Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải pháp chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa (Trang 78 - 88)

9. Cấu trúc của luận văn

3.4. Chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao

3.4.4. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất

Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hoá lớn.

Hỗ trợ chính sách về đầu tư, chính sách về đất đai, thị trường để tiếp tục phát triển kinh tế hộ lên một bước mới theo hướng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn. Tạo điều kiện cho hộ nông dân dồn điền đổi thửa, cho thuê đất, tích tụ đất, chuyển bớt các hộ làm ăn không hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp sang ngành nghề và sản xuất phi nông nghiệp. Hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Quy hoạch các vùng chuyên canh phục vụ nhu cầu trong nước tại các vùng sản xuất có lợi thế so sánh cao. Các giải pháp về giống, kỹ thuật hướng vào đảm bảo chất lượng cao, phù hợp thị hiếu của người Việt Nam. Cải tiến công tác dự báo giám sát, điều hành thị trường và tổ chức xuất khẩu lúa gạo theo hướng phát huy cơ chế thị trường. Xây dựng thương hiệu mũi nhọn và thị trường chiến lược cho lúa gạo Việt Nam. Gắn nhà máy chế biến với các vùng chuyên canh lúa, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường để đảm bảo phát triển sản xuất với quy mô và công nghệ hợp lý nhất.

Phát động mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới để các tổ chức của nông dân đóng vai trò chủ động trong việc huy động lực lượng và tham gia quản lý các chương trình phát triển nông thôn. Phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy dân chủ cơ sở, tham gia cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách và quản lý xã hội, quản lý tài nguyên.

3.4.5. Nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ

(1) Chính sách đất đai: Cho phép nông dân có khả năng sản xuất chuyên môn cao sử dụng ổn định, lâu dài đất nông nghiệp; được tạo điều kiện

thuận lợi cho sản xuất, cho việc dồn điền đổi thửa và tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, hạn chế việc chia tách đất đai làm manh mún đất canh tác nông nghiệp.

Đối với các loại hình sử dụng đất nông nghiệp trong vùng chuyên canh đảm bảo an ninh lương thực phải được quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng bị chuyển đổi mục đích tùy tiện.

(2) Chính sách tài chính: Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư bám sát hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, bám sát thay đổi của thị trường và bám sát các ưu tiên định ra từ chiến lược và kế hoạch dài hạn. Thực hiện phương thức quản lý tài chính theo phương pháp khoán ngân sách theo kết quả mục tiêu.

Miễn giảm các khoản thuế, phí thu từ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Điều tiết ngân sách hỗ trợ cho các địa phương thuần nông, nhất là vùng chuyên trồng lúa.

Triệt để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công. Thực hiện khoán đến sản phẩm cuối cùng trong các hoạt động KH&CN. Cải tiến Luật NSNN tạo điều kiện xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công như đấu thầu rộng rãi hoạt động NCKH, ứng dụng công nghệ, khuyến nông,… khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia kiểm tra chất lượng sản phẩm, cấp phép chất lượng sản phẩm, thú y, bảo vệ thực vật,…

(3) Chính sách tiền tệ: Ngân hàng dành ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp, sản xuất vật tư nông nghiệp, dịch vụ KH&CN, cho nông dân vay mua thiết bị máy móc, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Nhà nước hỗ trợ quỹ bảo lãnh tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa thị trường tín dụng ở nông thôn, không chỉ cho vay mà cả bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm sản xuất.

Dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi để khuyến khích, tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hàng hoá. Tiếp tục trợ cấp hình thành các quỹ cho vay tín dụng ở nông thôn như quỹ cho sinh viên nông thôn vay học tập, quỹ cho trí thức trẻ về nông thôn lập nghiệp, quỹ cho trang trại mới thành lập, quỹ hỗ trợ lao động mất đất chuyển sang công nghiệp, dịch vụ...

Tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế chuyển quyền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án đầu tư áp dụng CNC, công nghệ chế biến nông sản.

