1.1. Tổng quan về thị trường chứng khoán
1.1.5. Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán
Để một thị trường chứng khoán vận hành suôn sẻ, đồng bộ, tất nhiên đòi hỏi phải có sự tham gia của các yếu tố góp phần hình thành và tạo lập cũng như quản lý thị trường:
- Ủy ban Chứng khoán nhà nước: là cơ quan điều tiết vĩ mô về thị trường chứng khoán do chính phủ thành lập, tuy nhiên, không phải Ủy ban chứng khoán nhà nước ra đời khi bắt đầu xuất hiện thị trường chứng khoán. Quá trình phát triển thị trường chứng khoán thế giới cho thấy Ủy ban chứng khoán nhà nước được hình thành sau một thời gian dài hoạt động của thị trường chứng khoán phi tập trung; thị trường này hình thành một cách tự phát khi xuất hiện cổ phiếu, trái phiếu và có nhu cầu mua bán lại các chứng khoán này. Ở Anh, thị trường chứng khoán xuất hiện từ thế kỷ 18 nhưng đến năm 1968 mới có Ủy ban giám sát chứng khoán và đầu tư. Ở Mỹ có thị trường chứng khoán từ năm 1792 nhưng đến năm 1933, Ủy ban giám sát chứng khoán và giao dịch mới ra đời. Ở Thái Lan, Sở giao dịch chứng khoán được
phục hồi lại năm 1975 nhưng đến năm 1992 mới có Ủy ban chứng khoán quốc gia…
- Sở giao dịch chứng khoán: là nơi gặp gỡ giữa các thành viên của thị trường chứng khoán để thương lượng đấu giá mua bán chứng khoán, và là cơ quan phục vụ cho hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán.
Sở giao dịch chứng khoán chỉ là thị trường giao dịch, không phải là tổ chức mua vào bán ra các loại chứng khoán, không can thiệp vào giá chứng khoán. Nhiệm vụ chủ yếu của Sở giao dịch chứng khoán là tổ chức và phục vụ cho hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán; cung cấp các dịch vụ thông tin; lưu giữ chứng khoán, thanh toán bù trừ; quản lý giám sát các hoạt động mua bán chứng khoán, bảo đảm công bằng trật tự, an toàn và hiệu quả trong giao dịch mua bán chứng khoán. Các hoạt động của thị trường chứng khoán chủ yếu diễn ra tại Sở giao dịch chứng khoán, vì vậy có thể nói nếu Sở giao dịch chứng khoán được tổ chức và hoạt động tốt thì thị trường chứng khoán sẽ phát triển và ngược lại, nếu nó không được quản lý tốt sẽ cản trở sự phát triển của thị trường chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán được thành lập theo quy định của pháp luật, là một tổ chức có tư cách pháp nhân, có thể được tổ chức theo một trong những loại hình sở hữu cơ bản sau:
+ Sở hữu nhà nước: hình thức này được áp dụng ở một số quốc gia đang phát triển. Với loại hình này, Sở giao dịch chứng khoán thực chất là một cơ quan của Chính phủ, do Chính phủ thành lập và quản lý, chi phí cho sự hoạt động của nó do ngân sách nhà nước cấp. Mô hình này có nhiều ưu điểm là chi phí hoạt động thấp, bảo vệ được quyền lợi của người đầu tư vì hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán là phi lợi nhuận. Ngoài ra, khi cần thiết, Nhà nước có thể can thiệp kịp thời để đảm bảo cho thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. Hạn chế của mô hình này là thiếu tính độc lập, cứng nhắc nên hoạt động kém hiệu quả. Mô hình này được tổ chức ở các Sở giao dịch chứng khoán Warsaw (Ba Lan); Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)…
+ Sở hữu tư nhân: bao gồm sở hữu thành viên và sở hữu của các cổ đông ngoài Sở giao dịch chứng khoán.
Theo mô hình sở hữu thành viên, các công ty chứng khoán thành viên đóng vai trò tổ chức góp vốn và cùng tham gia vào sở hữu đối với Sở giao dịch chứng khoán. Hình thức này có ưu điểm là các thành viên vừa là người tham gia giao dịch, vừa là người quản lý Sở giao dịch chứng khoán nên chi phí thấp, dễ ứng phó với tình huống thay đổi trên thị trường. Mô hình này chỉ thích hợp với các nước có nền kinh tế phát triển, có một thị trường tài chính phát triển cao, một khung pháp lý hoàn chỉnh giúp cho nhà nước quản lý từ xa và tạo điều kiện cho thị trường tự điều tiết những vấn đề phát sinh.
