7. Câu trúc luận văn
3.3. Vai trò Phật giáo trong văn hóa lối sống người xứ Huế
3.3.1. Ứng xử với thiên nhiên
Đặt trên nền tảng giáo lý Duyên Khởi, Vô ngã, Vô thường, Phật giáo có những ứng xử phù hợp với tự nhiên, với môi trường sống. Trong các bộ kinh Nikaya, Đức Phật dạy về lý Duyên Khởi rằng :
“Cái này có thì cái kia có
Cái này không thì cái kia không Cái này sinh thì cái kia sinh Cái này diệt thì cái kia diệt”
Chính vì vậy, đệ tử Phật đặt mình trong mối quan hệ tương hỗ với những sự vật hiện tượng khác trong chuỗi sinh và tử, tụ và tán, có và không. Sự hình thành và phát triển của con người cũng là sự kết hợp nhân duyên của điều kiện tự nhiên, xã hội, tâm lý, sinh lý. Đó là sự kết hợp của các yếu tố vật chất (tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa) và các yếu tố tinh thần (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), hay nói tổng quát là Ngũ uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do vậy, con người và tự nhiên vốn có mối quan hệ hữu cơ, bền chặt mang tính chất hỗ tương. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống của con người. Khi môi trường bị phá hoại thì sự sống của con người cũng bị tổn thương, bị đe dọa. Từ đó chi phối đến nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Người học Phật phá bỏ đi cái ngã để hòa mình vào với sự vận hành của vũ trụ, sự vận hành của các pháp, không còn xem mình là trung tâm duy nhất và tác dụng
tiêu cực lên môi trường, vạn pháp xung quanh. Như vậy, giáo lý tư tưởng Phật giáo đã hướng dẫn con người cách sống, ứng xử một cách chuẩn mực với môi trường sống, môi trường tự nhiên một cách tích cực nhất.
Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, thì lối sống, ứng xử của Phật giáo càng thêm được quan tâm và phổ biến. Lối sống của Phật giáo sẽ là phương pháp tối ưu để giảm tải những nhu cầu của con người, hạn chế những biến đổi khí hậu.
Người Phật tử nói chung và người dân Huế nói riêng, tinh thần Phật giáo đã tác dụng rất lớn đến lối sống, cách ứng xử với môi trường tự nhiên.
Trước hết, người dân Huế sống một cách bình dị, ưa gần gũi thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên. Những ngôi chùa Huế đa số đều ẩn mình dưới những vùng bán sơn địa, có cả cây lớn, nước mát. Kiến trúc chùa Huế nhỏ gọn, hòa lẫn với cây cối thiên nhiên khiến cho tâm hồn của con người càng thêm tịnh lạc. Chính mô cách sống hòa ẩn, gần gũi thiên nhiên đã ảnh hưởng đến lối kiến trúc đặc trưng của xứ Huế, kiến trúc nhà vườn. Kiểu kiến trúc này chính là biểu hiện của sự hòa hợp với thiên nhiên. Con người sống với thiên nhiên một cách hài hòa, tương hỗ.
Thứ hai, Đức Phật dạy đệ tử của Ngài sống đời sống “thiểu dục tri túc”, tức là ít tham muốn, biết vừa đủ. Phật giáo luôn đề cao sự bền vững của môi trường sống, coi sự thiếu tôn trọng đối với môi trường như là chưa đạt tới Phật tính của mỗi người. Đức Phật luôn khuyên răn Phật tử nên xây dựng cuộc sống giản dị, biết giới hạn nhu cầu của mình trong một chừng mực cần thiết, biết tiết kiệm. Giảm sự vô độ và xa hoa trong tiêu dùng chính là giảm bớt nguyên nhân làm cho tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi và kiệt quệ, giảm thiểu những tác hại mà các thế hệ sau phải gánh chịu do phá vỡ môi trường sinh thái. Đó cũng chính là tinh thần bình đằng trong Phật giáo - bình đẳng thế hệ.
Thứ ba là tôn trọng tự nhiên bằng việc thực hiện ăn chay, tránh sát hại, săn bắn những loài động vật. Phật giáo đề cao ý nghĩa từ bi- nhân đạo đối với môi trường, tôn trọng sự sống của cả con người lẫn loài vật. Quan niệm ăn chay là thực hiện giới cấm sát sinh, làm hại thú vật là một trong những giới cấm căn bản thể hiện nguyên tắc bình đẳng, tinh thần từ bi của Phật tử đối với sự sống của muôn loài. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi, nghiệp báo mà còn theo tinh thần “bình đẳng” nên ý thức mọi loài đều có quyền được sống. Môi trường sống là của muôn loài chứ không phải chỉ dành cho con người. Phật giáo quan niệm vạn loại chúng sanh đều bình đẳng, đều có Phật tính nên con người Phật tử không xem mình là sinh loài có quyền định đoạt, cướp đi sự sống của tất cả các loài khác. Lối ăn chay, không sát sinh trong truyền thống Phật giáo không chỉ như hành động tu dưỡng để kiểm soát Tham, Sân, Si của bản thân trong quá trình đạt tới giải thoát, giác ngộ, mà còn được quy thành “tính thiện” tự giác, từ bi, vị tha của các Phật tử. “Tinh thần ăn chay, “bất sát” của Phật giáo rất gần tới ý thức về đạo đức môi trường hiện đại khi chuẩn hóa lối sống ứng xử thân thiện với môi trường thành giá trị đạo đức của con người giác ngộ”. Như phân tích ở phần trước, người dân Huế đã ảnh hưởng rất nhiều từ Phật giáo trong vấn đề ẩm thực. Quan niệm ẩm thực của người dân Huế chính là biểu hiện của nét văn hóa ứng xử với thiên nhiên, với môi trường sống. Mỗi một người thực hiện ăn chay chính là góp phần trong việc gìn giữ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, tránh sự thiếu hụt trong tương lai, gây thảm họa cho cộng động về sau này.
Như vậy, quan điểm ứng xử của Phật giáo đã tạo nên một cách sống giản dị, bình thản, hòa mình với thiên nhiên của người dân xứ Huế. Năm 2016, Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã công nhận Huế là “Thành phố Xanh quốc gia”. Thiết nghĩ, chính tính cách, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên đã giúp Huế gìn giữ được những giá trị quan trọng này.