CHƢƠNG 2 : HÌNH TƢỢNG CON NGƢỜI SỬ THI
3.3. Không gian xã hội đối chọi khốc liệt
3.3.1. Không gian tranh đấu của những con người khát khao tự do
Trước hết là lòng khát khao tự do, trở về với thế giới đẹp đẽ của sự
hoang dã, nguyên thủy của con người. Đó có thể là sự trốn chạy khỏi thế
giới văn minh, nơi mà con người đang cố giằng giật nhau từng miếng cơm manh áo, đang phải sống chui lủi trong những nơi tối tăm, tồi tàn, phải lao động vất vả để chạy về với thiên nhiên rộng lớn, mênh mông, thỏa sức chạy tự do trên những cánh đồng cỏ bát ngát. Đây chính là nỗi lòng của Lucy trong truyện Người đàn bà sinh đêm (The Night Born). Lucy có lẽ là người phụ nữ đặc biệt nhất trong truyện ngắn của Jack London. Đó là một người phụ nữ da trắng, sinh ra trong một gia đình người da trắng di cư đến miền biên giới, cuộc sống của họ chỉ có làm việc và làm việc. Sau đó ít lâu, họ bị khánh kiệt, cả nhà bị đói và phải di cư về Seattle. Ở đó, Lucy làm việc cho một công xưởng, công việc quá nặng nhọc và ngày làm việc thì quá dài, sau đó, nàng xin vào quán rượu tồi tàn làm hầu bàn. Nhưng cuộc sống đó hoàn toàn không phù hợp với một người phụ nữ thích tự do và lãng mạn như nàng. Từ khi còn sống cùng gia đình ở miền biên giới, nàng đã cảm thấy vô cùng bức bối với cuộc sống hiện tại, và hướng đến cuộc sống tươi đẹp mà nàng biết nó ở ngay bên cạnh nàng. Những ám ảnh về cuộc sống tự do với tiếng chim hót líu lo vào mùa xuân, được chạy nhảy trên cánh đồng cỏ cao ngút cho đến khi chân ướt đẫm sương mai, bỏ trốn vào tít trong rừng, leo lên tận đỉnh đèo và ngắm nhìn tất cả... và tự ví mình như một con thú hoang muốn dạo chơi dưới bầu trời đầy sao trong đêm, nàng luôn khao khát được tự do, được chạy một mạch và không bao giờ ngoái đầu lại cái thế giới tù túng nàng đang sống. Cuộc sống hôn nhân cũng không giữ chân được nàng
khi nàng bị biến thành đầy tớ không công cho quán rượu của gã chồng. Một sinh vật vốn quen với chốn sơn lâm hoang dã, với bản năng nguyên thủy, với khát vọng tự do đến điên cuồng đã không thể chấp nhận nổi cuộc sống bẩn thỉu trong quán rượu, và cuối cùng nàng đã bừng tỉnh: “Đúng tôi là người sinh vào ban đêm”. Nàng đã chống cự lại người chồng như chống lại chính thứ gông cùm mà xã hội đã tạo ra cho nàng, và nàng đi theo những người da đỏ về nơi mà nàng nói nó thuộc về nàng. Cuộc chống cự đó như ngọn lửa le lói, đã được ủ bấy lâu nay và nay đã được thổi bùng lên; bản lĩnh của người con gái nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ đã khiến nàng chiến thắng tất cả, chiến thắng sự tù túng, sự giam hãm của xã hội, chiến thắng chính bản thân mình để được sống cuộc sống đúng nghĩa của con người, là cuộc sống tự do. Có thể nói Lucy dũng cảm hơn bất cứ người đàn ông nào trong xã hội đó, cuộc sống của những con người lao động dưới đáy xa hội, bởi có lẽ không ai dám từ bỏ cuộc sống hiện tại của mình – dù biết cuộc sống đó đầy những đau khổ. Câu chuyện của Jack London mang chút lãng mạn, nhưng là sự lãng mạn xuất phát từ chính thực tế cuộc sống, sự lãng mạn đó luôn có thể thành hiện thực với những người mang cá tính mạnh mẽ và khao khát sống tự do như Lucy.
Người đọc có thể thấy bóng dáng tác giả trong con người Lucy khi chính nhà văn cũng là một người sống phóng khoáng và thích phiêu lưu. Bằng chứng là những chuyến lên phương Bắc đầy thử thách, những chuyến vượt biển với bao gian nan, nguy hiểm, và bây giờ là cuộc trốn chạy đầy ngoạn mục của Lucy. Trở về với chốn hoang dã, với con người nguyên thủy, Lucy trở thành thủ lĩnh của bộ lạc da đỏ man rợ và cai quản cả một vùng rộng hàng mấy trăm ngàn dặm vuông. Ước mơ của nàng đã trở thành hiện thực. Jack London đã để cho nhân vật của mình thực hiện thành công ước nguyện dường như vô lý của mình, như để khẳng định một lần nữa
triết lý nhân sinh cao cả là tôn trọng quyền tự do của con người; và cũng một lần nữa lên tiếng bảo vệ con người, lên tiếng ca ngợi những con người luôn đấu tranh để giành lại tự do con người.
Truyện Koolau hủi là câu chuyện về một người thủ lĩnh – thủ lĩnh của những người bị hủi, bị nguyền rủa, xa lánh và chịu nhiều bất công, đã đấu tranh cả đời cho tự do, cho những người cùng số phận như mình. Người thủ lĩnh da đỏ đã nhận ra “họ” – bọn tư bản đã khiến cho ông và những người cùng số phận với ông phải gánh chịu căn bệnh quái ác, ngày ngày cướp đi những bộ phận trên cơ thể họ, khiến họ tàn tạ, như những thây ma giữa rừng. Trong hoàn cảnh đó, Koolau đã thực sự thể hiện được bản lĩnh của mình trong vai trò là người cầm đầu và trách nhiệm của ông đối với những con người đau khổ cùng số phận. Tình yêu của ông dành cho mảnh đất ông sinh ra đã thôi thúc con người bệnh tật về cơ thể nhưng hoàn toàn khỏe mạnh về tâm hồn này có đầy nhiệt huyết và dũng khí để đứng lên chồng lại kẻ thù. Koolau đã di chuyển những con người bệnh tật đó vào nơi an toàn và luôn lo cho an nguy của họ, như một vị vua cho thần dân của mình. Vương quốc đó nằm ở khe núi vô cùng hiểm trở, những người gan dạ và thực sự hiểu biết về con đường đó mới có thể di chuyển được đến nơi. Nhưng khi những thần dân trong vương quốc của ông đã không thể chịu được những cuộc vây bắt và sự thiếu thốn, họ đầu hàng thì ông vẫn nhất quyết không từ bỏ cuộc sống của mình, không bao giờ chịu đầu hàng:
“Ta là người tự do. – Ông nói. – Ta chưa hề làm điều gì ác cho ai. Ta chỉ muốn một điều: Hãy để cho ta yên. Ta đã sống tự do và chết cũng là người tự do. Ta không bao giờ đầu hàng cả”. [42, tr.360]
Và Koolau tiếp tục những cuộc trốn chạy dường như không bao giờ ngừng lại của mình. Những cuộc vây bắt chỉ đem lại tổn thất cho người da trắng, họ không thể bắt được ông, hay đúng hơn, họ không bao giờ có được
tâm hồn và cả tấm thân dường như đã bị bệnh tật hủy hoại gần hết của ông. Khát vọng tự do của Koolau luôn rực cháy, bất chấp bệnh tật và những cuộc nổ súng. Khát vọng cùng sức sống mãnh liệt đó khiến con người Koolau trở nên cứng cỏi hơn, mạnh mẽ hơn cho dù đầy rẫy những khó khăn. Câu nói của Koolau “Ta không bao giờ đầu hàng cả. Đó là lời cuối cùng của ta” nhấn mạnh một cách đanh thép ý chí sắt đá và quyết tâm vững vàng của một con người không sợ bệnh tật và cái chết. Tất cả chỉ để thỏa ước nguyện cao cả rằng, như Lucy, ông muốn sống tự do, và muốn chết cũng là người tự do.
Con người kiên cường, oai hùng đó thách thức bọn lính, như người hùng thách thức kẻ thù, sẵn sàng chống trả sự săn lùng để bảo vệ sự tự do của mình đến cùng. Và cuối cùng bọn lính cũng phải bỏ đi, để lại Kalapau cho ông toàn quyền sử dụng. Và Koolau chết là một người tự do trên mảnh đất của mình, ôm chặt khẩu súng trường bằng bàn tay không ngón. Cái chết nhẹ nhàng nhưng thể hiện ý chí của con người vô cùng lớn. Đến khi chết, Koolau vẫn cương quyết bảo vệ vùng đất của mình, bằng chính chút sức tàn của mình. Hình ảnh cái chết của Koolau mãi mãi để lại ấn tượng sâu đậm với độc giả, bởi đó là cái chết oanh liệt nhất, đáng tự hào nhất của người anh hùng, sống đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do. Tư thế chết của Koolau là hình tượng hết sức đẹp đẽ, ông chết nhưng đó chính là lúc ông được tự do nhất.
