KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thế giới quan trong triết học trung quốc cổ đại luận án TS triết học 62 22 80 05 (Trang 179 - 183)

Với cách tiếp cận và phân loại một hệ thống triết học theo vấn đề, theo các lĩnh vực một cách trình tự của triết học mác- xít, chúng tôi qua luận án này coi toàn bộ các lưu phái của triết học Trung Quốc cổ đại nằm trong một hệ thống, và đã tiến hành xắp xếp theo một trình tự lô gic: vũ trụ quan- xã hội quan- nhân sinh quan. Như vậy xuất hiện một tình hình là; có những lưu phái không bàn nhiều đến vũ trụ quan(Nho gia); có những lưu phái không bàn nhiều đến xã hội quan và nhân sinh quan (Âm Dương gia)... vì vậy tuỳ theo lô gic của vấn đề đặt ra mà ở những phần khác nhau chúng tôi có sự sắp xếp và tiếp cận khai thác khác nhau đói với các lưu phái’. Ở chương 1 (vũ trụ quan) chủ yếu chúng tôi giới thiệu Âm- Dương gia, ở chương 2 chúng tôi chọn ra ở các lưu phái những phần bàn về các khía cạnh, các vấn đề của quan hệ xã hội, tương tự ở chương 3 chúng tôi chọn ra các vấn đề của các lưu phái bàn đến nhân sinh.

Chương 1 gồm 3 tiết với 10 tiểu tiết chúng tôi lần lượt giới thiệu tổng quan về những đặc điểm lịch sử, văn hoá của Trung Quốc; những vấn đề triết học của thời kỳ manh nha và những khái niệm phổ biến mà hầu như các lưu phái đều sử dụng. Vấn đề trọng tâm ở chương này là các học thuyết về bản thể và các qui luật vận hành,phương thức vận động của vũ trụ cũng như của toàn bộ thế giới khách quan (học thuyết Âm Dương, tác phẩm Kinh Dịch và học thuyết ngũ hành). đây là các học thuyết có một vị trí hết sức đặc biệt không chỉ trong lịch sử triết học và trong toàn bộ nền văn hoá của Trung Quốc nói riêng mà còn ở tất cả các quốc gia “Đồng Văn” nói chung. Các học thuyết này có vai trò là vũ trụ quan, đồng thời là phương pháp luận của triết học và các nghành khoa học khác. Với học thuyết âm dương –ngũ hành và tác phẩm Kinh Dịch, người Trung Quốc cổ đại cho chúng ta thấy họ đã đạt đến khả năng tư duy khái quát rất cao, thể hiện ở những quan niệm về một vũ trụ thống nhất bởi vật chất và vận động không ngừng, trong đó mọi sự vật và hiện tượng nằm trong một mối liên hệ phổ biến. Đặc biệt hơn các học thuyết này còn là “ mẫu số chung” cho phép thực hiện mọi sự qui đổi mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan, kể cả không gian và thời gian. Nhìn trên tổng thể mà nói, khả năng ứng dụng và độ

177

dung sai của lý luận âm dương- ngũ hành có sự tương đương với sự ứng dụng thực tiễn và độ dung sai của các khái quát lý luận cao nhất mang ý nghĩa triết học của khoa học phương Tây cận hiện đại. Một thành tựu lớn nữa của thời kỳ này là khoa học về thiên văn, lịch số, thông qua kỹ thuật quan trắc và tổng kết kinh nghiệm thực tế, người Trung Quốc cổ đại đã tìm ra cách phân chia độ số của không gian và thời gian bằng Âm- Dương Lịch. Loại lịch này đã phản ánh được qui luật vận hành của mặt Trời, mặt Trăng, trái Đất và các hành tinh. Lịch này có tính ứng dụng cao đối với một nền vă minh nông nghiệp lấy trồng trọt làm chính, vì vậy nó vẫn tồn tại song song với các loại lịch khác cho đến tận ngày nay, ở những quốc gia “ đồng văn” với Trung Quốc.

Ởchương 2 (xã hội quan) gồm sáu tiết với 15 tiểu tiết, chúng tôi đã hệ thống hoá một cách khá đầy đủ song vẫn mang tính khái lược- do yêu cầu bố cục của toàn cảnh chung của luận án- những tư tưởng của các lưu phái lớn trong nền triết học Trung Quốc cổ đại. Những nền văn minh lớn của nhân loại dù là ở phương Tây hay phương Đông, chúng tôi nhận thấy có một sự giống nhau, đó là: Sau những bước đi đầu tiên củathời kỳ manh nha, là đến thời kỳ phát triển đột xuất của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ lĩnh vực sản xuất vật chất đến lĩnh vực sản xuất tinh thần. Đặc biệt trong lĩnh vực tinh thần, đây là thời kỳ ra đời của các ngành khoa học, của các lý thuyết triết học về tự nhiên- xã hội- con người. Có lẽ do tính hồn nhiên của con người, tính mới mẻ của các triết thuyết, cho nên các xã hội lúc đó đón nhận và thí nghiệm tất cả mọi mô hình, để rồi chọn lựa cái nào hợp với khuôn khổ của mình. Xã hội Trung Quốc cổ đại cũng không vượt khỏi tiền lệ này. Xuyên suốt thời đại Xuân thu- Chiến quốc là không khí hoang tàn của sự đổ vỡ những hệ giá trị cũ, bởi những cuộc chiến tranh của các tiểu quốc, trong không khí sục sôi ấy những bộ óc mẫn tiệp đang cố gắng tìm kiếm những lý thuyết, những mô hình xã hội nhằm “cứu đời cứu người”, làm cho xã hội ổn định trên cơ sở của sự cấu trúc lại đổi mới về chất. Có những triết gia như Khổng Tử, Mạnh Tử muốn xã hội trở về thời quá khứ thịnh trị của nhà Chu; có những triết gia như Lão Tử,Trang Tử muốn xã hội trở về thời hồn nhiên nguyên thuỷ; lãng mạn hơn, như Mặc Tử muốn tìm kiếm một xã hội bình đẳng, dân chủ kiểu

