1.2. Lý luận về tạo động lực đối với người lao động
1.2.3. Tạo động lực lao động
Tạo động lực lao động là quá trình mà tổ chức đưa ra một hệ thống các biện pháp, chính sách, phương pháp và thủ thuật quản lý nhằm vào người lao động để họ hiểu và yêu công việc họ phải làm, giúp họ hiểu và yêu tổ chức
mình hơn qua đó nâng cao chất lượng công việc, hiệu quả làm việc và nâng cao năng suất lao động của cá nhân người lao động và của tổ chức nhờ đó hoàn thành mục tiêu cá nhân và tổ chức đặt ra.
Quá trình tạo động lực lao động diễn ra liên tục, đòi hỏi nhiều công sức, khá tốn kém, phải có sự nghiên cứu tỷ mỷ và cần có sự điều chỉnh và không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng nên thường ít được quan tâm trong thực tế nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.Tuy nhiên, thực tế và thời đại ngày nay chứng minh rằng tạo động lực cho người lao động là xu thế tất yếu buộc các doanh nghiệp cần phải quan tâm bởi vì lợi ích to lớn mà quá trình đó đem lại, hơn nữa ngày nay con người phải làm một khối lượng công việc ngày càng phức tạp và căng thẳng thần kinh dễ dẫn đến sự mệt mỏi tinh thần cảm giác, sự nhàm chán trong công việc.
Cách khác tạo động lực lao động là việc sử dụng các biện pháp nhất định để kích thích người lao động làm việc một cách tự nguyện, nhiệt tình, hăng say và có hiệu quả công việc tốt nhất. Tạo động lực cho người lao động làm việc cũng chính là việc tạo ra sự hấp dẫn trong công việc từ kết quả thực hiện công việc, cùng tác động của các yếu tố tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, điều kiện, môi trường làm việc... để hướng hành vi của người lao động theo một chiều hướng nhất định.
Tạo động lực cho người lao động vừa là trách nhiệm, vừa là mục tiêu của nhà quản lý khi có động lực làm việc thì sẽ thực hiện tốt công việc, làm tăng hiệu quả công việc, nâng cao năng suất lao động, giúp đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tồn tại và phát triển vững mạnh trên thị trường cạnh tranh.