2.2.2.1 Khổng Tử
Học thuyết chính trị của Nho giáo tập trung đề cao Đức trị. Đức trong Nho giáo là một phạm trù triết học để chỉ hầu hết các chuẩn mực luân lý, đạo đức trong xã hội, khác với phạm trù đức trong triết học của Lão Tử. Đức bao gồm cả nhân, lễ, tín, dũng...trong đó, nhân là khái niệm hạt nhân.
Con người, theo quan niệm của Nho giáo, là cái đức của trời, sự giao hợp âm dương, sự hội tụ của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành
Cho nên, về bản chất là giống nhau, đều có chung bản chất Người - Nhân - nhưng do hoàn cảnh sống khác nhau, đã hình thành những nhân cách khác nhau. Bằng sự học tập, tu dưỡng không ngừng dần dần con người hoàn thiện mình mà
77
trở thành người có Nhân. Con người là đơn vị của gia đình, gia đình là đơn vị của xã hội, từng người có Nhân, thì cả xã hội sẽ trở thành xã hội nhân nghĩa, thịnh trị. Nguyên tắc Đức trị là người trên nêu gương, người dưới tự giác noi theo.
Hạt nhân của triết học Khổng Tử là điều nhân. Chúng tôi sẽ cập sâu hơn vấn đề này ở chương nhân sinh quan ở đây chỉ xin tóm tắt những ý chính dể tiện theo dõi chủ trương đức trị của Nho gia.
Khổng Tử nói: “Có thể làm được năm điều trong thiên hạ, là thi hành nhân chính...Đó là: cung kính, khoan dung, thành tín, cần mẫn và có ơn huệ. Cung kính thì không khinh nhờn; khoan dung thì được lòng mọi người; thành tín thì được mọi người tín nhiệm; cần mẫn thì nên công; có ơn huệ thì dễ sai khiến người...Đạo nhân đối với người dân còn còn thiết hơn nước và lửa. Với nước và lửa, ta từng thấy có người dẫm đạp lên mà chết, chứ chưa hề thấy ai dẫm đạp lên điều nhân mà chết.(17. 568)
Đạo nhân là hạt nhân của hệ thống lý luận của Khổng Tử, những điều thuộc về các phương diện chính trị, luân lý,v.v. cũng đều từ đó mà ra, đều từ đạo nhân mà ra và do nó quyết định. Đạo nhân là tinh thần hoàn mỹ tốt đẹp nhất, là nền tảng quyết định tất cả. Chữ nhân trong sách Luận Ngữ được nhắc tới gần 150 lần, nhưng bản thân Khổng Tử cũng chưa đưa ra được định nghĩa rõ ràng về chữ nhân. Tuy nhiên, có thể xem xét nội dung của nhân khi đặt nó trong quan hệ vơi các khái niệm khác, như trí, nghĩa...đặc biệt là khái niệm lễ. Chẳng hạn, nhân gắn liền với nghĩa những gì đáng làm thì phải làm, không tính toán vụ lợi cho bản thân: các cư xử của người quân tử không nhất thiết phải thế này mới được, không nhất định như kia là không được, cứ hợp nghĩa thì làm; Hoặc, nhân giả tất hữu dũng. Nhưng có thể nói, theo quan niệm của Khổng Tử, nhân là nội dung của lễ, lễ là hình thức của nhân, khôi phục lễ là mục đích hướng tới, còn nhân là phương tiện để khôi phục lễ. Lễ mà Khổng Tử đề cập tới là lễ nghi, quy phạm đạo đức của nhà Chu, một thời đại lịch sử mà Khổng Tử ái mộ. Do vậy, Khổng Tử đã sử dụng một phạm trù đạo đức ngang hàng với lễ, và mang tính phổ biến làm nội dung cho lễ, đó là nhân. Bởi thực
78
