1.2.1. Nhóm nhân tố kinh tế
Thị trường chứng khoán chịu sự tác động của tình hình kinh tế chung và chất lượng hoạt động của các công ty, các doanh nghiệp. Tình hình kinh tế chung muốn nói ở đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất, lạm phát, sự ổn định của ngân sách quốc gia, sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung, là sự lành mạnh trong việc phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng nói riêng; đặc biệt là trong đầu tư và tín dụng đối với các thành phần kinh tế.
Về tăng trưởng kinh tế, giá cổ phiếu có xu hướng tăng khi nền kinh tế phát triển và giảm khi nền kinh tế kém phát triển; tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm cổ phiếu và tình hình biến động của từng cổ phiếu phụ thuộc vào tình hình hoạt động cụ thể của từng công ty.
Nhân tố quyết định sự tồn tại của hàng hóa chứng khoán là lợi thế khai thác sử dụng các nguồn lực của công ty, lợi thế kinh doanh và các nhân tố lợi thế vô hình khác mà công ty đã tạo dựng được, kể cả phần tích tụ lợi nhuận không chia của công ty cổ phần để tái đầu tư, tạo lợi thế so sánh cho hàng hóa của công ty. Nói cách khác, giá trị của hàng hóa chứng khoán là hình ảnh động phản ánh những giá trị hữu hình, vô hình của hàng hóa thực và xu thế hoạt động của công ty cũng như tình hình kinh tế cơ bản của công ty.
Mối quan hệ giữa lãi suất, lạm phát và giá cổ phiếu là gián tiếp và luôn thay đổi. Nguyên nhân là do luồng thu nhập từ cổ phiếu có thể thay đổi theo lãi suất và lạm phát. Sự thay đổi của luồng thu nhập này có làm tăng hay bù đắp cho mức biến động về lãi luất hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình lạm phát.
Trong điều kiện toàn cầu hóa về kinh tế như hiện nay, khi mà mối liên hệ giữa các nền kinh tế trên thế giới ngày càng trở nên khăng khít hơn thì sự biến động của nền kinh tế này (đặc biệt là các nền kinh tế lớn trên thế giới) có
thể ảnh hưởng dây chuyền đến các nền kinh tế khác. Trong đó, thị trường chứng khoán lại là một thị trường nhạy cảm, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ sự biến động của tình hình kinh tế thế giới nói chung.
1.2.2. Nhóm nhân tố phi kinh tế
Nhóm nhân tố ảnh hưởng chủ yếu tiếp theo là những nhân tố phi kinh tế, được nảy sinh từ các quan hệ ngoại giao, chính trị, xã hội… không chỉ trong phạm vi của một quốc gia, mà cả trên phạm vi toàn cầu; bao gồm sự thay đổi về các thay đổi chính sách pháp luật, điều kiện chính trị, ví dụ chiến tranh hoặc thay đổi cơ cấu Chính phủ, thay đổi về thời tiết và những nhân tố tự nhiên khác, và thay đổi về điều kiện văn hóa, như tiến bộ về công nghệ…
1.2.3. Nhóm nhân tố thị trường
Các nhân tố thị trường, là những nhân tố bên trong của thị trường, bao gồm sự biến động thị trường và mối quan hệ cung cầu có thể được coi là nhóm nhân tố thứ ba tác động tới giá cổ phiếu. Sự biến động thị trường là một hiện tượng chờ đợi thái quá từ việc dự tính quá cao giá trị thực chất của cổ phiếu khi giá cổ phiếu cao nhờ sự phát đạt của công ty, và ngược lại do dự đoán thấp giá trị tại thời điểm thị trường đi xuống. Mối quan hệ giữa cung và cầu được trực tiếp phản ánh thông qua khối lượng giao dịch trên thị trường, hoạt động của những nhà đầu tư có tổ chức, giao dịch ký quỹ… cũng có ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù số lượng giao dịch ký quỹ tăng khi mà giá cổ phiếu tăng, nhưng một khi giá cổ phiếu giảm số lượng cổ phiếu bán ra tăng và làm cho giá càng giảm [29, tr.19-20].