7. Câu trúc luận văn
3.2.1. Các lễ hội Phật giáo Huế trở thành lễ hội chung của xứ Huế
Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Lễ hội gồm hai phần: 1) phần lễ: hay còn gọi là nghi lễ. Đây là phần rất quan trọng trong các lễ hội, bởi là lúc những giá trị tâm linh được đề cao. Đây là dịp để mọi người thể hiện sự tôn kính, lòng cầu mong, ước nguyện lên các đấng tôn quý như Phật, Bồ tát… hay những vị thần linh thiêng liêng, ban ơn nắng mưa đối với xứ sở. Phần nghi lễ được tổ chức một cách trang nghiêm, quy củ khiến cho ý nghĩa của việc làm này càng thêm sâu sắc, có tác dụng lớn trong việc giáo dục những thế hệ nối tiếp. 2) phần hội: Sau phần nghi lễ truyền thống được tiến hành thì phần hội diễn ra. Phần hội được đông đảo mọi người tham gia bởi trong phần hội có các trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi truyền thống… Phần hội cũng chính là lúc dựng lại nét cổ xưa, cho nên người tham dự hội sẽ có cơ hội nhận diện lại những giá trị truyền thống của dân tộc, vùng miền cư trú.
Đối với Phật giáo, lễ hội trở thành những ngày quan trọng thể hiện niềm tôn kính, sự cầu nguyện theo tinh thần Niệm ân, Tri ân và Báo ân. Lễ Hội Phật giáo có sự tiếp biến các lễ hội truyền thống của dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên căn cốt chủ đạo vẫn thể hiện tư tưởng của Phật giáo. Có những lễ
hội là lễ hội chung của thế giới gắn liền với Phật giáo như lễ Vesak. Vào ngày 28 tháng 10 năm 1999, đại diện các nước của 34 nước trên thế giới đã đệ trình lên Đại hội đồng Liên hiệp Quốc dự thảo nghị quyết công nhận Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đức Phật Đản Sinh, Thành Đạo và nhập Niết Bàn. Đến ngày 12 tháng 11 năm 1999, Liên hiệp quốc thông qua, công nhận ngày Đại lễ Vesak để tôn vinh vị giáo chủ của Phật giáo.
Riêng đối với Phật giáo xứ Huế, các lễ hội Phật giáo trở thành những ngày lễ hội chung của người dân xứ Huế mà một người dân nào cũng biết rõ. Đó là lễ Phật đản diễn ra vào tháng Tư âm lịch, ngày lễ Vu Lan vào ngày Rằm tháng Bảy, lễ hội Quán Thế Âm tại núi Tứ Tượng vào ngày 19 tháng 6 âm lịch… Trong các lễ này thường diễn ra một hệ thống chuỗi lễ hội khác khiến cho lễ hội Phật giáo trở thành ngày lễ chung mà người dân Huế nào cũng rõ biết.
Lễ Phật Đản
Lễ Phật đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca mâu ni, vị giáo chủ của Phật giáo đản sinh. Lễ này được Phật giáo tổ chức từ ngày mùng Một đến hết ngày Rằm tháng Tư âm lịch nhằm tưởng nhớ đến Đức Phật Thích Ca đã hạ sanh vào loài người, tu hành, giác ngộ và hóa độ chúng sanh. Lễ Phật đản ở Huế có nhiều nét nổi bật trở thành truyền thống của Phật giáo Huế. Lễ Phật đản ở Huế bắt đầu vào ngày mùng 8 tháng Tư với sự kiện bạch Phật khai kinh. Sau đó là một chuỗi các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện vai trò của Phật giáo đối với xã hội như công tác từ thiện, thăm người nghèo, neo đơn, cơ nhỡ, bệnh nhân tại các bệnh viện, thăm các gia đình thánh tử đạo, thắp hương đền đài liệt sĩ…Tổ chức những buổi giảng pháp với quy mô lớn để cho quần chúng tham dự, lắng nghe giáo pháp của đức Phật để chuyển hóa và nâng cao giá trị cuộc sống của tự thân. Đặc biệt, lễ Phật đản xứ Huế có hàng trăm chiếc xe hoa được trang hoàng lộng lẫy, mỗi chiếc mang một chủ đề, ý nghĩa khác nhau nhằm tôn vinh những giá trị mà Phật giáo đem
lại cho nhân loại. Những đêm diễu hành xe hoa đông kín người dân tham dự hai bên đường. Lễ Phật đản của Huế còn một điều đặc biệt là lễ hội rước Phật. Lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế lên đến chùa Từ Đàm trở thành nét rất riêng của Phật giáo Huế. Lễ rước Phật được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1963, sau đó trở thành truyền thống của Phật đản Huế. Rước Phật bằng xe, bằng kiệu, bằng thuyền chính là ba phương thức được linh động tổ chức hằng năm của Phật đản Huế. Năm 2008, bảy hoa sen lớn được Ban tổ chức Phật đản thả cố định giữa sông Hương, tạo thành một điểm nhấn giữa lòng cố đô Huế. Kể từ đó đến nay, bảy hoa sen trên sông Hương trở thành biểu tưởng Phật đản xứ Huế. Không những thế, bảy hoa sen ngày Phật đản này đã làm nổi bật dòng Sông Hương trong mùa lễ hội Festival của Huế.