Trong những cuộc “chạy trốn” đó, có cuộc chạy trốn của John, cậu bé thiếu niên bảy tuổi, nuôi các em và gánh vác công việc gia đình như một thanh niên trưởng thành. Công việc quá nhiều và vất vả, cùng gánh nặng gia đình khiến cậu quá mệt mỏi, không còn tiếp tục làm việc được nữa, và đã tìm cho mình một lối thoát là ra đi, tìm một sự nghỉ ngơi, sự thanh thản mà thủa thơ ấu cậu không hề biết đến nó. John đã lên một chuyến tàu để ra
đi khi đã thực sự thức tỉnh. Kết thúc mở của câu chuyện khiến người đọc hi vọng vào một cuộc sống mới tốt đẹp cho cậu bé:
“Khi bóng hoàng hôn đổ xuống trong đêm đầu tiên một con tàu hàng xình xịch vào ga. Khi đầu máy chuyển các toa vào con đường nhánh, John bò dọc theo con tàu. Cậu đẩy được chiếc cửa của toa chở súc vật bỏ không, lúng túng và vất vả mới leo được lên. Cậu đóng cửa lại. Còi tàu huýt vang. John đang nằm, nhoẻn miệng cười trong bóng tối” (Kẻ bỏ đạo {The Apostate}) [36].
Cái cười có thể là hạnh phúc này đã mang lại một hi vọng mới, rằng với những con người mạnh mẽ, tỉnh táo và đầy nhận thức về ý nghĩa cuộc sống, họ sẽ sớm tìm được cho mình cuộc sống mới, tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Đó còn là sự “trốn chạy” của nàng El–Soo trong truyện ngắn Sự ranh
ma của lão Porpotuk (The Wit of Porpotuk). Một cô gái “khác thường” mà
các bà xơ ở Hội truyền giáo cây thánh giá gọi cô là “khúc củi bứt ra khỏi đống lửa”, nay đã trở về với “đống lửa” của mình. El–Soo đã trở về “ngôi nhà lớn”, nơi có “khúc sông Yukon hùng vĩ uốn quanh Trạm Tanana, có nhà chung thánh George ở một bên, về phía bên kia là một thương xá, và nó ở giữa khoảng đường từ làng dân Da Đỏ và một căn nhà gỗ lớn rộng, nơi có một ông già đang sống nhờ sự săn sóc của nhóm nô lệ”; và trở thành người cai quản ngôi nhà chung từ cha cô. Nhưng vì trả nợ, một khoản nợ với lão Porpotuk mà El–Soo đã tự bán mình trong một cuộc bán đấu giá. Không ai khác mua được cô chính lại là lão Porpotuk. Tuy nhiên, với bản tính ranh mãnh của mình, El–Soo không chịu theo lão về, cô bỏ chạy, mặc cho lão tức giận đuổi theo kèm theo tiếng cười khanh khách của cô. Cô trốn đi với sự hồn nhiên và tinh quái, cùng với người đàn ông của mình, và ôm một mơ ước sẽ có ngày quay trở về Alaska. Tuy không thực hiện được ước mơ đó, cô bị lão Porpotuk bắt lại, nhưng tình yêu với chàng Akoon khát
khao tự do dường như không bao giờ bị dập tắt trong ánh mặt rực lửa của cô. Ngọn lửa của con người cô, là tâm hồn cô, nay đang cháy ngùn ngụt trong đôi mắt ngấn lệ, đôi mắt run run khi nghe Akoon nói: “đôi chân của anh còn vững mạnh, nhưng không bao giờ nó sẽ đưa anh đi xa em” [42, tr.340].
Những nhân vật trên của Jack London là biểu tượng cho những linh hồn luôn đấu tranh hết mình cho sự tự do, cho cuộc sống của chính mình. Họ là những con người cao cả, là đại diện đẹp đẽ nhất, văn minh nhất của con người trong thời điểm họ đang sống trong một xã hội đầy đau khổ. Những hành động đó chứng minh một cách rõ nét rằng, hạnh phúc và sự trói buộc không bao giờ đi kèm nhau, con người chỉ hạnh phúc khi được sống đúng nghĩa, khi được tự quyết định số phận của mình. Đó cũng là tiếng nói nhân đạo cao cả trong các tác phẩm của Jack London.