chất, lễ nhà Chu là chuẩn mực đạo đức chỉ có ở tầng lớp quý tộc: lễ không xuống tới thứ dân, mà chính trị không thể dựa vào nhóm người nhỏ bé ấy được, cho nên Khổng Tử đã đưa ra phạm trù đạo đức có vẻ siêu giai cấp và tương đối mập mờ này, để dung hoà sự đối lập giữa các tầng lớp trong xã hội Xuân thu lúc bấy giờ. Nhân vừa là động cơ, vừa là tình cảm đạo đức chủ quan, vừa là ý chí, vừa là sự phản tỉnh lương tâm, vừa là trí tuệ. Xây dựng những nội dung đó cho chữ nhân, Khổng Tử mong muốn kêu gọi tính tự giác trong mỗi con người trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp quý tộc khi hành xử bất cứ điều gì. Nhưng bên cạnh đó, phạm trù lễ là tiêu chuẩn, là thước đo danh phận đẳng cấp. Nó được Khổng Tử xem như quy phạm có tính bắt buộc đối với mỗi cá nhân để duy trì trật tự xã hội. Vượt qua cái điển chế đó, anh ta sẽ phạm vào điều nhân. Học thuyết chính danh của Khổng Tử chính là sự điển chế lại lễ. Danh, lễ, nghĩa có quan hệ mật thiết với nhau: danh để đặt ra đạo nghĩa, đạo nghĩa để đặt ra lễ. Lễ mà Khổng Tử nói tới không những là một nguyên tắc chính trị, một văn bản về nghi tiết, mà nó còn là một thứ chế độ. Đó chính là nguồn gốc của cái gọi là lễ trị. Có thể nói, điểm tựa của lễ trị là học thuyết chính danh. Học thuyết chính danh, một mặt, nhằm chống lại sự sa đọa của tầng lớp quý tộc, mặt khác, nhằm khuyến cáo về sự việt vị của tầng lớp thứ dân. Danh nằm trong mối quan hệ với thực, điều đó có nghĩa là, ai ở địa vị xã hội nào, thân phận nào thì hãy giữ nguyên phẩm trật ấy, giữ nguyên cả quyền lợi và nhiệm vụ ấy: quân quân, thần thần...Chính danh còn có nghĩa là không giữ chức vị nào thì không mưu tính việc của chức vị đó: “thiên hạ có đạo thì chế độ lễ nhạc, hiệu lệnh chinh phạt phát ra lệnh vua thiên tử, thiên hạ không có đạo, thì chế độ lễ nhạc, hiệu lệnh chinh phạt phát ra từ vua chư hầu... thiên hạ có đạo thì dân thường không bàn riêng việc nước”[sđd, tr.597-598]. Do vậy, để thực hiện được chính danh, theo Khổng Tử phải dựa vào sự tự giác của tầng lớp quý tộc, và giai cấp thống trị trong xã hội, từ thiên tử trở xuống đến vua chư hầu, đại phu hay kẻ sĩ..., dựa vào sự tự tu dưỡng của họ. Mệnh đề nổi tiếng của Khổng Tử: “Chính giả, chính dã”, đây là nguyên tắc nêu gương, trước hết mình phải ngay thẳng mới có thể chỉ đạo, tạo ảnh hưởng có hiệu quả tới người khác.
79
Trên cơ sở nguyên tắc chính trị vừa nêu trên đây, chúng tôi tiếp tục trình bầy đường lối trị quốc của ông.
Nguyên tắc trị dân
Trước hết, phải làm cho dân đủ ăn, đủ mặc. Đó là nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu của nhà cầm quyền: dân đông rồi, phải làm cho dân giàu, dân giàu rồi thì phải dạy dân. Dân có no bụng thì mới có thể dạy lễ nghĩa cho họ được, bởi dân lấy ăn làm đầu. Muốn cho dân giàu thì triều đình phải bớt xa xỉ, tiêu dùng hoang phí, muốn vậy, hãy giảm nhẹ tô, thuế cho dân: “phải thận trọng trong mọi việc mà giữ chữ tín, tiết kiệm việc chi tiêu mà thương yêu người, sai khiến dân phải hợp thời” [sđd, tr.200]. Sai khiến dân hợp thời là tạo điều kiện thuận lợi cho dân làm ăn, không bắt dân đi xâu trong mùa gặt hái chẳng hạn. Theo Khổng Tử sự bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế là một trong những nguyên nhân gây nên mất ổn định trong xã hội: không lo thiếu mà chỉ lo sự phân phối không bình quân (công bằng), không lo dân ít mà lo xã tắc không yên. Phân phối quân bình thì dân không nghèo; hoà thuận thì dân sẽ không ít, như vậy xã tắc sẽ yên ổn, chinh quyền sẽ không nghiêng đổ.