Ở Huế vào những ngày Phật đản, người ta treo cờ ngũ sắc (cờ Phật giáo) cùng với cờ Tổ quốc, lồng đèn, băng rôn, biểu ngữ, pano Phật đản… khắp nơi trên các trục đường của thành phố đến nông thôn. Mỗi khu vực đều có những lễ đài được dựng lên, tôn trí tượng của đức Phật sơ sinh. Điều đặc biệt là lễ đài không chỉ ở từng khu vực do Ban tổ chức Phật đản tỉnh lập dựng mà tại mỗi tư gia, hầu như đều trang trí một lễ đài thu nhỏ hoặc vườn Lâm tỳ ni- nơi đức Phật đản sanh- gọi là lễ đài tư gia.
Phật đản ở Huế trở thành lễ hội chung và nổi bật tạo thành điểm nhấn của Huế vào tháng Tư. Không khí rộn ràng đón chào Phật đản sinh khẳng định sức ảnh hưởng của Phật giáo như thế nào tại mảnh đất cố đô này.
Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu. Lễ này được tổ chức vào rằm tháng bảy, trúng vào dịp tự tứ của Tăng ni sau ba tháng an cư kiết hạ. Lễ này bắt nguồn từ Phật giáo. Theo kinh điển thì ngài Mục Kiền Liên sau khi tu chứng đã tìm cách báo hiếu ân nghĩa sinh thành của mẹ. Mẹ ngài vì tội lỗi sâu dày nên một mình ngài Mục Kiền Liên không thể cứu được, phải nhờ sức chú nguyện của mười phương chúng Tăng sau ba tháng an cư mới cứu được.
Chính vì thế mà sau ba tháng an cư, sau khi tự tứ, chư Tăng khắp nơi đều cùng chú tâm cầu nguyện báo hiếu cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được siêu sanh tịnh độ. Lễ Hội Vu Lan báo hiếu còn chỉ dạy cho con người cách báo hiếu cha mẹ hiện đời. Chính vì ý nghĩa nhân văn sâu xa đó mà lễ Vu Lan trở thành ngày lễ của dân tộc Việt. Ở Huế, ngày lễ Vu Lan, nhà nhà đều hương hoa quả phẩm để cúng lên bàn thờ tổ tiên. Đồng thời đến chùa ghi tên tuổi của người chết trong gia thân quyến thuộc nhờ Chư Tăng chú nguyện, cầu vãng sanh Cực Lạc. Đối với cha mẹ đang còn sống thì con cái mua hoa, quà để biếu tặng, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình.
Lễ Vu Lan không chỉ báo hiếu cha mẹ tổ tiên mà còn giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh khác. Dịp lễ này, người người góp tiền của để làm từ thiện, giúp đỡ người neo đơn, tật bệnh… Chính vì thế mà người dân Huế càng trở nên sâu sắc hơn, nhân nghĩa, hiếu đạo được đề cao hơn.
Lễ Hội Quán Th Âm
Lễ Hội Quán Thế Âm được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 âm lịch hàng năm. Ngày này là ngày kỷ niệm Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo. Tại Huế, lễ hội này được tổ chức tại núi Tứ Tượng thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Tại đây có tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 18 mét, trở thành điểm tâm linh quan trọng của Phật giáo xứ Huế.
Lễ hội được tổ chức vào hai ngày 18 và 19 tháng 6 âm lịch với một chuỗi hoạt động như thuyết pháp, văn nghệ, cắm trại, từ thiện, chẩn tế cô hồn, thả chim Bồ câu cầu nguyện… Phật tử khắp nơi đều tập trung về hàng trăm ngàn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm với tâm nguyện cầu mong sức khỏe, bình an. Bồ tát Quán Thế Âm tức là vị Bồ tát lắng nghe những tiếng cầu cứu đau khổ của chúng sanh. Khi một chúng sanh nào đau khổ mà gọi tên hiệu của Bồ tát thì Bồ tát liền hiện thân để cứu độ. Bồ tát Quán Thế Âm có ba mươi hai ứng hóa thân nên ngài thị hiện khắp nơi để cứu vớt chúng sanh đau khổ. Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong thân hình người phụ nữ chính là
sự dung hợp của lòng từ bi của Phật giáo với lòng yêu thương của người mẹ phương Đông. Chính vì thế mà bất cứ người dân nào cũng đều cầu nguyện trước Bồ tát Quán Thế Âm. Hình tượng của Bồ tát Quán Thế Âm trở thành hình tượng thờ cúng chung của các gia đình xứ Huế khi mà trong nhà nào theo Phật đều thờ tượng Bồ tát. Không chỉ mùa lễ hội mà bất cứ ngày nào trong năm, người dân Huế, dù là Phật tử hay không thì họ đều dẫn nhau lên tượng đài Quán Thế Âm ở núi Tứ Tượng đề cầu nguyện. Những câu chuyện linh ứng càng khiến cho niềm tin ở Bồ tát càng thêm lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng không chỉ người dân Huế mà cả dân tộc Việt.
Đó là các lễ hội chính của Phật giáo trở thành lễ hội chung của người Huế, tạo thành một nếp sống, nếp nghĩ, nếp văn hóa của người dân xứ Huế.