Theo mô hình sở hữu của các cổ đông ngoài Sở giao dịch chứng khoán, các Sở giao dịch chứng khoán được tổ chức như một công ty cổ phần với những cổ đông là những tổ chức không phải là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán (Ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm,…). Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình này hoạt động với mục tiêu lợi nhuận cao (như mô hình Sở giao dịch chứng khoán của Đức, Malaysia,…). Ưu điểm của mô hình này là có khả năng thích nghi cao với những biến đổi của thị trường xung quanh nhờ vào tính tự quản trong việc điều hành hoạt động kinh doanh. Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình này cũng có thể phát hành cổ phiếu của chính mình ra công chúng và niêm yết trên chính Sở giao dịch chứng khoán đó, do vậy, việc huy động vốn cũng dễ dàng hơn. Hạn chế của mô hình này là làm ảnh hưởng đến lợi ích của công chúng đầu tư vì mục tiêu của Sở giao dịch chứng khoán luôn luôn tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài ra còn một loại hình Sở giao dịch chứng khoán nữa là thuộc sở hữu hỗn hợp, chẳng hạn như ở Đài Loan, Sở giao dịch chứng khoán có 39% cổ phần do chính phủ nắm giữ, 10% cổ phần dành cho các cổ đông ngoài, và số còn lại do thành viên của Sở nắm giữ.
Trong các hình thức trên, hình thức sở hữu thành viên là phổ biến hơn cả. Hình thức này cho phép Sở giao dịch chứng khoán có quyền ở mức độ nhất định nâng cao được tính hiệu quả và sự nhanh nhạy trong vấn đề quản lý tốt hơn so với hình thức sở hữu chính phủ. Tuy nhiên, việc chính phủ nắm quyền sở hữu và quản lý Sở giao dịch chứng khoán sẽ cho phép ngăn ngừa sự lộn xộn, không công bằng khi hình thức sở hữu thành viên chưa được bảo vệ bằng hệ thống pháp lý đầy đủ.
- Các nhà phát hành chứng khoán: Bằng cách phát hành và bán các chứng khoán trên thị trường sơ cấp để huy động vốn, chính phủ, các doanh nghiệp và các định chế tài chính được gọi là các nhà phát hành chứng khoán.
+ Chính phủ: gồm chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Đây là một trong những chủ thể cung cấp chứng khoán để điều hòa ngân sách và thực hiện chính sách đầu tư của nhà nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm nguồn tài trợ bằng cách vay tiền công chúng, với chức năng quản lý nền kinh tế vĩ mô, Nhà nước có thể phát hành các loại giấy có giá khác nhau, các giấy nhận nợ này của chính phủ là chứng khoán, được phép mua bán trên thị trường.
+ Doanh nghiệp: bao gồm công ty cổ phần và các doanh nghiệp nhà nước. Loại chứng khoán phổ biến trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu được phát hành từ các công ty cổ phần khi thành lập công ty cũng như lúc công ty cần tăng thêm vốn. Có thể nói công ty cổ phần là chủ thể quan trọng trong việc cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Ngược lại, không có ngành công nghệ chứng khoán, công ty cổ phần cũng khó có khả năng phát triển. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, để có thể đứng vững trong cạnh tranh, các doanh nghiệp cần bổ sung thêm vốn để tiến hành đổi mới trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm có ưu thế trong cạnh tranh. Ngoài các giải pháp vay ngân hàng, tự bổ sung bằng lợi nhuận, các doanh nghiệp còn được phát hành chứng khoán để huy
động thêm vốn. Loại chứng khoán thông thường nhất mà các doanh nghiệp phát hành để huy động bổ sung vốn là trái phiếu công ty với mục đích tài trợ dài hạn cho nhu cầu tăng vốn ở công ty. Trái phiếu công ty, trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán ở các nước, có rất nhiều loại với những đặc điểm khác nhau thích hợp với mỗi nước, mỗi công ty và hướng theo thị hiếu khách hàng, nhà đầu tư.
+ Các định chế tài chính (financial institutions): là các định chế được lập ra để huy động tiền trong công chúng chuyển thành những tài sản tài chính, có thể bao gồm các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các quỹ trợ cấp hưu bổng, các công ty đầu tư, các công ty tài chính,… Khi các định chế này đi vào hoạt động cũng có nhu cầu tăng vốn bằng con đường huy động dưới hình thức phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
- Các nhà đầu tư chứng khoán: Đầu tư chứng khoán là việc bỏ vốn tiền tệ ra mua các chứng khoán nhằm mục tiêu kiếm lời từ thu nhập cổ tức, trái tức hoặc cũng có thể từ chênh lệch giá do kinh doanh chứng khoán đem lại. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể là nhà đầu tư, tuy nhiên, có thành phần chỉ thỉnh thoảng mới tham gia đầu tư, nhiều thành phần khác xem việc cho vay là công việc đầu tư thường xuyên của họ. Có thể chia thành hai loại: nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức đầu tư.
