Tư tưởng kinh tế của Nho gia

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thế giới quan trong triết học trung quốc cổ đại luận án TS triết học 62 22 80 05 (Trang 121 - 125)

2.3.2.1 Tư tưởng kinh tế của Khổng Tử

Tư tưởng kinh tế của Khổng tử nhất quán với học thuyết của ông, đó là chủ nghĩa đạo đức cần Đạo không cần ăn. Khổng tử không bàn nhiều và trực tiếp về kinh tế, nhưng đọc các trước tác của ông để lại, ta có thể khái quát lại thành một số điều sau: 1) Đề cao Đạo xem thường lợi: “ Cầu đạo không cầu thực. Cày cấy là việc chẳng hay ho gì; đọc sách mới là việc đáng làm. Người quân tử lo Đạo, không lo nghèo.”. Châm biếm tư tưởng này ca dao Việt Nam có câu: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. 2) Coi thường lao động chân tay. Điều này là hệ quả của điều trên; 3) Trong quan hệ với tài sản chủ trương bình quân: “ không sợ ít chỉ sợ không đều, không sợ nghèo chỉ sợ không yên.”;

Có thể thấy tư tưởng kinh tế của Khổng Tử là xem thường hoạt động lao động sản xuất, cho nên trong quan hệ phân phối tất yếu ông đề xuất tư tưởng bình quân, bởi không sản xuất lấy đâu ra của cải mà chia, đã không có của cải mà chia lại không đều thì chắc chắn xã hội sẽ loạn. Hơn nữa, ông còn phê phán những ai nói đến điều lợi. Chính những điều này đã làm cho những nước chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo không xem trọng phát triển kinh tế. Tâm lý tiểu nông an phận thủ thường, không dám sáng tạo, chinh phục thiên nhiên, tạo ra một sức ỳ ghê gớm, bóp chết bao nhiêu tư tưởng, thành tựu khoa học.

2.3.2.2 Tư tưởng kinh tế của Mạnh Tử

Trong ba cự Nho thời tiên Tần, Mạnh Tử là người bàn về kinh tế trực tiếp nhất, sâu sắc nhất. Chỉ tập trung trong ba bài: Lương Huệ vương, thượng, bài 3, bài 7; Đằng Văn Công, hạ, ông đã trình bầy khá rõ những tư tưởng kinh tế cốt yếu của mình. Trong tư tưởng của ông vấn đề trọng dân nổi lên hàng đầu. Cụ thể như sau.

119

Thứ nhất, phát triển kinh tế là nhân tố quan trọng để ổn định chính trị. Theo

ông, vua lấy dân làm gốc, dân lấy ăn là gốc, nếu những sinh hoạt tối thiểu của dân không được đáp ứng thì xã hội sẽ loạn. Một chính quyền như vậy là một chính quyền lừa dối dân: “ dân thường thì hễ không có hằng sản sẽ dẫn đến chỗ không có hằng tâm. Nếu không có hằng tâm sẽ trở nên phóng túng, càn rỡ, dối trá, việc gì cũng dám làm.Khi người ta phạm tội thì cứ vin vào đó mà gia hình, thế là giăng lưới bẫy dân vậy. Lẽ nào người nhân ngồi trên ngôi báu mà việc bẫy dân cũng dám làm.” (17.758)

Thứ hai, phát triển kinh tế phải đi kèm với phát triển giáo dục. Theo chúng

tôi, các nhà Nho là những người đầu tiên trên thế giới nghĩ đến chuyện phát triển bền vững. Một nền chính trị ổn định, một nền kinh tế phát triển mà chủ nhân của nó thiếu giáo dục, tri thức thì đó chỉ là sự thịnh vượng giả tạo. Cho nên, Mạnh Tử rất chú trọng đến việc giáo hoá dân chúng. Ông cho rằng chính trị tốt không bằng giáo dục tốt. Khác với Khổng Tử chỉ nói rằng: “cần phải làm cho dân giàu, dân giàu rồi thì giáo hoá dân”, mà chưa nói tới phải làm thế nào cho dân giàu, Mạnh Tử đã chỉ ra cơ sở kinh tế cho việc làm giàu của dân, sau đó mới giáo hoá dân: “ Mỗi nhà được cấp năm mẫu đất, trồng thêm cây dâu, thì người năm chục tuổi được mặc lụa là... Khu ruộng một trăm mẫu, được canh tác đúng thời vụ thì một nhà tám miệng ăn cũng không đến nỗi đói vậy. Cẩn thận chăm lo việc giáo dục nơi nhà tường nhà tự, vạch rõ ý nghĩa của nết hiếu, nết đễ thì người đầu đốm bạc không phải đội nặng, gánh gồng trên đường xá. Người già được mặc lụa là, được ăn thịt, trai trẻ không đói không rét, thế mà nước không hưng vượng là chuyện chưa hề xảy ra vậy” (17.759) “ Lập nên những nhà tường, nhà tự, nhà hiệu để dạy dân. Tường là trường dạy dân biết phụng sự người già, hiệu là trường dạy dân về văn hoá, đạo đức; tự là nơi dạy bắn cung... Các trường ấy đều dạy dân biết nhân luân. Bề trên mà làm sáng tỏ luân thường thì bề dưới thân yêu hoà mục với nhau.” (17.933)

