II. PHƯƠNG PHÁP VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC
ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM: LỜI TRÁI TIM
1. Yêu cầu cần đạt
– Vận dụng kĩ năng đọc để hiểu nội dung VB.
– Liên hệ, kết nối với VB Đợi mẹ và Một con mèo ngủ trên ngực tôi để hiểu hơn về chủ điểm Lắng nghe trái tim mình.
2. Gợi ý tổ chức hoạt động học
Trước khi đọc, GV có thể cho HS quan sát bức tranh về đoàn người cưỡi lạc đà đi qua sa mạc trong SGK để chia sẻ cảm nhận của mình về bức tranh. GV cũng có thể yêu cầu một số HS chia sẻ hiểu biết, cảm nhận về tiểu thuyết này nếu đã đọc từ trước.
Tổ chức cho HS đọc VB theo nhóm, mỗi em trong nhóm đọc một đoạn. GV có thể đến một số nhóm để đọc cùng HS.
Đây là VB đọc kết nối chủ điểm, do đó khi dạy bài này GV không khai thác đặc trưng thể loại mà chỉ hướng dẫn HS khám phá nội dung của VB. Lí do: (1) Thể loại chủ đạo của bài này là thơ; (2) Mục đích của VB đọc kết nối chủ điểm là nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của nội dung chủ điểm Lắng nghe trái tim mình.
Trước tiên, GV tổ chức cho HS đọc VB theo nhóm và ghi ngắn gọn hoặc trình bày cảm nhận sơ bộ của mình về VB, chọn lời thoại mà mình tâm đắc nhất. Sau đó, có thể tổ chức cho HS đọc phân vai, gồm 3 vai: người dẫn chuyện, nhà luyện kim đan và cậu bé chăn cừu. Mục đích của hoạt động này là để HS trực tiếp cảm nhận VB, đưa ra những kiến giải ban đầu về nội dung của VB.
Tiếp theo cho HS đọc và tìm hiểu VB qua hệ thống câu hỏi trong SGK.
Câu 1: GV tổ chức cho HS làm việc cặp đôi, chú ý lời thoại của nhân vật nhà luyện kim đan ở phần đầu của đoạn hai để trả lời: Theo nhà luyện kim đan, cậu bé chăn cừu cần lắng nghe trái tim mình bởi vì “trái tim của cậu ở đâu thì kho báu cậu cần tìm ở đó”, “vì cậu chẳng bao giờ bắt nó im lặng được nữa”,…
Câu 2: Yêu cầu HS tiếp tục làm việc cặp đôi, chú ý lời thoại của nhà luyện kim đan ở phần sau của đoạn hai để trả lời: Theo nhà luyện kim đan, để không bị trái tim đánh bất ngờ, cậu bé chăn cừu cần lắng nghe nó nói, hiểu rõ nó muốn gì, mơ ước gì thì cậu sẽ biết cách ứng xử phù hợp.
Câu 3: Tổ chức cho HS thảo luận nhóm và yêu cầu đọc kĩ đoạn 3. Có thể sử dụng phiếu học tập sau để hướng dẫn thảo luận:
Ý kiến của nhà luyện kim đan: “sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính sự đau khổ, và chưa từng có trái tim nào phải chịu đau khổ khi tìm cách thực hiện giấc mơ”.
Ý kiến của tôi (đồng tình hay không đồng tình?) Lí lẽ (vì sao?)
Câu 4: Hướng dẫn HS đọc nhanh toàn bộ VB một lần nữa và chọn ra lời thoại về việc lắng nghe tiếng nói trái tim mà em yêu thích nhất và lí giải vì sao.
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT1. Yêu cầu cần đạt 1. Yêu cầu cần đạt
Nhận biết được ngữ cảnh, xác định được nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
2. Tìm hiểu tri thức tiếng Việt
GV xem lại cách hướng dẫn ở phần hướng dẫn ở phần Tri thức Ngữ văn.
Nếu đã hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung ở phần Tri thức Ngữ văn thì đến đây GV có thể nhắc lại hoặc tổ chức hoạt động để gợi nhắc cho HS.
3. Thực hành tiếng Việt
Mục đích của bài tập 1, 2, 3 và 4 là để HS có cơ hội vận dụng kiến thức về ngữ cảnh và cách xác định nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
Bài tập 1:
a. Để tăng tính chủ động của HS, GV có thể hướng dẫn như sau:
– Đề nghị HS dựa vào từ điển để nêu nghĩa thông thường của từ “non”: Ở giai đoạn mới mọc, mới sinh ra, chưa phát triển đầy đủ.
– Yêu cầu HS cho biết từ “non” trong đoạn thơ được dùng với nghĩa trong từ điển hay nghĩa chuyển.
– Hướng dẫn HS xác định nghĩa của từ “non” trong đoạn thơ đã cho. Gợi ý HS chú ý đến nghĩa trong từ điển của từ “non”, ngữ cảnh như “trời tối”, “trăng” để có thể hiểu được chính xác ý tác giả khi dùng từ “non”. “Non” trong đoạn thơ này dùng để chỉ ý “(trăng) khuyết, chưa tròn”. Theo đó, trăng non là vầng trăng đầu tháng chưa tròn, còn khuyết. – Yêu cầu HS giải thích căn cứ vào đâu mà HS xác định được nghĩa của từ trên như
vậy.
b. Từ kết quả câu a, HS cần rút ra được là khi xác định nghĩa của từ phải dựa vào ngữ cảnh.
Bài tập 2:
a. Yêu cầu HS đọc lại bốn dòng thơ và dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ “mềm”. Lưu ý, HS cần dựa vào các cụm từ: “lâng lâng”, “như là hạnh phúc”, “được âu yếm”, “được vuốt ve”, “đùm bọc”,… để xác định từ “mềm” không được dùng với nghĩa thông thường, nghĩa là “dễ biến dạng dưới tác dụng của lực cơ học” mà được dùng với nghĩa bóng để chỉ ý “(trái tim) dịu dàng, tràn ngập tình yêu thương”.
b. Tổ chức cho cả lớp thi đặt câu có từ “mềm” được dùng với nghĩa bóng như trên.
Bài tập 3: Tổ chức cho HS làm bài tập theo nhóm, có thể theo cách sau: a. Xác định nghĩa của từ “câm nín” trong đoạn văn
– Yêu cầu HS đọc kĩ đoạn trích trong bài tập.
– Xác định nghĩa thông thường (nghĩa từ điển) của từ “câm nín” (có thể dùng từ điển đối với HS yếu) là “nín lặng, không nói một lời” và xem xét xem từ “câm nín” trong ngữ cảnh này có thể được dùng với nghĩa này hay không.
– Xác định nghĩa của từ “câm nín” trong ngữ cảnh này: Từ được dùng với nghĩa bóng, “câm nín” nghĩa là trái tim không gửi thông điệp, những cảm nhận của nó đến cho cậu bé chăn cừu.
b.Gợi ý: Có thể dựa vào ngữ cảnh để nhận ra ý nghĩa của một từ.
Bài tập 4:
a. “khai khẩn”: làm cho đất hoang trở thành đất trồng trọt. b. “quán xuyến”: đảm đương được tất cả.
c. “người vị kỉ”: người luôn vì lợi ích của bản thân, không biết nghĩ cho người khác. d. “thiết tha”: luôn luôn nghĩ đến, quan tâm đến.
Cách xác định nghĩa của những từ trên: dựa vào ngữ cảnh của từ.