2.1. Khái quát chung về thị trường chứng khoán Việt Nam
2.1.1. Tính tất yếu và sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam
2.1.1.1. Nhu cầu huy động vốn của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa. Kinh tế thời kỳ lạm phát cao đã bước xang thời kỳ tăng trưởng cao (1999 - 2000), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 1991 - 1997 đạt 8,2%. Đầu tư toàn xã hội bằng nguồn vốn trong và ngoài nước so với GDP tăng từ mức 15,8% năm 1990 lên 29% năm 1997, tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP tăng từ 17% năm 1992 lên 25% năm 1999. Nguồn thu cho ngân sách tăng, hệ thống tài chính, tiền tệ được đổi mới và phù hợp với cơ chế thị trường, hệ thống ngân hàng được củng cố, các tổ chức tín dụng phát triển, chất lượng và hiệu quả tín dụng được nâng lên. Cơ chế quản lý ngoại hối hoàn thiện dần, chính sách tỷ giá có thay đổi dựa trên nguyên tắc của thị trường. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Những thành tựu kinh tế đó đã tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước vào thời kỳ CNH - HĐH nền kinh tế. Để thực hiện đường lối CNH - HĐH đất nước, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, nhu cầu mở rộng quy mô của các doanh nghiệp trong nền kinh tế,… đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển. Việc xây dựng thị trường chứng khoán ở Việt
Nam đã trở thành nhu cầu bức xúc và cấp thiết nhằm huy động các nguồn vốn trung, dài hạn trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế.
Xuất phát từ yêu cầu nói trên và thực tiễn đòi hỏi nền kinh tế cần có một “sân chơi” phù hợp với các giao dịch chứng khoán trong bối cảnh các điều kiện làm tiền đề cho thị trường chứng khoán đang ở dạng sơ khai và nhu cầu cấp bách cho một thị trường chuyển nhượng các cổ phiếu của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc Chính phủ đã và đang thực hiện quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nếu không thông qua thị trường chứng khoán thì việc cổ phần hóa có nguy cơ diễn ra một cách không công khai, thiếu lành mạnh và sẽ dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước.
Thị trường chứng khoán là một kênh quan trọng trong thu hút vốn dài hạn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ở các khu vực kinh tế quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trong một nền kinh tế thị trường đang phát triển như ở nước ta. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cùng với hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một hệ thống tài chính đủ mạnh, cung cấp các nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn cho nền kinh tế. Có thể nói, nguồn vốn huy động được qua thị trường chứng khoán là một nguồn vốn có tính linh hoạt cao, nó đáp ứng các đòi hỏi về hình thức đầu tư, thời gian đáo hạn cũng như số vốn cần thiết để tham gia thị trường của các nhà đầu tư khác nhau.
Việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán không chỉ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường mà trên phương diện chính trị và ngoại giao còn có tác động rất tích cực đến tiến trình hội nhập của nước ta vào cộng đồng khu vực và thế giới.
2.1.1.2. Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán nhằm xác lập một kênh huy động vốn dài hạn cho mục tiêu đầu tư và phát triển đất nước.
Ngày 29/6/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 28/11/1996, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, UBCKNN thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ngay sau đó, UBCKNN đã xây dựng bộ máy tổ chức tương đối hoàn chỉnh và bắt tay vào xây dựng khung pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán. Kết quả các nỗ lực ban đầu được ghi nhận bằng việc ngày 10/7/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ngày 12/8/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2003-CP thay thế Nghị định số 75/CP đã trao cho UBCKNN đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của một cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Sau khi được thành lập, UBCKNN đã thực thi các chức năng, nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả, thể hiện tốt vai trò là cơ quan tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm tăng cường hiệu quả nhiệm vụ điều phối hoạt động của các Bộ ngành chức năng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngày 19/2/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2004/NĐ-CP chuyển UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Việc chuyển UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là một bước đi hợp lý trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam, tạo thêm sự đồng bộ và gắn kết đảm bảo yếu tố an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác.
