2.2.3.1 Đường lối chính trị của Lão Tử
Nếu như Nho gia ra sức kêu gọi các bậc minh quân, thánh chúa hãy dùng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp để khôi phục lại một trật tự xã hội đã đi vào lịch sử, nhà Chu, thì Đạo gia lại chủ trương giảm thiểu, thậm chí giải tán chính quyền,đưa xã hội loài người về sống tự nhiên như thuở khai thiên lập địa, từ bỏ cái xã hội đang ngày một phong kiến hoá để trở về xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Cả Lão Tử lẫn Khổng Tử đều muốn phục cổ, nhưng cách đặt vấn đề và đường lối trị quốc của họ lại trái ngược nhau. Nguyên lý trị quốc của Nho gia là nhập thế để cải tạo xã hội. Nguyên lý trị quốc của Lão Tử có thể gói gọn vào câu: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên- người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước tự đạo, đạo bắt chước tự nhiên”. Mà cái đạo đã vô vi mà lại vô bất vi, thì cái xã hội loài người được sản sinh ra từ đạo cũng phải vô vi mà lại vô bất vi. Lão Tử muốn nhập làm một thiên đạo với nhân đạo. Trong triết học chính trị của Lão Tử chỉ có đường lối, nguyên tắc trị quốc chứ không có biện pháp cụ thể như Nho giáo. Triết học chính trị của Lão Tử dựa trên hai tiền đề triết học: một là luật phản phục, hai là triết lý vô vi. Luật phản phục, theo Lão Tử, có hai nghĩa, một là sự tuần hoàn,” vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”; hai là trở về gốc tự nhiên, tức là trở về cái vô, vì theo quan niệm của Lão Tử vạn vật do hữu sinh ra, hữu lại do vô sinh ra. Vô vi có ba nghĩa chính như sau: 1. Những quy luật của tự nhiên, là cái vốn có, tồn tại một cách khách quan; 2. Vô vi là không ràng buộc, là tự do tuyệt đối; 3. Vô vi là thuận theo bản năng.
Trị dân theo triết lý vô vi bao hàm một số nội dung sau. Thứ nhất, vô vi nghĩa là thu hẹp phạm vi chính sự, giảm thiểu vai trò của chính phủ đối với đời sống chính trị của dân. Có dẫn chứng ra đây một số câu:
- Ta vô vi mà dân tự hoá, ta ưa tịnh mà dân tự chính, ta vô sự mà dân tự giàu, ta không dục vọng mà dân tự thành chất phác. (58. 215);
94
- Theo Đạo, càng ngày càng bớt, đến mức vô vi. Không làm mà không gì không làm. Thường dùng vô vi thì được thiên hạ, bằng dùng hữu vi thì không đủ trị thiên hạ. (58. 231)...
Cai trị dân theo triết lý của Lão Tử là để dân tự thích nghi, tự dàn xếp lấy cuộc sống của họ, càng can thiệp vào cuộc sống của dân càng khiến họ thêm nghèo, thêm khổ, xã hội càng loạn: “ Thiên hạ càng kiêng kị thì dân càng nghèo; nhân dân càng nhiều lợi khí thì nước nhà càng tối tăm. Người càng nhiều kỹ xảo thì vật lạ càng nảy sinh. Pháp lệnh càng rõ thì trộm cướp càng nhiều.’’ (58. 275). Không can thiệp đến đời sống của dân cũng có nghĩa là không cần phải giáo hoá dân, dạy dân về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín...nghĩa là để dân sống tự do với chính bản năng của dân. Luân lý xã hội chỉ đem lại sự tha hoá dân mà thôi. Không trọng nhân nghĩa, không trọng trí tuệ tất yếu không trọng người hiền. Trọng người hiền sẽ khiến dân tranh nhau, dân tranh nhau tất xã hội sẽ loạn: “ lấy tài trí mà cai trị nước là hại nước. Không lấy tài trí mà cai trị nước mới là phúc.’’. Thứ hai, vô vi nghĩa là đưa xã hội trở về với cuộc sống tự nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên: “ Thánh nhân dùng vô vi để xử sự, dùng bất ngôn để dạy dỗ, để cho vạn vật sinh trưởng tự nhiên mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của riêng “ (58. 45); để mọi người dân trong sáng, giản dị, hồn nhiên như những đứa trẻ sơ sinh.
