Solomon,
quần đảo khủng khiếp (The Terrible Solomons)). Tất cả tạo nên sức lôi
cuốn tuyệt vời trong các sáng tác của nhà văn, thể hiện không những sự hiểu biết tường tận thiên nhiên và con người nơi phía Nam, mà hơn cả đó là tình yêu, là sự khát cuộc sống tự do, phóng khoáng của ông.