Ngày 11/7/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 127/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Thành phố Hồ Chí Minh và TTGDCK Hà Nội. Có thể nói, việc
thành lập các TTGDCK là một giải pháp cấp bách trước mắt, không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn, thúc đẩy tiến trình đổi mới doanh nghiệp mà còn hướng các hoạt động giao dịch chứng khoán đi vào quỹ đạo có tổ chức ngay từ đầu và đây cũng là bước đi chuẩn bị cho việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán sau này.
TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động ngày 20/7/2000 và thực hiện phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên vào ngày 28/7/2000 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thêm một kênh huy động vốn dài hạn phục vụ nhu cầu CNH - HĐH đất nước, là một sản phẩm của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ giao một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quản lý điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết tập trung tại Việt Nam. Đó là tổ chức, quản lý điều hành việc mua - bán chứng khoán, quản lý điều hành hệ thống giao dịch, thực hiện hoạt động quản lý niêm yết, công bố thông tin, giám sát giao dịch, hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán và một số hoạt động khác.
Ngày 05/8/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010. Theo đó, TTGDCK Hà Nội được xác định là thị trường giao dịch cổ phiếu đăng ký giao dịch, chuẩn bị điều kiện để sau năm 2010 chuyển thành thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC) của Việt Nam. Ngày 08/3/2005, TTGDCK Hà Nội đã chính thức khai trương hoạt động tại Thành phố Hà Nội, đánh dấu thêm một bước tiến mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
2.1.1.3. Vai trò của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán tồn tại như một tất yếu khách quan của nền kinh tế thị trường và giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, thị trường chứng khoán là công cụ quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn.
Với chi phí thấp, khả năng chủ động trong việc lựa chọn đối tượng, lượng vốn cần thiết cũng như hình thức huy động vốn, thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn trong việc trợ giúp cho các doanh nghiệp thu hút, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán các quốc gia đã chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán tạo ra sự cạnh tranh với các bộ phận thị trường truyền thống mà đại diện là thị trường tín dụng. Nếu như trước đây các tổ chức tín dụng là chỗ dựa tiềm tàng về vốn cho các doanh nghiệp, từ nguồn vốn nhỏ nhất trong thời gian dài nhất theo nhu cầu, thì đến nay khi nền kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán đã mở ra cơ hội huy động vốn mới cho các doanh nghiệp. Nội dung, hình thức huy động vốn của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán rất đa dạng, không đơn thuần là nguồn vốn vay; bản thân các nguồn vốn kèm theo cam kết của doanh nghiệp phát hành cũng thể hiện nhu cầu và tính cạnh tranh to lớn.
Thị trường chứng khoán còn là môi trường đầu tư thuận lợi của công chúng. Đó là môi trường đầu tư lành mạnh với cơ hội lựa chọn phong phú. Những nguồn tiền tiết kiệm của dân cư được sử dụng với hiệu suất cao nhất thông qua việc lựa chọn các loại chứng khoán với mức độ an toàn và linh hoạt khác nhau khiến cho các nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Thị trường chứng khoán là một trong những cơ sở đánh giá giá trị của doanh nghiệp và của nền kinh tế một cách tổng hợp thông qua các chỉ số giá chứng khoán trên thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc đánh giá nền kinh tế thông qua thị trường chỉ thực sự phát huy hiệu quả đối với những thị trường phát triển, hoạt động ổn định. Đối với những thị trường mới hình thành, mức độ giao dịch còn nhỏ, các giao dịch vốn truyền thống vẫn còn phổ
biến thì vai trò này của thị trường chứng khoán chưa thực sự phát huy, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Thứ hai, chứng khoán còn là công cụ thực hiện chính sách tài chính tiền tệ quốc gia và các chính sách vĩ mô khác.
