Văn hóa ẩm thực chay của Phật tử tại gia và người dân Huế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của phật giáo trong văn hoá huế (Trang 44 - 48)

7. Câu trúc luận văn

2.3. Vai trò Phật giáo trong văn hóa ẩm thực ngƣời Hu

2.3.3. Văn hóa ẩm thực chay của Phật tử tại gia và người dân Huế

Việc ăn chay từ trong cửa Phật đã ảnh hưởng sâu đậm và rộng rãi trong đời sống xã hội. Người Huế đa số đều là Phật tử thuần thành, trẻ em sinh ra trong những gia đình này đều được ba mẹ đem lên chùa để quy y Phật pháp, có pháp danh và tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử, khuôn hội, trở thành những người con tuy không gắn với cuộc sống tu hành nhưng luôn luôn hướng đến cuộc sống thiền môn, mang tâm hướng Phật trong mỗi cử chỉ, mỗi hành động hàng ngày. Đã là người Phật tử thì phát nguyện thọ trì Tam Quy và Ngũ giới, trong đó sẽ thực hiện việc phát nguyện ăn chay. Phật tử không nhất thiết phải thực hiện việc ăn chay trường như chư Tăng Ni ở chốn thiền môn mà định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ. Việc ăn chay của người phật tử tại gia không bị ràng buộc tuyệt đối trong quan niệm chay tịnh như Tăng sĩ. Họ ăn chay với một quan niệm là để tâm hồn nhẹ nhàng, thanh tịnh, mang lại sự yên bình trong cuộc sống, đặc biệt là thực hiện tâm từ bi không sát sanh hại vật. Trai kỳ gồm có: ăn hai ngày (rằm, mồng một) gọi là nhị trai; ăn bốn

ngày (mười bốn, rằm, ba mươi, mồng một) gọi là tứ trai; ăn sáu ngày gọi là lục trai, mười ngày là thập trai, một tháng, ba tháng… Đa số Phật tử thường phát nguyện ăn chay ba tháng (tam nguyệt trai) trúng vào ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng, bắt đầu từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy, với ý nguyện góp phần công đức để cứu vớt cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp thông qua lễ Vu Lan và rằm tháng Bảy âm lịch. Bên cạnh đó còn có nhiều Phật tử phát nguyện ăn trường trai như Tăng sĩ, ăn chay suốt đời.

Phật giáo quan niệm mọi chúng sanh đều bình đẳng, đều có Phật tánh, là thân thuộc nhiều đời nhiều kiếp nên không được sát sanh để ăn. Đặc biệt người dân Huế không bao giờ ăn các loài vật gần gũi và có công với con người như thịt trâu, thịt chó, cá chép. Tinh thần không sát sanh, nhớ ơn và đền ơn đã tự quy định nhiều đời trở thành nét sống linh thiêng. Người Huế không những không hiếu sát mà còn thực hiện ăn chay tịnh và phóng sanh bố thí.

Chính việc đi chùa, thờ Phật tại tư gia khiến Phật tử tại gia thực hiện nếp sống thanh bần lạc đạo. Việc phát nguyện ăn chay vào các ngày sóc vọng, lễ lạc… đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Huế. Nó không còn là nét riêng trong đời sống của Tăng sĩ mà trở thành nét chung cho cộng đồng Phật tử. Điều này tạo nên một nét văn hóa ẩm thực của người dân Huế nói chung.

Không chỉ chốn thiền môn và những gia đình Phật tử mới thực hiện nếp sống ăn chay, mà người dân Huế hầu như đều có những bữa ăn chay không cố định trong một tháng. Chính điều này làm nên văn hóa ẩm thực của xứ Huế, gồm: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay tịnh. Không nơi nào mà quán chay, nhà hàng phục vụ món chay nhiều như ở Huế. Việc ăn chay của dân Huế trong những ngày lễ là quyền lợi và bổn phận của mỗi người. Người dân thực hành việc ăn chay trên tinh thần tự nguyện và được trải qua nhiều thế hệ. Việc ăn chay được không chỉ trong những ngày hỷ lạc mà còn áp dụng trong những ngày hiếu sự, tang ma, kỵ giỗ. Khi trong nhà có hiếu sự, tang lễ, người thân của người chết thường phát nguyện ăn chay đến

bốn mươi chín ngày để cầu nguyện như một sự báo hiếu. Những ngày kỵ giỗ, dù có thỉnh chư Tăng hay không thì gia đình vẫn tổ chức nấu chay để thiết đãi bà con. Tâm hồn người Huế cần sự thanh tĩnh, tính cách người Huế bình dị, sâu sắc nên những quy cách của chốn thiền môn Phật tự, nếp sống sinh hoạt của chư Tăng Phật giáo càng được mọi người lấy làm khung khuôn để thực hiện. Trong đó có việc áp dụng ẩm thực chay để giúp tâm hồn nhẹ nhàng, thanh tịnh.

