Nỗi ám ảnh của sự im lặng chết chóc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chất sử thi trong truyện ngắn của Jack London (Trang 75 - 79)

CHƢƠNG 2 : HÌNH TƢỢNG CON NGƢỜI SỬ THI

3.1. Không gian lạnh lẽo, hoang sơ phƣơng Bắc

3.1.3. Nỗi ám ảnh của sự im lặng chết chóc

Ngoài sự ám ảnh về màu trắng đáng sợ, sự im lặng rùng rợn trong các câu chuyện cũng đã tàn nhẫn cướp đi của con người cả sự nói, dường như nói chuyện chỉ là một sự lãng phí sức lực trong những chuyến đi vất vả giữa tuyết trắng đến rợn người. Sự im lặng tĩnh mịch đó tràn khắp mọi nơi, khiến giác quan của con người như tê liệt, không còn cảm thấy gì ngoài sự sự hoang mang và sợ hãi.

“Ngày đã ngả sang chiều, và bị đè nặng dưới sự hùng vĩ của sự im lặng. Màu trắng, cả ba người cùng lặng lẽ vạch đường đi tiếp. Thiên nhiên có nhiều cái để nhắc nhở con người về cái chết: thủy triều không ngừng lên rồi lại xuống, sự giận dữ của giông bão, sự khủng khiếp của những trận động đất và những đợt sấm sét. Nhưng mạnh mẽ hơn và khủng khiếp hơn tất cả là sự im lặng Màu trắng trong cái thờ ơ, hiu quạnh của nó. Không một tiếng động nào”… “Và con người bỗng nhiên thấy sợ cái chết, sợ Chúa, sợ tất cả thế giới xung quanh. Nhưng cùng với cái sợ ấy là niềm hi vọng – hi vọng được sống.” [42, tr.10].

Sự im lặng bao phủ trở thành mối đe dọa lớn nhất của con người, không phải sự u tịch của thiên nhiên nữa, mà trở thành điềm báo cho cái chết, cho sự nguy hiểm lúc nào cũng rình rập con người. Và cái rét cũng thực sự đáng sợ. Sự im lặng rợn người đó khiến không gian trở nên huyền bí hơn, âm u và thực sự đáng sợ. Không gian phương Bắc trở thành hình ảnh quen thuộc đối với bạn đọc yêu mến tác phẩm của Jack London, bởi nó quá hùng vĩ, quá ấn tượng như đang được lạc vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà đầy thú vị với những người hùng trong những bản anh hùng

ca. Đến đây, con người trở nên thực sự nhỏ bé. Nhưng nó lại không làm nao núng những con người mang trong mình ý chí và nghị lực phi thường, không ngại khó khăn để đi tìm những giấc mơ thay đổi cuộc đời, hay đôi khi chỉ là để thỏa mãn lòng ham thích khám phá và trải nghiệm những thử thách đầy gian nan. Đó là nét đẹp rất đáng quý của những nhân vật Jack London xây dựng nên, càng khiến tác phẩm của ông hấp dẫn hơn trong mắt bạn đọc.

Hướng theo những mặt trời giả tạo là câu chuyện khá ly kỳ và hấp

dẫn bởi việc hai con người quyết vượt qua băng tuyết hàng ngàn dặm chỉ để giết một kẻ “lạ mặt” theo cách gọi của người kể chuyện. Điều khủng khiếp nhất là họ vượt qua hàng ngàn dặm trong cái đói, cái rét dưới 70 độ âm, không ăn không uống trong một thời gian dài, và lúc nào họ cũng chỉ nói “Đi tiếp”. Sự im lặng ám ảnh họ như một con quái vật quanh quẩn và chỉ chực đem đến cái chết. Đó quả thực là sự im lặng đáng sợ.

“Tuyệt đối tĩnh mịch. Lặng lẽ hoàn toàn. Thỉnh thoảng tuyết rơi và chúng tôi giống như những bóng ma. Cũng có hôm trời sáng sủa và đúng giữa trưa, mặt trời ló ra một lúc đằng sau dãy đồi ở phía Nam. Trên bầu trời, hào quang Bắc cực tỏa sáng, những mặt trời ảo ảnh nhảy nhót, không trung đầy một thứ bụi băng giá” [42, tr.189].

Đến đây, nhân vật dường như đã rơi vào ảo giác. Sự đấu tranh dường như quá sức đã khiến họ như nửa tỉnh nửa mê:

“Chung quanh im ắng, chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập trong lồng ngực, trong không khí tĩnh mịch này nó đập rất to. Giống như những kẻ mắc chứng mộng du, chúng tôi bước chân như trong mơ, cho đến khi ngã khụy xuống mới hiểu ra là phải đứng dậy” ... “hai bên mặt trời thật là hai mặt trời giả, ảo ảnh. Nghĩa là trên trời có cùng lúc những ba mặt trời. Không trung chứa đấy những thứ bụi giá buốt, lấp

lánh như kim cương” [42, tr.196].