Trị dân theo triết lý phản phục thể hiện ở hai nội dung. Một là, cai trị quốc gia dựa trên sự cân bằng của các lực lượng đối lập, thủ tiêu mâu thuẫn không phải bằng cách đấu tranh giữa các mặt đối lập mà bằng cách đưa chúng về vị trí xuất phát: “ Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà sinh quan niệm về cái ác’’ (58. 39). Do không có quan niệm về cái đối lập thì sẽ không có hành vi đối lập: “ Không trọng hiền khiến dân không tranh. Không trọng vật quý khó được, khiến dân không cướp giành. Không có lòng tham muốn, khiến dân không cướp loạn.Thuật trị nước của thánh nhân là khiến cho dân hư tâm, bụng no đủ, chí yếu mềm, xương cốt khoẻ...’’ (58. 45); Nói tóm lại là đưa các sự vật hiện tượng về trạng thái vô. Hai là, cai trị theo theo quy luật vật cực tắc phản. Thực tế là phương
95
pháp nắm thời cơ trên cơ sở hiểu biết, nắm được tính tất yếu của quy luật. Cai trị trên cơ sở nắm được quy luật mới thực sự là vô vi nhi trị, vô vi nhi vô bất vi. Ví dụ thủ đoạn giành chính quyền: “ Ai muốn ngồi trên dân thì tất phải lấy lời mà hạ mình, muốn đứng trước dân, tất lấy mình để lại sau dân. Vậy nên thánh nhân ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy hại. Vì thế, thiên hạ không thấy chán mà còn đẩy tới trước, là vì, không tranh với ai nên không ai tranh với mình được’’ nhún mình là hình thức đề cao mình tức là nhún
để nhảy;...
Học thuyết chính trị của Lão Tử căn cứ vào tính chất vĩnh viễn không thay đổi của tự nhiên để quy nó thành quy luật bất biến của xã hội, cho rằng cái mô hình xã hội nước nhỏ dân ít là xã hội lý tưởng, cũng vĩnh viễn không thể khác được, nếu khác đi sẽ hỏng, thực chất lại là quan niệm siêu hình về lịch sử. Triết học của Lão Tử rất biện chứng, nhưng chính trị học của ông trong từng chi tiết thì biện chứng, toàn hệ thống lại siêu hình.
2.2.3.2 Đường lối chính trị của Trang Tử
Nếu như triết học chính trị của Lão Tử là vô vi nhi trị nhưng là vô vi theo nghĩa xắp đặt mọi hành vi chính trị của con người theo quy luật của tự nhiên thì chủ trương chính trị của Trang Tử cũng lại là vô vi nhưng là sự vô vi tuyệt đối nhằm đem lại sự tự do tuyệt đối cho mỗi cá nhân, một sự tự do theo nghĩa là sống hoàn toàn theo bản năng. Tiền đề triết học chính trị của ông là quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Chúng ta đã có hai chương 1, 3 bàn kỹ về vấn đề này, ở đây chỉ xin đề cập đến đường lối chính trị chủ yếu của ông dựa trên các tiền đề triết học ấy mà thôi. Thứ nhất, mỗi con người có cá tính, có bản năng và khả năng riêng. Những thứ đó là sự hoà hợp của Đạo và Đức, Đạo là nguồn gốc sinh ra sự vật nói chung và con người nói riêng, Đức là cái Đạo biểu hiện ra ở mỗi con người, là cái khả năng vốn có. Đó là tính tự nhiên vốn có, hạnh phúc chính là sống theo thuận với những gì tự nhiên ban cho.Thứ hai, vạn vật, trong đó có con người, cùng sinh ra từ một gốc, chỉ hình dáng là khác nhau thôi, Trang Tử gọi đó là thiên quân. Thiên quân là quy luật biến hoá của tự nhiên theo nguyên tắc quân bình. Quân vốn có nghĩa là cái bánh xe, từ vành bánh xe đến
96
tâm có độ dài bán kính bằng nhau, cho nên người và vật là quân bình, chuỗi vận động cũng không có điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc. Sự vận động của thiên quân là không có mục đích hướng tới, điều đó có nghĩa là chỉ có vạn hoá mà không có tiến hoá. Tiến hoá thì sẽ có bậc cao bậc thấp, vạn hoá thì sẽ là bình đẳng, bình đẳng trong quan hệ người - vật và bình đẳng trong quan hệ người - người.