Bên cạnh việc nuôi dưỡng dân, việc giáo dục cho dân cũng không kém phần quan trọng. Theo Khổng Tử, không dạy dỗ dân, giáo hoá cho dân mà trừng phạt dân mỗi khi họ phạm lỗi thì đó là tội ác của kẻ trị dân, ông gọi là kẻ bạo, ngược. Dạy dân có hai cách, một là tự lấy mình làm gương cho dân theo, hai là giảng đạo cho dân. Khổng Tử thiên về hình thức thứ nhất. Do đó, ông cho việc tu thân là khởi điểm của người làm chính trị, nếu không sửa mình làm sao sửa cho người được. Tư cách của người trên là điều cần thiết nhất trong chính sự, nó là điều kiện cần để người dân lấy đó mà theo: Người trên mà thích điều lễ thì dân không ai dám bất kính; người trên mà thích điều nghĩa thì không ai dám không phục; người trên mà thích điều tín thì không ai dám không phục tùng. Khi người cai trị có đức thì sẽ như gió thổi làm rạp cỏ. Như vậy, có thể nói rằng, bên cạnh việc giáo dục để gia tăng tri thức, thì điều quan trọng hơn là giáo dục là để bồi dưỡng nhân cách. Người dân có văn hoá dễ dàng dùng đức để trị hơn. Tất nhiên, trong xã hội không phải ai cũng tự giác làm theo người khác, khi đó phải mở trường dạy cho họ. Phương châm giáo
80
dục của Khổng Tử là không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp xuất thân, dĩ giáo vô loại. Có lẽ vì vậy mà Khổng Tử có đông học trò đến như thế. Nhưng những hạng người không thể giáo hoá được thì buộc phải dùng đến hình phạt, mặc dù Khổng Tử là người rất không thích điều này, bởi ông quan niệm: dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội, nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đức để dẫn dắt dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép thì dân biết hổ thẹn mà theo đường chính. Hình phạt chỉ là sự bổ sung cho lễ giáo.
Nội dung chính mà Khổng Tử muốn dạy là lễ và nhạc. Hai thứ đó, một cái nhằm xác lập trật tự đẳng cấp trong xã hội-lễ, một cái xoa dịu đi cái trật tự bất bình đẳng ấy-nhạc.
Nguyên tắc trị quan
Khổng Tử chủ trương đào tạo một tầng lớp nho sĩ chuyên nghiệp, họ chính là đội ngũ những người mang học thuyết đức trị của ông ra thực hành cai trị thiên hạ. Họ là những kẻ sĩ trong thiên hạ, tấn vi quan, thoái vi sư. Đội ngũ các nho sĩ trước tiên đều phải tu thân, rồi mới tham gia quản lý các tổ chức xã hội từ nhỏ tới lớn: tề gia - trị quốc – bình thiên hạ. Có hai con đường để làm quan. Một là, theo chế độ truyền tử, con cái nhà quý tộc quan lại, tiếp tục được kế thừa chức vụ của các thế hệ trước. Hai là, những người thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội được học hành đến nơi đến chốn, được tuyển chọn, tiến cử làm quan. Khổng Tử đánh giá cao loại thứ hai, họ là những quân tử không do địa vị giai cấp tạo nên, mà do sự tự nỗ lực của bản thân tu luyện đạo đức, trí tuệ, đau đáu một nỗi niềm cứu đời, giúp người. Chức vụ càng cao thì tư cách đạo đức, trí tuệ phải càng lớn, do vậy hạng quan thứ hai thường làm việc có hiệu quả hơn. Tư tưởng này của Khổng Tử về sau rất được các triều đại Trung Quốc, kể cả Việt Nam sử dụng trong tuyển chọn nhân tài giúp nước, qua các kỳ thi. Đây là một tư tưởng có giá trị nhất định, nó cho phép con em tầng lớp bình dân có trí tuệ có thể gia nhập tầng lớp quý tộc, xoá bỏ chế độ đẳng cấp ngặt nghèo, nó khuyến khích người ta đua nhau học tập. Nhưng mặt trái của nó cũng chính là ở đây, nó tạo ra tâm lý bất bình đẳng nghề nghiệp trong xã hội: bách nghệ giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao, khiến cho khoa học công nghệ không phát triển. Cái di căn đó, Việt Nam chúng ta vẫn đang chịu hậu quả.
81
Quan lại là đại diện cho vua để trị dân, hành vi ứng xử của quan đại diện cho hành vi ứng xử của triều đình, cho nên Khổng Tử rất xem trọng phẩm chất đạo đức của người làm quan. Ông cho rằng, học tập có vai trò quyết định đối với việc hình thành nhân cách, chỉ có học tập mới phân biệt được phải trái: “Chuộng điều nhân mà không ham học thì mối che lấp là ngu muội; chuộng nết trí mà không ham học thì mối che lấp là phóng đãng; chuộng chữ tín mà không ham học thì mối che lấp là sự tổn hại; chuộng sự ngay thẳng mà không ham học thì sự che lấp là mối phản loạn; chuộng tính cứng cỏi mà không ham học thì mối che lấp là tính cuồng bạo’’[sđ d, tr.622].