Thứ ba, nước giàu đồng nghĩa với dân mạnh, muốn làm cho dân mạnh thì

phải mở rộng quan hệ sở hữu với tư liệu sản xuất, mà cụ thể là ruộng đất, và có một chính sách thuế hợp lý, phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Người ta nói

120

nhiều về chế độ tỉnh điền mà Mạnh Tử muốn khôi phục lại, nhưng ở phần 1.3 chúng tôi đã trình bày, đến giai đoạn này, chế độ tỉnh điền ngày một tan rã, Tấn Hiếu Công là người đầu tiên bỏ chính sách tỉnh điền năm 350 TCN, đến thời Mạnh Tử đa số các nước đã bỏ chế độ tỉnh điền rồi. Cho nên, mặc dù hoài cổ, Mạnh Tử theo chế độ ruộng đất của nhà Chu, nhưng Mạnh Tử cũng đã nhận thức được một xu thế kinh tế mới, cụ thể là quan hệ sở hữu ruộng đất mới đang lên, ông đã đề xuất phương thức tính thuế mới phù hợp với thời đại, làm cho kẻ giàu không giàu quá, kẻ nghèo không nghèo quá: “Việc nhân chính khởi đầu ở chỗ định rõ ranh giới ruộng đất. Ranh giới ruộng đất không rành rọt thì việc chia ruộng đất theo phép tỉnh điền chẳng đều, bổng lộc chia cho các quan chẳng công bằng. Vì thế, các vị vua hung bạo quan lại tham nhũng thường lơ là việc phân định lại ranh giới ruộng đất (để thu cho nhiều). Ranh giới ruộng đất đã rành rọt ắt việc chia ruộng đất và ấn định bổng lộc cho các quan có thể ngồi một chỗ mà xác định rõ ràng.”; Ông đề xuất chính sách thuế mới: “ nơi thôn quê nên theo phép trợ, thu một phần chín lợi tức của dân, nơi đô thành nên đánh thuế, lấy một phần mười lợi tức. Từ hàng quan khanh trở xuống, các quan ai cũng có khuê điền. Khuê điền của các quan là năm chục mẫu.” (17.934).

Cũng cần nói qua về một số cách đánh thuế nông nghiệp thời xưa. Cách đánh thuế thời xưa bao gồm một số hình thức: cống, trợ, triệt. Cống là cách đánh thuế ruộng của nhà Hạ, mỗi gia đình được cấp năm chục mẫu ruộng, thu lợi tức năm mẫu, tức là lấy đi một phần mười lợi tức. Trợ là cách đánh thuế ruộng của nhà Thương và triệt là cách đánh thuế của nhà Chu, hai cách giống nhau ở chỗ chia ruộng đất thành chín khu - phép tỉnh điền - trong đó khu giữa là công điền, tám khu chung quanh là của tám hộ, canh tác bao nhiêu thì được hưởng trọn vẹn bấy nhiêu, và cùng nhau canh tác trên công điền, hoa lợi thu được trên mảnh đất này hoàn toàn thuộc về nhà vua. Như vậy, theo cách tính này, thì nhà vua được hưởng một phần chín hoa lợi của nông dân. Phép trợ và phép triệt chỉ khác nhau ở diện tích cấp phát: nhà Thương cấp cho dân bảy chục mẫu, nhà Chu cấp cho dân một trăm mẫu.