Ăn chay không còn bó buộc trong gia đình, mà ngày nay muốn ăn chay mọi người có thể tìm đến những nhà hàng, quán chay từ bình dân đến cao cấp để thưởng thức món chay. Nhà hàng cũng đa dạng về không gian kiểu cách, từ không gian vườn, cây cảnh, non bộ gần gũi với thiên nhiên đến những nhà hàng sang trọng với lối kiến trúc hiện đại, có máy lạnh, đèn Tây… Những nhà hàng chay nổi tiếng ở Huế có thể kể đến Quán chay Liên Hoa (đường Lê Quý Đôn), quán chay Tịnh Lâm Nhi (đường Trường Chinh), quán Thiền Tâm (đường Lê Ngô Cát), quán Bồ Đề (đường Lê Lợi)… Bên cạnh đó còn có các gánh hàng rong chay rất thú vị, phục vụ mọi tầng lớp có nhu cầu.

Về phần ẩm (thức uống) của người Huế gắn liền với Phật giáo đó chính là Trà. Trà trở thành thức uống thiết yếu của người phương Đông, đặc biệt là các nước có sự hoằng truyền của hệ phái Đại thừa Bắc Tông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Nguyễn Bá Hoàn cho rằng: “Mối liên kết giữa Thiền tông với trà được xem là hiển nhiên. Nhất là đối với giới Tăng sĩ Phật giáo, vào thời điểm công phu khuya, thường là ba giờ sáng, khi thức dậy người ta thường pha trà nóng, trước thì dùng hơi trà để hơ mắt, sau đó uống trà để cho tỉnh ngủ, hoặc trước và sau giờ tham thiền, các sư đều dùng trà… Bắt đầu một ngày tu hành của các tăng sĩ- người đã đến với trà và sau một thời gian công phu tham thiền trì tụng kinh điển, người cũng dùng trà để thư giản, tiêu khiển”[36; tr.48].

Ẩm thực Phật giáo trở thành một bộ phận gắn liền với đời sống của cư dân Huế, tạo nên một nét văn hóa mang nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa vùng miền, giá trị triết lý tâm linh, giá trị về nghệ thuật và dinh dưỡng…. Mối quan hệ giữa ẩm thực và văn hóa Huế đã tô điểm thêm nhiều sắc thái cho đời sống văn hóa cộng đồng cư dân nơi đây. Thưởng thức ẩm thực chay ở Huế là một nghệ thuật, luôn mang một nét riêng, ẩn chứa sự khéo léo, tâm tình của người chế biến và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu phong phú đa dạng sẵn có trong không gian sống của chính họ. Ẩm thực của người Huế cũng vì thế mà giản dị, gần gũi nhưng cũng rất thanh cao. Phật giáo đã tạo nên hồn cốt ấy trong tâm thức văn hóa Huế.

Tiểu k t

Huế là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, là nơi được mệnh danh là chốn thiền kinh. Phật giáo từ khi có mặt đã để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy văn hóa Việt. Văn hóa Huế mang những đặc trưng riêng biệt và điều tạo nên hồn cốt chính là sự đóng góp to lớn của Phật giáo.

Phật giáo ảnh hưởng trong lối kiến trúc đặc trưng, hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với đời sống của người dân; Hệ thống kinh sách lâu đời, đặc biệt là hệ thống mộc bản-phương thức để in ấn và lưu giữ kinh sách trở thành những báu vật không chỉ của Phật giáo xứ Huế, Phật giáo Việt Nam mà còn cả dân tộc Việt Nam. Phật giáo còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Huế, trong đó ẩm thực chay trở thành những điều thú vị làm nên diện mạo và đặc điểm ẩm thức xứ Huế. Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Huế, góp phần làm phong phú văn hóa xứ Huế.

CHƢƠNG 3: VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƢỜI DÂN XỨ HUẾ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của phật giáo trong văn hoá huế (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)