Thái độ trung dung là phẩm chất cần thiết của người cai trị, trung dung là phương pháp xử thế, là đạo nhân hướng ngoại của tầng lớp cai trị – quân tử. Bởi khi có quyền lực trong tay, người ta thường có xu hương lộng quyền, coi thường đạo lý nhằm thoả mãn dục vọng cá nhân, cho nên việc giữ cho tâm thăng bằng, nhằm có những hành động thích đáng trong mọi hoàn cảnh là điều cần thiết.
Khổng Tử đề xuất chính sách trọng dụng người hiền làm người cai trị cho quốc gia. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của bộ máy cai trị. Tinh thần tôn hiền không phải đến Khổng Tử mới có, nhưng Khổng Tử lại là người đưa tinh thần tôn hiền thành chính sách cho bộ máy cai trị. Chính sách trọng người hiền thể hiện ở một số nội dung sau: thứ nhất, người hiền là người chính trực, có nhân, họ sẽ là tấm gương cho bề dưới noi theo; thứ hai, chọn người theo tài đức, năng lực, cứ không tính đến nguồn gốc xuất thân; thứ ba, chọn người biết tập hợp quần chúng nhưng không gây bè kết đảng; thứ tư, không quá cầu toàn, tuỳ theo khả năng mà đặt vị trí; thứ năm, thưởng phạt công minh, trọng hiền phải đi kèm với trừ ác.
Xây dựng quan hệ quan - dân
Khổng Tử đưa ra các nguyên tắc quan hệ giữa quan và dân: nếu người cai trị biết cung kính thì sẽ không bị khinh nhờn, dân sẽ theo học hiếu lễ; nếu người cai trị biết nhân hậu thì sẽ được lòng người; nếu người cai trị biết thành tín thì được dân tín nhiệm; nếu người cai trị cần mẫn thì dân sẽ thưởng công; nếu người cai trị làm ân huệ thì sẽ dùng được người; nếu người cai trị mà biết ghét kẻ a
82
dua, nịnh nọt thì người dân bớt cãi nhau; nếu người cai trị biết can đảm, dũng mãnh thì người dân biết tự trọng.Trong những điều kể trên: nhân hậu để yên dân, cần mẫn để giúp dân, làm ân hụê là ban ơn cho dân, thương dân, thể hiện rõ nét nhất đường lối nhân trị của Khổng Tử. ở một khía cạnh nào đấy, ông cũng là người đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Kế tục và phát huy đường lối đức trị của Khổng Tử có nhiều vị, nhưng xuất sắc hơn cả, trước tiên phải kể đến Mạnh Tử, vị á thánh của Nho giáo.
2.2.2.2 Mạnh tử (390-305 TCN)
Bối cảnh xã hội thời Mạnh Tử đã có nhiều sự thay đổi lớn so với thời của Khổng Tử. Các chư hầu hàng ngày hàng giờ vứt bỏ các chuẩn mực đạo đức cũ, tiến tới xác lập những chuẩn mực xã hội mới; Những gia tộc lớn tiến tới chi phối của cải của xã hội, sức lao động của xã hội bị khủng hoảng; Tầng lớp xã hội cũ ngày một suy tàn và mục nát liên tục gây ra những cuộc chiến tranh khiến trăm họ lầm than đói rách. Ông kết luận: Nếu cứ cái đạo hại dân thời nay, mà không thay đổi cái thói chạy theo việc làm giàu, chạy theo sức mạnh, thì dù có đem thiên hạ mà cho, cũng đến tranh cướp nhau, không thể yên được một ngày. Mạnh Tử ôm ấp hoài bão xây dựng một chế độ xã mới, nhưng theo khuôn mẫu của Nghiêu, Thuấn.
Là một nhà Nho, tư tưởng chủ yếu nhất trong triết học của ông là triết lý nhân sinh, mà trọng tâm của nó là thuyết tính thiện, xem bản chất con người là thiện, ông đã xây dựng học thuyết chính trị của mình trên nền tảng triết học ấy. Đó là học thuyết chính trị nhân chính nổi tiếng của ông.
Nhân chính là nguyên tắc chính trị lấy đạo nhân làm gốc. Theo Mạnh Tử,