121

Trong chính sách thuế, ông cũng đề xuất việc dung hoà hai thứ thuế để sao cho dân vừa có sức nộp, vừa đủ để nuôi sống gia đình: “ Có ba phép đánh thuế: bằng vải sợi, bằng thóc lúa và bằng sưu dịch. Người quân tử chỉ áp dụng một phép mà hoãn cho dân hai phép kia. Nếu áp dụng hai phép đánh thuế (cùng lúc) thì dân chúng có kẻ đói, nếu áp dụng cùng lúc cả ba phép thì cha con phải lìa nhau.”(17.1361). Theo cổ chế, mùa hạ đánh thuế vải sợi, áp dụng cho nghề tằm tơ, mùa thu lấy thuế lúa gạo, áp dụng cho nhà nông, mùa đông nhà nông rảnh rỗi có thể bắt đi sưu dịch (đắp đê, sửa sang đường sá...việc công ích nói chung). Cho nên, Mạnh tử đề xuất việc không đánh cùng lúc nhiều thứ thuế là nhằm bảo vệ sức lao động cũng như tài sản cho dân duy trì sự sống. Ônh kịch liệt lên án nhà cầm quyền thu thuế trái vụ, và sống xa hoa trên mồ hôi và xương máu của dân.

Hình thức cải cách ruộng đất, cải cách chế độ thuế khoá của Mạnh Tử được nhiều đời sau áp dụng. Nó là công cụ hữu hiệu để điều hoà mâu thuẫn trong quan hệ giai cấp.

Thứ tư, phát triển kinh tế phải tiến hành cùng với việc bảo vệ môi trường

sinh thái. Theo Mạnh Tử, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con người khai thác không phải là vô tận, do vậy cần giữ gìn để tạo sự cân bằng và duy trì được việc khai thác đó lâu dài: “ Đừng cho quăng lưới nhiều lần vào hồ ao, thì cá, rùa ăn chẳng hết. Búa rìu lên rừng núi (đẵn cây) phải lúc, thì gỗ dùng chẳng hết. Lúa gạo và rùa cá ăn chẳng hết, gỗ tốt dùng chẳng hết, khiến dân có thể nuôi người sống, chôn cất người chết, chẳng còn hờn oán gì... Đó là bước đầu của việc thi hành vương đạo vậy.”(17.723).

Thứ năm, phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện an sinh xã hội. Bên cạnh

việc giáo hoá dân, Mạnh Tử còn đặc biệt quan tâm đến những đối tượng người già neo đơn không nơi nương tựa, họ đáng là những kẻ được quan tâm đầu tiên trong xã hội. Ông khuyên Tề Tuyên Vương: “ Ông lão không vợ gọi là quan, bà lão không chồng gọi là quả, người già không con gọi là độc, trẻ thơ mất cha gọi là cô. Đó là bốn hạng người trong thiên hạ không có nơi nương tựa. Ngài nên quan tâm đến bốn hạng người đó trước nhất.” (17.786).

122

Thứ sáu, cũng giống như Mặc Tử, ông phản đối chiến tranh. Chiến tranh chỉ

đem lại những khổ đau, mất mát cả người lẫn của. Người dân vô tội bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến sẽ không bao giờ có thể an cư lạc nghiệp. Cuối cùng, cho dù sau chiến tranh phần thắng thuộc về ai, thì người dân cũng lại trở về với bàn tay trắng, ấy là chưa kể đến những thương tật suốt đời họ mang, quyền lợi thì giai cấp thống trị hưởng.

Thứ bảy, mặc dù bàn khá nhiều các vấn đề kinh tế, nhưng Mạnh Tử cũng

không thoát ra khỏi cái bóng của Khổng Tử, đó là tư tưởng phản đối điều lợi: “ hà tất nói lợi, chỉ nói tới nhân nghĩa thôi.”(17.712); phản đối thương nhân: “ những người đàn ông ty tiện thì hay đầu cơ. Mọi người thấy nó kiếm lợi đều cho là ty tiện, đều công kích nó. Việc buôn bán là do bọn ty tiện gây ra.” Khổng Tử muốn tiền phú hậu giáo, nhưng phi thương bất phú, thế chẳng phải là xây nhà trên cát hay sao?

Tóm lại, bên cạnh những giá trị nhân đạo trong tư tưởng kinh tế của Nho gia như chúng tôi đã trình bày ở trên, thì cũng không ít tư tưởng mang tính lạc hậu, phản phát triển. Đó là: 1. Việc coi làm giàu là không lương thiện, khuyến khích mọi người sống an bần lạc đạo, tự hào với cái nghèo khổ.; 2.Việc cho rằng giàu có và đạo đức là hai điều mâu thuẫn nhau, người có đức thì không giàu, người giàu là người không có đức. Trên thực tế, phải giàu có thì mới có điều kiện thi hành đạo đức.; 3. Việc coi trọng kẻ lao tâm, người làm công tác lý luận, mà coi thường người lao lực, người làm công tác thực tiễn. Lý luận và thực tiễn phải kết hợp lại mới cho kết quả đúng đắn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thế giới quan trong triết học trung quốc cổ đại luận án TS triết học 62 22 80 05 (Trang 121 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)