+ Nhà đầu tư cá nhân: là công chúng, một loại chủ thể có khả năng cung ứng một khối lượng tiền tệ rất lớn. Từ nguồn thu nhập thường xuyên của mình, công chúng phải dành lại một phần dưới dạng tích lũy, đây là nguồn cung cấp rất quan trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Công chúng khi có vốn nhàn rỗi tạm thời, họ tham gia mua chứng khoán với mục đích đầu tư kiếm lời, khi có nhu cầu vốn họ đem bán lại các chứng khoán đã mua trên thị trường thứ cấp.
+ Các tổ chức đầu tư: bao gồm các quỹ hưu bổng, quỹ tương hỗ, các công ty bảo hiểm, các ngân hàng thương mại, các công ty đầu tư quốc gia, các
quỹ tài chính công, các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ cứu trợ,… Các tổ chức này tham gia thị trường chứng khoán với tư cách vừa là người mua, vừa là người bán chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Sự thâm nhập của các tổ chức này vào thị trường chứng khoán ngày càng bành trướng góp phần tạo sự sôi động cho thị trường.
- Các định chế tài chính trung gian (financial intermediaries): thường làm trung gian giữa những chủ thể thừa vốn với những chủ thể thiếu vốn, có thể bao gồm:
+ Những định chế ký thác (depository institutions) bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm, hiệp hội tiết kiệm và cho vay. Những định chế ký thác này có một đặc điểm chung là có thể tạo ra một tài sản nợ (liabilities).
+ Những định chế tiết kiệm hợp đồng (contractual saving institutions) gồm có những công ty bảo hiểm (insurance companies), các quỹ trợ cấp hưu bổng (pension funds). Những định chế này tạo ra những tài sản chính như là các kế hoạch bảo hiểm, tiền trợ cấp hàng năm, tiền trợ cấp các loại và tạo thành mối quan hệ hợp đồng với người mua.
+ Các công ty đầu tư (investment companies) sử dụng những ngân quỹ huy động được từ những nguồn tiết kiệm để mua những tập hợp tài sản có thể bao gồm những cổ phiếu, trái phiếu và những chứng khoán của thị trường tiền tệ. + Các công ty tài chính (financial companies) cung cấp cho người đi vay một sự lựa chọn khác hơn là phải vay ở những định chế ký thác.
+ Các công ty kinh doanh và môi giới chứng khoán (security brokers and dealers). Ở thị trường chứng khoán không có người mua và người bán cuối cùng. Nhờ có sự tham gia của các công ty kinh doanh và môi giới chứng khoán với tư cách là nhà tạo lập thị trường sẽ làm cho thị trường hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Vì vậy, cũng có thể nói thị trường chứng khoán là tổ chức tự định chế của các nhà môi giới chứng khoán. Thành viên môi giới
tham gia thị trường chứng khoán có thể là pháp nhân hay thể nhân, có thể là công ty trong nước hoặc nước ngoài. Tùy theo quy định của mỗi nước, hoạt động trên thị trường chứng khoán có thể có các loại người môi giới khác nhau. Trên thị trường London có hai loại người hoạt động: người môi giới (broker) và người buôn bán chứng khoán (jobber). Ở Sở giao dịch chứng khoán New York có chuyên gia (specialist), môi giới ủy thác (commission broker), khoán dịch viên (floor broker) và thương gia có đăng ký (registered trader).
Đó cũng có thể là các công ty môi giới, thường gọi là công ty chứng khoán (security companies). Công ty chứng khoán là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung và của thị trường chứng khoán nói riêng. Nhờ có sự hoạt động của các công ty chứng khoán mà chứng khoán được lưu thông một cách thông suốt, qua đó một khối lượng vốn lớn được tập hợp từ những nguồn vốn nhỏ lẻ, phân tán của các nhà đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Ngày nay, ở những nước khác nhau có những quy định riêng về công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán có thể là công ty Nhà nước, công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần nhưng trước hết phải là một công ty đã có giấy phép hoạt động do một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, phải có một số vốn tối thiểu theo quy định, và phải có những chuyên gia kinh tế, pháp lý đã được đào tạo về phân tích và kinh doanh chứng khoán. Một công ty chứng khoán có thể là thành viên của một hay nhiều Sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên khi đã là thành viên của một Sở giao dịch chứng khoán (thị trường chứng khoán tập trung) thì không được là thành viên của thị trường OTC và ngược lại. Một công ty chứng khoán có thể hoạt động theo một số hoặc tất cả các loại nghiệp vụ như: môi giới trung gian - mua bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng; tự doanh - mua bán chứng khoán bằng nguồn vốn của mình để hưởng chênh lệch giá; tư vấn đầu tư chứng khoán - phân tích, đánh giá giá trị các loại chứng khoán, tư vấn cho
người đầu tư thực hiện việc mua bán chứng khoán; bảo lãnh, làm trung gian phát hành hoặc bảo lãnh cho đơn vị phát hành.