(4) Chính sách thương mại, phát triển thị trường: Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại ở nông thôn. Xúc tiến đầu tư, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đăng ký xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu thị trường giúp địa phương có định hướng chiến lược cho việc phát triển nông nghiệp; phổ biến kịp thời các tiêu chuẩn của từng loại sản phẩm xuất khẩu để nhân dân biết, tránh thiệt hại bởi các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Thực hiện hiệu quả bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã chịu sự chi phối của thị trường thế giới, nên bị cạnh tranh rất quyết liệt. Trong quá trình đó nếu các nhà sản xuất làm ăn nhỏ lẻ không có sự liên kết hỗ trợ nhau thì chi phí sẽ cao, không đủ sức cạnh tranh, dẫn tới kiềm chế nhau. Các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp, nếu không xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, không có quy hoạch vùng nguyên liệu, không có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân sẽ không đảm bảo được về chất lượng, số lượng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Phương thức sản xuất quá nhỏ lẻ, manh mún sẽ không phù hợp với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tình trạng nông dân sản xuất theo phong trào, có khi quá dư thừa, có khi lại thiếu.

Kết luận Chương 3

Thực tế trong nước và thế giới đã chứng minh KH&CN đóng vai trò quyết định đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Theo mục tiêu phát triển KH&CN nông nghiệp của Chính phủ cho giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 là tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả được ứng dụng vào sản xuất đạt trên 70%; giá trị gia tăng trong nông nghiệp do KH&CN đem lại đạt 40% vào năm 2015 và đến năm 2020 là 60%... Để đạt được mục tiêu không nhỏ nêu trên, trong một thời gian khá ngắn, trước tiên Nhà nước cần có chính sách đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tổ chức, tài chính, xác định, đánh giá nhiệm vụ KH&CN để KH&CN phát triển theo chiều sâu, hỗ trợ và khuyến khích người nông dân, doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ phù hợp, tiến tiến và CNC vào sản xuất nông nghiệp.

Với những đề xuất về giải pháp chính sách nêu trong Chương 3 này, hy vọng rằng bổ sung thêm và góp phần cụ thể hóa cho các giải pháp tổng thể để xây dựng và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSH nói riêng, nền nông nghiệp cả nước nói chung theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận

Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước. Nông nghiệp bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, xuất khẩu nông sản mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước20, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đa số người dân. Với vị trí quan trọng của nông nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trong đó vai trò của KH&CN là rất lớn. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 63, ngày 28/02/2001 về “Huy động các lực lượng KH&C phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH NN&PTNT” trong đó đã đưa ra hàng loạt giải pháp chỉ đạo cho hoạt động KH&CN đối với phát triển nông nghiệp.

Trong gần 30 năm đổi mới, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống các chính sách này cần tiếp tục được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của sản xuất cũng như quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả và tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho hoạt động NCKH và chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đề cập trong luận văn này với mong muốn góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc điều chỉnh và bổ sung hệ thống chính sách liên quan đến NCKH và CGCN trong nông nghiệp, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động NCKH và CGCN trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng

20 www.baodientu.chinhphu.vn: Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam là 25 tỷ USD - ngày 06.4.2013).

suất, chất lượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa ở vùng ĐBSH nói riêng, cả nước nói chung. Trong đó có 4 nhóm giải pháp luận văn đề cập là:

(1) Nhóm giải pháp về chính sách KH&CN;

(2) Nhóm giải pháp về chính sách cho công tác khuyến nông; (3) Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất;

(4) Nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ;

Luận văn đã chứng minh giả thuyết nghiên cứu đặt ra để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cần có những giải pháp chính sách sau đây:

- Tăng tỷ suất giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa - Tăng quy mô giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa - Kích thích quá trình đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

2. Khuyến nghị

Để hoàn thiện và đi vào thực hiện hệ thống giải pháp chính sách thúc đẩy NCKH và CGCN trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cần phải:

(1) Có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước; nỗ lực của các tổ chức KH&CN và CGCN

Cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tổ chức KH&CN cùng sự nỗ lực của bản thân cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, trong đó sự hỗ trợ quyết liệt của Nhà nước là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định. Mỗi cơ quan nhà nước khi ban hành, hoạch định chính sách, chủ trương cần nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu phát triển trong nước và xu thế chung của thế giới để có chính sách phù hợp.