Thị trường chứng khoán phản ánh các giá cả chứng khoán của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Mức độ giao động giá chứng khoán cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Chính vì vậy, có thể nói rằng thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ hữu hiệu để Chính phủ điều hành việc thực hiện các chính sách vĩ mô. Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ thực hiện cân đối lại ngân sách nhà nước bằng việc phát hành các loại trái phiếu Chính phủ. Đây chính là nội dung quan trọng nhằm thực hiện chính sách tài chính quốc gia. Việc thực hiện tốt chính sách tài chính quốc gia tạo căn cứ chắc chắn cho việc ổn định giá trị đồng tiền, là nội dung cơ bản và quan trọng nhất của chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì thế, thị trường chứng khoán tạo môi trường thuận lợi cho Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Thị trường chứng khoán còn là nhân tố thúc đẩy tiến trình đa hình thức sở hữu trong nền kinh tế. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc trong giai đoạn 1993 đến nay đã chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán giúp chính phủ thực hiện tốt công cuộc cải tổ nền kinh tế.
Thứ ba, thị trường chứng khoán tạo khả năng thanh khoản cho các chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể chuyển đổi chứng khoán của họ thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác tại thị trường. Chính tính thanh khoản của chứng khoán giúp cho thị trường sôi động, đồng thời cũng là một trong những yếu tố quyết định mức hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Vì vậy, bản thân tính thanh khoản và hoạt động của thị trường có mối quan hệ nội tại, bảo đảm cho thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bất kỳ quốc gia nào có thị trường chứng khoán đều phải tính toán sự ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế trong nước. Có thể nói, thị trường chứng khoán rất có khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu thị trường có tính ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi, thì cơ hội nhận vốn đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn. Điều này lại được phản ánh trong tính thanh khoản của chứng khoán và những giới hạn đầu tư chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài (kể cả nhà đầu tư tổ chức và đầu tư cá thể). Đối với việc thu hút đầu tư trực tiếp cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp chứng khoán trong nước với doanh nghiệp chứng khoán vó vốn đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm của nhà kinh doanh chứng khoán nước ngoài là những bài học không thể định giá cho các nhà kinh doanh chứng khoán non trẻ của chúng ta. Tuy nhiên, đi đôi với việc xem xét những mặt tích cực của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, bản thân nó cũng có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế trong nước nếu có sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn vốn nước ngoài. Vì vậy, đối với những thị trường mới mở, Chính phủ thường có những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài (kể cả đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp).
Thứ tư, tạo tiền đề cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Thị trường chứng khoán có tác động rất lớn trong việc nhanh chóng chuyển các doanh nghiệp nhà nước thành các công ty cổ phần một cách có hiệu quả nhất. Với nguyên tắc hoạt động trung gian, đấu giá, công khai và là nơi mà hoạt động mua bán chứng khoán diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thị trường chứng khoán chính là cơ sở làm cho quá trình cổ phần hóa theo đúng pháp luật và phù hợp với tâm lý của nhà đầu tư. Nếu không có thị trường chứng khoán thì vốn đầu tư qua chứng khoán sẽ bị bất động và như vậy sẽ rất khó khăn trong việc phát hành. Mục tiêu chủ yếu của cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác là thu hút mọi nguồn vốn nhỏ lẻ trong dân chúng vào đầu tư. Vì vậy, thị trường chứng khoán còn là tiền đề vật chất cho quá trình cổ phần hóa.
Ngược lại, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển thị trường sơ cấp cũng như hình thành thị trường thứ cấp ở Việt Nam. Việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp được cổ phần hóa làm sôi động hơn thị trường phát hành, chuyển hóa phần vốn tiết kiệm trong dân chúng thành vốn kinh doanh. Việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường tập trung làm tăng thêm và sôi động thêm lượng hàng hóa tại thị trường thứ cấp. Thực tế cho thấy, các cổ phiếu niêm yết tại thị trường tập trung hiện nay đều là cổ phiếu của các công ty cổ phần hình thành từ con đường cổ phần hóa.
Thứ năm, kích thích các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Khi tham gia niêm yết trên thị trường tập trung, các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định theo quy định như: vốn điều lệ, tình hình tài chính,… và các doanh nghiệp phải công khai tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo chế độ báo cáo định kỳ và