CHƢƠNG 2 : PHƢƠNG PHÁP VÀ THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
4.2 Giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản trị rủi ro tác nghiệp tại BID
4.2.4 Hoàn thiện hệ thống hỗ trợ
* Công tác quản trị rủi ro tác nghiệp:
Để đảm bảo hệ thống Quản lý rủi ro phải được tuân thủ một cách nghiêm túc, triệt để cần phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong Chi nhánh về quản trị rủi ro và vai trò của cán bộ đối với công tác quản lý rủi ro của Chi nhánh cũng như tầm quan trọng của các khâu kiểm soát trong quy trình nghiệp vụ.
Bố trí các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, đã được luân chuyển qua nhiều phòng nghiệp vụ làm công tác quản lý rủi ro. Thành lập bộ phận làm công tác quản lý rủi ro tác nghiệp chuyên trách, tách bạch với các loại rủi ro khác để đảm bảo tính tập trung và hiệu quả.
Tăng cường, đổi mới sự phối kết hợp giữa Phòng QLRR với các phòng chức năng.
Công tác báo cáo rủi ro phải được quan tâm và bảo đảm trung thực thực trạng rủi ro tác nghiệp của Chi nhánh.
Ngoài việc rà soát dữ liệu do BIDV chiết xuất và báo cáo theo hướng dẫn cụ thể đối với từng loại báo cáo được quy định theo từng thời kỳ, Chi nhánh nên chủ động xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu dấu hiệu rủi ro chính của riêng Chi nhánh để theo dõi, nhận diện, cảnh báo rủi ro tác nghiệp tại Chi nhánh.
Định kỳ, Chi nhánh cần tự kiểm tra và đánh giá hiệu lực của các biện pháp kiểm soát rủi ro tác nghiệp đang được thực thi tại Chi nhánh và báo cáo kết quả về BIDV để tổng hợp và có chỉ đạo kịp thời.
Chủ động xem xét, sử dụng dịch vụ của các chuyên gia (thẩm định giá, xác minh tính thật, giả của tài liệu, chữ ký,…), khi cần thiết.
* Chế tài xử lý đối với các trường hợp phát sinh các dấu hiệu RRTN.
Đối với việc xử lý các hành vi vi phạm trong tác nghiệp, hiện nay Chi nhánh đang áp dụng theo quy định chung của BIDV. Tuy nhiên do việc xử lý cán bộ có liên quan đến xử lý lãnh đạo và tập thể nên các phòng, bộ phận trực thuộc chưa theo dõi đầy đủ và báo cáo trung thực các lỗi tác nghiệp xảy ra, các hình thức xử lý cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch theo mức độ vi phạm.
Để thực hiện được mục tiêu của việc áp dụng các chế tài là nâng cao ý thức tuân thủ quy định trong các hoạt động tác nghiệp, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân và tập thể, hạn chế rủi ro tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh thì BIDV Sở giao dịch III cần phải:
- Tránh áp dụng chế tài một cách hình thức, mang tính đối phó.
- Các phòng, bộ phận của Chi nhánh cần nghiêm túc thực hiện công tác mở sổ theo dõi và cập nhật trung thực các lỗi tác nghiệp đã xảy ra thông qua phát hiện của phòng, kết quả hậu kiểm, phát hiện của các tổ kiểm tra nội bộ, đoàn kiểm tra bên ngoài Chi nhánh và phát hiện của các khách hàng.
- Việc xử lý phải đúng người, đúng trách nhiệm, các hành vi xảy ra ở bộ phận nào thì bộ phận đó chịu trách nhiệm. Tương ứng với hành vi vi phạm sẽ áp dụng các hình thức xử lý thích hợp, như giảm trừ lương kinh doanh; xử lý thông qua công tác xét hoàn thành nhiệm vụ - thi đua, khen thưởng (xem xét xếp loại thi đua, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ); xử lý thông qua tổ chức điều hành (không xem xét quy hoạch bổ nhiệm, chuyển công việc khác, miễn nhiệm) và các hình thức xử lý khác. Nếu các lỗi vi phạm được xác định là đã gây ra thiệt hại vật chất thì sẽ bị xử lý thêm về trách nhiệm bồi hoàn vật chất. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các vi phạm có thể áp dụng đồng thời nhiều hình thức xử lý bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
- Đối với các hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng thì cần đề xuất chế tài xử lý mạnh hơn, nhằm răn đe cá nhân, tập thể vi phạm, tạo tính nghiêm minh, tránh tình trạng cán bộ coi thường chế tài, cố ý vi phạm.
- Việc thực hiện công tác xử lý cán bộ khi xảy ra các hành vi vi phạm cần phải xử lý và công bố công khai để tạo tính răn đe cho cán bộ.
* Trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị công cụ lao động, môi trường làm việc là những điều kiện quan trọng đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng được diễn ra liên tục, an toàn và hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, BIDV – CN Sở giao dịch III cần thiết phải thực hiện các nội dung sau:
- Thường xuyên rà soát tình trạng cơ sở vật chất hiện đang quản lý để có kế hoạch đầu tư bổ sung, thay thế hay dự phòng đảm bảo trang bị đủ cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
- Thường xuyên rà soát, thay thế hoặc mua mới các thiết bị hỗ trợ thực hiện giao dịch dành cho cán bộ nhân viên và khách hàng như máy lấy số giao dịch, máy vi tính, máy in, máy đếm tiền, máy tính, bút viết... đảm bảo các thiết bị này được trang bị đầy đủ, hoạt động tốt và dễ sử dụng.