Từ hai tiền đề trên, Trang Tử chủ trương vô chính phủ. Phương thức cai trị tốt nhất là không cai trị, để mỗi cá nhân phát triển tự do theo cá tính của mình: “ Chỉ nghe nói khiến cho thiên hạ an nhiên tự tại, không nghe nói phải tri lý thiên hạ. An nhiên tự tại, chỉ sợ thiên hạ nhiễu loạn mất bản tính tự nhiên của họ, khoan dung tự đắc, chỉ sợ thiên hạ thay đổi mất cái đức thường của họ. Không nên nhiễu loạn bản tính tự nhiên của thiên hạ và đức thường không bị thay đổi thì cần gì trị lý thiên hạ nữa.” (110.291). Sự can thiệp của chính phủ vào cuộc sống của dân là hành vi nối dài chân cho vịt, chặt bớt chân hạc, không những không đem lại điều gì ích lợi mà chỉ làm hại họ như chuyện Lỗ hầu nuôi chim. Bản tính của người thuộc về trời, nó phát triển một cách tự do, giống như chuyển động Brao nơ, luật pháp, chuẩn mực đạo đức, luân lý xã hội thuộc về người, là ý chí của một nhóm thiểu số người áp đặt lên toàn xã hội. Đem nhân tính áp đặt lên thiên tính, đem luật pháp, lễ nghĩa ràng buộc thiên tính của mọi người chỉ đem lại sự khổ đau cho mọi người trong xã hội mà thôi. Mặt khác, người với người là bình đẳng, nhân nghĩa, thánh trí, lễ... chỉ là những phương tiện biện minh cho bọn thống trị, chứ người dân chẳng được hưởng lợi gì từ những lý thuyết đó. Cái mà người dân cần là xã hội an nhiên tự tại: “ Cầu mắt sáng thì sao? Thì mê loạn sắc mầu. Cầu tai thính thì sao? Thì mê loạn âm thanh. Cầu nhân thì sao? Thì làm nhiễu loạn đạo đức. Cầu nghĩa thì sao? Thì bội phản đạo lý. Cầu lễ thì sao? Thì giúp sự xảo trá lớn dậy. Cầu nhạc thì sao? Thì giúp âm thanh dâm loạn nhiều hơn. Cầu trí tuệ thì sao? Thì giúp kỹ xảo lớn mạnh. Cầu tài trí thì sao? Thì giúp thêm nhiều khuyết điểm. Thiên hạ nên an định với tự nhiên, về tám phương diện ấy, có cũng được mà không cũng được, nếu như thiên hạ mà không an định được với bản tính tự nhiên thì tám phương diện ấy chỉ trói buộc,
97
nhiễu loạn thiên hạ mà thôi.” (110.292). Trang Tử bảo đó là lấy người để diệt trời.
Bậc đế vương chân chính không cần dùng nhân nghĩa để thu phục lòng người, không dùng chính sách pháp lệnh cai trị mà nên sống tố phác thuần chân, bởi vì mỗi cá nhân đã biết phải làm gì để tự tồn tại, giống như con chuột biết đào hang sâu để trốn khói, con chim biết bay cao để tránh đạn. Theo Trang Tử, phương pháp trị thiên hạ như sau: “ Hãy để tâm chơi ngoài cõi điềm đạm, dưỡng thân nơi cảnh giới thanh tĩnh, thuận theo bản tính tự nhiên của sự vật mà không dùng lòng riêng, thiên hạ tất sẽ được trị an” (110.236); ở một chỗ khác ông nhắc lại: “ nếu như người quân tử bất đắc dĩ phải ra trị thiên hạ thì tốt nhất là tự nhiên vô vi. Tự nhiên vô vi rồi mới an định được bản tính tự nhiên” (110.292). Như vậy, bậc minh quân theo quan điểm của Trang Tử là người vô tâm thuận tự nhiên để trị dân, phương pháp của ông là vô vi, bởi càng cai trị thì càng không đạt kết quả mong muốn.
Tóm lại, chủ trương chung của Đạo gia là lánh đời, trốn chạy khỏi thực tiễn
lịch sử đang ngày một thay đổi nhanh chóng. Vua thiên tử bị các vua chư hầu lấn lướt mà không có cách gì chống lại, triều đình bất lực. Thêm vào đó, các chuẩn mực đạo đức, pháp luật cũng biến thiên theo thời đại khiến họ mất vai trò, chỗ đứng trong xã hội không còn được trọng thị như ngày xưa. Cho nên, tuy cách diễn đạt khác nhau, nhưng trong đường lối chính trị của họ đều chủ trương giải thể chính quyền, mong ước ngày xưa trở lại, quay ngược bánh xe lịch sử để trở về thời công xã nguyên thuỷ.