7. Câu trúc luận văn
2.1. Vai trò Phật giáo trong các mộc bản ở Hu
2.1.1. Mộc bản và giá trị lịch sử
Do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử…, triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Đây là những tài liệu gốc độc bản. Những tấm ván được khắc ngược chữ Hán-Nôm để làm khuôn in ấn đóng tập thành sách. Sách in thành nhiều bản nhưng bản gốc mộc bản là một bản duy nhất. Mộc bản thường được làm từ gỗ thị, gỗ cây nha đồng. Một tấm mộc bản, ngoài chữ ra còn có các họa hình chi tiết làm sinh động thêm cho ấn phẩm được in ra. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời trung cận đại.
Chi phí để tạo mộc bản rất tốn kém nên công việc này thường chủ yếu do lệnh của triều đình ban ra. Nội dung dùng để in cũng vì thế mà được chọn lựa rất kỹ càng. Mộc bản trở thành một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa cả về nội dung tư tưởng của kinh sách được in vừa thể hiện hình thức nghệ thuật tạo hình, chạm khắc điêu luyện, tinh xảo, vừa cho thấy ngành công nghiệp in ấn trong xã hội đương thời. Trải qua thời gian, mộc bản trở thành tài sản quý giá của mỗi dân tộc. Triều Nguyễn ở Việt Nam là triều đại phong kiến tồn tại hơn 300 năm với 9 chúa 13 vua đã để lại nhiều giá trị lịch sử văn hóa giá trị và hầu như nguyên vẹn. Riêng mộc bản triều Nguyễn đã có 34.618 tấm. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã làm hồ sơ trình UNESCO và đến ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã chính thức
được UNESCO đưa vào "Chương trình Ký ức thế giới". Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. Số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng.
Trong di sản văn khắc của Việt Nam, chúng ta có thể tìm gặp nhiều thể loại có xuất xứ khác nhau như văn bia, văn chuông, mộc bản. Tuy nhiên văn khắc trên gỗ chiếm số lượng rất lớn. Nội dung của những khắc bản này, ngoài mang tính giáo khoa Nho giáo trong các trường học phong kiến, thì còn rất nhiều những loại sách khác như y học, địa lý, lịch sử, luật lệ… cũng như bản khắc về thơ văn của một số tác giả. Nếu tính đến độ phổ cập từ vua quan đến thứ dân thì bản khắc kinh sách tôn giáo, tín ngưỡng và tranh tượng…là những ấn phẩm lưu truyền rộng rãi nhất.
Trong quá trình truyền bá tư tưởng Phật giáo, Kinh Luật Luận của Phật giáo cũng cần được sang in để làm tài liệu hướng dẫn cho quần chúng tu học nên đã dùng phương pháp in mộc bản này. Nguyễn Sử cho rằng: “Có lẽ, kỹ thuật in đã được lưu truyền ở nước ta từ khá sớm, nhưng cứ liệu sớm nhất (hiện biết) đề cập đến việc in là Thiền uyển tập anh” [59; tr.34]. Thiền uyển
tập anh là cuốn sách viết về danh tăng cùng tư tưởng của Phật giáo. Điều đó
cho thấy kinh sách Phật giáo thời bấy giờ là một trong những tài liệu quan trọng cần phải in ấn để phổ biến cho quần chúng, phục vụ nhu cầu tu học.
Ở Việt Nam, ngoài mộc bản triều Nguyễn được Unesco công nhận là di sản tư liệu năm 2009 còn có mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cũng được công nhận là di sản tư liệu năm 2012 trong chương trình “Ký ức thế giới”. Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) có 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn. Năm 2017, chùa Bổ Đà (Bắc Giang) cũng được công nhận là nơi lưu giữ 1953 ván khắc kinh trên gỗ thị cổ nhất thế giới.
Mộc bản Phật giáo trở thành một nguồn tư liệu quý giá và quan trọng không chỉ đơn giản ở chức năng ban đầu là in ấn, lưu giữ Kinh sách Phật giáo mà qua đó cho thấy bề dày giá trị của văn hóa, xã hội, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt…
Tìm hiểu bộ ván khắc chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, các nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị của bộ mộc bản này là nơi chứa tư tưởng, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; đánh dấu sự phát triển của chữ Nôm; chứa đựng những tác phẩm văn học có giá trị; đúc kết những kinh nghiệm dân gian về y dược; là tác phẩm thư pháp tuyệt mỹ. Trong đó giá trị hàng đầu của các mộc bản là giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang sử dụng chữ Nôm - một sáng tạo của người Việt. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Hán – Nôm khẳng định bên cạnh giá trị từ hiện vật, các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, những mộc bản này còn là “pho sử” sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.
Mộc bản chính vì thế đã trở thành một di sản quý hiếm của dân tộc, chứa đựng bề dày lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc.