ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM: TỤC NGỮ VÀ SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG

Một phần của tài liệu SGV NGỮ văn 7 CTST tap 2 (Trang 36 - 37)

II. PHƯƠNG PHÁP VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC

ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM: TỤC NGỮ VÀ SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG

1. Yêu cầu cần đạt

– Vận dụng kĩ năng đọc để hiểu nội dung VB.

– Liên hệ, kết nối với VB Những kinh nghiệm dân gian về thời tiết và VB Những kinh nghiệm dân gian về lao động sản xuất để hiểu hơn về chủ điểm Trí tuệ dân gian.

– Nhận biết được chức năng của tục ngữ.

2. Gợi ý tổ chức hoạt động học

2.1. Chuẩn bị đọc

GV tổ chức trò chơi để giúp HS gợi nhớ về nhan đề và tên nhân vật trong những sáng tác được nhắc đến trong VB Tục ngữ và sáng tác văn chương. Mục đích của việc làm này là khơi gợi kiến thức nền để HS đọc hiểu VB tốt hơn.

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

GV tổ chức hoặc hướng dẫn cho HS đọc trực tiếp VB.

2.3. Suy ngẫm và phản hồi về văn bản

VB Tục ngữ và sáng tác văn chương được thiết kế trong bài học này nhằm kết nối với chủ điểm Trí tuệ dân gian, vì vậy định hướng triển khai dạy học có khác với hai VB 1 và 2. GV chỉ cần tập trung vào việc rèn luyện các kĩ năng đọc cho HS để các em có thể đọc hiểu VB, qua đó nhận thấy rõ mối quan hệ giữa tục ngữ và các sáng tác văn chương. Trong tục ngữ, chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện, những chi tiết đã có trong các sáng tác trước đó. Đến lượt mình, tục ngữ được các nhà văn, nhà thơ sử dụng như là một loại chất liệu để làm các tác phẩm thêm giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm và mang đậm giá trị dân gian.

GV hướng dẫn HS trả lời các câu hỏi trong Suy ngẫm và phản hồi. Dưới đây là đáp án gợi ý:

Câu 1: Rét nàng Bân là đợt rét cuối cùng của mùa đông, xảy ra vào khoảng đầu tháng Ba âm lịch ở miền Bắc Việt Nam. Đây là đợt rét đậm, kéo dài vài ngày và thường kèm mưa phùn hoặc mưa nhỏ. Rét nàng Bân gắn liền với câu chuyện Nàng Bân, gắn liền với những tình cảm ấm áp của vợ dành cho chồng, của cha dành cho con gái.

Câu 2: Theo lời tía nuôi của nhân vật tôi trong VB “Chim trời cá nước…” – xưa và nay, câu tục ngữ Chim trời cá nước, ai được nấy ăn không còn đúng với xã hội họ đang sống nữa (Đúng là không ai nuôi. Nhưng chim về ở trên vùng đất của ai thì nó thuộc về tài sản của người đó. Họ phải đóng thuế hằng năm như đóng thuế ruộng đấy, con ạ). Câu trả lời của nhân vật tía nuôi giúp cho chúng ta hiểu rằng câu tục ngữ Chim trời cá nước, ai được nấy ăn có thể phù hợp trong hoàn cảnh này nhưng không phù hợp trong hoàn cảnh

khác. Trong bối cảnh hiện nay, câu tục ngữ trên càng không phù hợp khi việc săn bắt các loài động vật quý hiếm bị cấm để bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Câu 3: Trong VB “Chim trời cá nước…” – xưa và nay, câu tục ngữ được sử dụng đúng lúc, góp phần làm tăng độ tin cậy, sức thuyết phục cho câu nói của nhân vật tôi đồng thời cũng làm cho tác phẩm giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm và đậm đà tính dân tộc. Và việc tác giả để cho nhân vật tía nuôi giảng giải về bối cảnh mới (đã khác xưa) đã cung cấp cho độc giả một nhận thức đúng đắn hơn về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cách dùng câu tục ngữ này. GV yêu cầu HS tìm thêm một số tác phẩm văn chương có sử dụng các câu tục ngữ.

Câu 4: GV hướng dẫn HS một số lưu ý khi đọc hiểu tục ngữ: (1) Đặt câu tục ngữ vào ngữ cảnh của câu văn; (2) Nếu câu tục ngữ gắn liền với một câu chuyện (ví dụ câu chuyện Nàng Bân) thì cần tìm đọc câu chuyện đó để có thể hiểu chính xác ý nghĩa của câu tục ngữ.

Để có thể sử dụng tục ngữ đúng lúc, đúng chỗ, cần hiểu rõ ý nghĩa của chúng và cần lưu ý: đôi khi, ý nghĩa của câu tục ngữ có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Một phần của tài liệu SGV NGỮ văn 7 CTST tap 2 (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w