Cách ví von và sự tưởng tượng của một người đang kiệt cùng sức lực, muốn lả đi vì đói, rét và mệt mỏi thực khó hiểu. Chỉ biết rằng những con người này, tự lao mình vào chốn khốn khổ chỉ để thực hiện một hành động khó hiểu đang rơi vào cuộc vật lộn sống còn giữa hiện thực và ảo giác. Họ đang đi tìm một thứ tưởng như vô vọng nhưng lại đầy hi vọng, và tất nhiên, họ đi với một quyết tâm đến đáng sợ, không gì ngăn bước được họ. Có lẽ đến đây, thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu cũng phải chịu thua trước những sinh vật – con người dường như bất diệt này. Họ có những khi đã đi trong ảo giác, đi như đi trong mơ, vừa đi vừa ngủ, rồi giật mình tỉnh dậy mới thấy mình đang ở đâu, đang đi đâu, và lại tiếp tục hành trình; nhưng rồi họ cũng tìm được mục đích của mình: một người lạ mặt, mà người kể chuyện trong tác phẩm cũng không biết là ai, bắn chết gã, rồi thản nhiên trở về như trả xong một món nợ.

Trong Tình yêu cuộc sống, khung cảnh dựng lên là một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ của vùng đất chết chóc, không một bóng người:

“Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ, cũng chẳng có cỏ. Chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm”. “Không có cây to cũng chẳng có cây bụi, chẳng có gì ngoài một biển rêu xám, lác đác điểm xuyết bằng những tảng đá xám, những hồ nhỏ màu xám, những con suối nhỏ màu xám. Bầu trời cũng xám. Không có nắng, cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của mặt trời.” [42, tr.25].

Khung cảnh hoàn toàn tĩnh mịch, đặc một màu xám xịt thiếu sức sống trở nên thật đáng sợ với một người đang bị thương, không có thực phẩm, súng không có đạn, bị mất phương hướng, và cô đơn. Người đàn ông

trở nên nhỏ bé, cảm thấy hãi hùng trước một màu xám chết chóc đáng sợ. Thiên nhiên lúc này như đang giơ bàn tay chết chóc của mình, bóp chặt lấy sinh mạng đang thoi thóp kia, buộc hắn phải giãy giụa mà sống. Hắn đã phải ăn những thứ kinh khủng nhất, phải chiến đấu với thú dữ bằng bản năng của một sinh vật – người gớm ghiếc nhất… để được sống. Thiên nhiên trong truyện là vùng đất lạ lẫm, cái đói và rét khiến hắn như bị ảo giác. Và hơn bao giờ hết, hắn phải tự chống chọi lại ảo giác đó. Thiên nhiên xa lạ nơi đây đang bủa vây con người.

Điều độc đáo Jack London thực hiện để tăng thêm tính khốc liệt cho thiên nhiên và tăng thêm tính anh hùng cho nhân vật là tạo xung đột vô cùng lớn giữa hai đối tượng này. Đó là đối lập về sức mạnh, về sự hung tợn, tàn khốc, đối lập giữa cái rộng lớn, hoang vu với cái nhỏ bé, cô đơn. Nhưng con người với trí tuệ vốn có, khát khao sống cùng bản năng sống mãnh liệt đã nhiều lần chiến thắng thiên nhiên một cách ngoạn mục.

Không gian đầy sự hãi hùng và đáng sợ của vùng phương Bắc xa xôi ám thị không gian xã hội tàn khốc, vô tình và vô cùng nhẫn tâm của con người. Không gian của những hoang vu, mịt mùng bão tuyết và gió hú, những con chó sói điên cuồng vì đói, những trận rét bất ngờ mang theo những hiểm họa đáng sợ là những mối đe dọa khủng khiếp với con người, giống như những cuộc vật lộn tàn khốc giữa con người với con người trong xã hội hiện tại, cũng để tranh giành miếng ăn, manh áo và sự sống. Giữa băng tuyết mịt mùng và sự đe dọa của chó sói, băng tuyết, đói rét, chết chóc, nhờ tình yêu và niềm tin vào cuộc sống, nhờ sức sống mãnh liệt của con người, những người đã tàn tạ vì thiên nhiên đã chiến thắng, đã sống sót, bảo tồn được sự sống và vươn lên. Và quan trọng hơn, đó là trong những hoàn cảnh vô cùng đặc thù đó, hình ảnh người anh hùng đơn độc hiện lên, oai hùng giữa thiên nhiên, một mình chống chọi lại thiên nhiên,

thậm chí là quyết tâm chiến thắng chính bản thân mình như nhân vật

trong Tình yêu cuộc sống. Như vậy, tuy nghiệt ngã, nhưng thiên nhiên đã có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nên tư thế người anh hùng trong những bản anh hùng ca của Jack London. Thiên nhiên vì thế cũng như một người hùng, đem sự nguy hiểm và tàn bạo của mình để thử thách những con người – những anh hùng, buộc họ phải thể hiện bản lĩnh của mình. Trong hoàn cảnh đó, con người luôn đấu tranh tư tưởng vô cùng mạnh mẽ, là phải sống; và dù thành công hay thất bại, họ vẫn là những người hùng đáng trân trọng nhất. Bối cảnh rất độc đáo và lạ đó tạo nên phong cách rất riêng cho Jack London, đồng thời cũng là sự sáng tạo ra một phong cách sử thi mới lạ của văn học hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chất sử thi trong truyện ngắn của Jack London (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)