178

“chủ nghĩa xã hội không tưởng”; song có lẽ tích cực và tiến bộ hơn là những nhà chính trị – kinh tế (Quản Trọng, Lý Khôi, Thương Ưởng, Tuân Huống, Thận Đáo, Thân Bất Hại...) nhất là Hàn Phi, lấy “biến pháp, cách tân” để cải tạo xã hội, chủ trương lấy pháp luật để cai trị xã hội; bên cạnh những nhà tư tưởng trên các nhà ngoại giao, quân sự, thương gia cũng góp một phần rất lớn vào sự làm thay đổi cục diện chính trị- xã hội Trung Quốc thời cổ đại. Với đường lối pháp trị cùng với các chính sách quân sự và ngoại giao xuất sắc Tần Thuỷ Hoàng đã thống nhất Trung Quốc kết thúc một thời đại lịch sử bi tráng cổ đại và mở ra một thời đại mới cho lịch sử Trung Quốc.

Ở chương 3 (nhân sinh quan) chúng tôi trình bày thành 3 tiết, với chín tiểu tiết. Trong truyền thống văn hoá Trung Quốc triết học giữ một vai trò hết sức quan trọng. Theo nhà triết học Phùng Hữu Lan: “Người Trung Quốc không liên quan nhiều với tôn giáo, vì họ đã liên quan nhiều với triết học. Bằng triết học họ thoả mãn ước vọng mãnh liệt về cái gì cao xa hơn thế giới hiện tại. Trong triết học, họ đã thành lập và thẩm định những giá trị siêu luân lý; và họ cảm thấy những giá trị ấy bằng cách làm cho đời họ phù hợp với triết học.” (Đại cương triết học sử Trung Quốc, tr. 21). Có lẽ vì vậy mà triết học về nhân sinh chiếm đại bộ phận trong toàn bộ nền triết học Trung Quốc nói chung, cũng như trong triết học cổ đại nói riêng. Hầu hết các triết gia cổ đại đều bàn đến vấn đề con ngườ, mỗi lưu phái đều có chủ kiến riêng, nhiều khi trái ngược nhau(như Đạo gia và Nho gia), Song có một nghịch lý biện chứng là tất cả các triết lý về nhân sinh của các lưu phái đều được chấp nhận và chia sẻ một cách rộng rãi bởi người dân Trung Quốc. có người đã nói rằng trong tâm hồn mỗi người Trung Quốc dường như luôn luôn có một Lão Tử bên cạnh Khổng Tử. Qua chương 3 của luận án chúng tôi đã trình bày và tóm tắt khá đầy đủ quan điểm của các lưu phái về con người. Có một số nét cơ bản chúng tôi nhận thấy các lưu phái đều thống nhất với nhau, đó là: Thứ nhất, quan niệm về nguồn gốc tự nhiên của con người, con người là một trong ba bộ phận của thế giới (Thiên-Địa-Nhân). Thứ hai, con người là chủ tể cao nhất của muôn vật, con người là một vũ trụ thu nhỏ. Thứ ba, do con người là vũ trụ thu nhỏ, cho nên các qui luật sinh học, cũng như các qui

179

luật xã hội và đạo đức của con người cũng vận động theo các qui luật vận động của vũ trụ (qui luật Âm Dương- Ngũ hành, vận khí). Thứ tư, trong không khí sục sôi nhuốn vẻ hoang tàn của thời Xuân thu - Chiến quốc số phận con người trở nên mong manh, bấp bênh, vì vậy các triết gia bằng các luận thuyết của mình muốn đem đến cho con người một thái độ sống và hành xử hợp lý, có thể là thái độ tích cực như Nho gia, có thể là thái độ duy nhiên như Đạo gia, có thể là thái độ tôn trọng pháp luật như Pháp gia... Thứ năm, có lẽ nền văn minh nông nghiệp, với canh tác là chính vốn có tính ổn định và hài hoà là cơ sở để cuối cùng người Trung Quốc chọn Khổng Tử và tư tưởng của ông làm hướng đạo cho đời sống nhân sinh của mình. Dù có những khác biệt, song nhân sinh quan của các nhà triết học Trung Quốc cổ đại đều mang những giá trị nhân văn rất cao, đó là những đóng góp to lớn cho nền triết học nhân sinh của nhân loại.

Với cấu trúc lô gic Vũ trụ quan- xã hội quan- Nhân sinh quan và cách tổ chức các hệ thống khái niệm của triết học Trung Quốc cổ đại như trên, chúng tôi hy vọng ít nhiều đóng góp một cách tiếp cận, tồn tại bên cạnh các tiếp cận, và có lẽ ít nhiều khác biệt với cách tiếp cận của giới nghiên cứu triết học Trung Quốc và giới Đông phương học phương Tây về triết học Trung Quốc nói chung và triết học Trung Quốc cổ đại nói riêng. /.

180

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thế giới quan trong triết học trung quốc cổ đại luận án TS triết học 62 22 80 05 (Trang 179 - 183)