(2) Chú ý thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về KH&CN có vai trò cơ bản của Nhà nước, là “bà đỡ” trong việc thúc đẩy NCKH và CGCN.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chỉ đạo thống nhất với hệ thống giải pháp đồng bộ phù hợp với tập quán sản xuất, với điều kiện thực tiễn của nhân dân để thúc đẩy CGCN tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn. Các nhiệm vụ KH&CN cần được xác định một cách đúng đắn, chính xác, trúng những vấn đề cần nghiên cứu, cần chuyển giao, bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của cả nước.

(3) Tăng cường hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực KH&CN, chú trọng đầu tư nghiên cứu và khuyến khích CGCN, sử dụng các kết quả NCKH trong nông nghiệp, nhất là CNC thuộc lĩnh vực CNSH, CNTT, cơ khí nông nghiệp

Trong quá trình tăng cường đầu tư cần lưu ý việc đầu tư cho tổ chức mạng lưới, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, hỗ trợ giống mới; phát triển cơ giới hoá khâu canh tác, công nghệ chế biến sau thu hoạch. Trong quá trình CGCN cần lưu ý lựa chọn bước đi và loại hình CNC cho phù hợp với điều kiện cụ thể nguồn nhân lực không chỉ của các tổ chức KH&CN mà còn các

địa bàn nông nghiệp và nông thôn. Theo đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nâng cao dân trí, năng lực tiếp thu công nghệ của người dân tại các địa bàn CGCN.

(4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc CGCN vào nông nghiệp, nông thôn

Nông nghiệp nước ta còn rất lạc hậu, từ nhận thức, cách làm, tác phong, tư duy, từ đề xuất các giải pháp một cách hữu hiệu, do đó, học tập các kinh nghiệm quý báu của các nước đi trước là việc rất cần thiết. Như vậy, cần tăng cường nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các nước, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao vào Việt Nam những công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.

(5) Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trong nước và quốc tế trên một địa bàn nông thôn để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư.

Thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho địa bàn nông nghiệp và nông thôn, các tổ chức KH&CN, các tổ chức quốc tế… cũng có nhiều chương trình trên các địa bàn này. Nhưng tình trạng không có “nhạc trưởng” để điều hành hiệu quả các chương trình này nên nhiều nội dung đã chồng chéo lên nhau, làm hạn chế nguồn lực đầu tư. Do đó, việc lồng ghép phối hợp và chỉ đạo thống nhất các chương trình, dự án trên một địa bàn tránh chồng chéo, trùng lắp, làm tiêu hao nguồn lực… là rất cần thiết.

*

* *

Để phù hợp với tình hình thực tiễn, mọi chính sách không phải là bất biến mà phải luôn được cập nhật thay đổi cho phù hợp. Những đề xuất về chính sách không phải là một khuôn mẫu nhất định, mà được coi như những thông tin gợi mở cho những giải pháp cụ thể phù hợp với từng vùng, từng thời điểm và tình hình của từng địa phương. Việt Nam là nước nông nghiệp, hiện đang cố gắng phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp thì việc nghiên cứu, tiếp

cận để hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, sạch, có sức cạnh tranh là rất cần thiết [2; tr.283]. Những đề xuất nói trên hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách của nước ta trong quá trình CNH, HĐH và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của đất nước./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ KH&CN, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (2012), KH&CN phục vụ CNH, HĐH và phát triển bền vững, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Ngọc Ca, Nguyễn Võ Hưng (2012), Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Bộ KH&CN, Hướng tới một hệ thống đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

3. Phan Xuân Dũng (2004), Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải pháp chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa (Trang 78 - 88)