3.1.1. Chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Giao thông vận tải đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH. Vì vậy, cần ưu tiên đầu tư phát triển, để tạo tiền đề, làm động lực phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát triển GTVT đường bộ hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác, liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả.
Tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn, cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có ; xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, các trục cao tốc trọng yếu theo quy hoạch được duyệt ; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
Phát triển hệ thống đường bộ đảm bảo tính kết nối với hệ thống đường bộ các nước khu vực để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế.
Phát triển GTVT địa phương đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn kết được mạng GTVT địa phương với mạng giao thông quốc gia, tạo sự liên hoàn, thông suốt và chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với đa số người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới vào các lĩnh vực tư vấn, xây dựng, khai thác GTVT đường bộ với mục
tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành.
Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước để đầu tư phát triển; người sử dụng có trách nhiệm đóng góp phí sử dụng để bảo trì và tái đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo hành lang an toàn giao thông, việc bảo vệ công trình giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các ngành, toàn xã hội và của mỗi người dân.
3.1.2. Định hướng tăng cường quản lý nhà nước
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý.
- Để có cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với cơ chế thị trường của Việt Nam và thông lệ quốc tế, tạo được môi trường cạnh tranh, bình đẳng, công bằng cần sớm sửa đổi, hoàn thiện hệ thống Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật đất đai, Luật NSNN.. và các Nghị định hướng dẫn luật theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo và khắc phục các bất cập trong QLNN các dự án. Đồng thời, chuyển đổi hình thức đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn; Phân quyền, phân cấp quản lý đi kèm với phân cấp trách nhiệm... cần phải được đẩy mạnh.
- Với các dự án BOT, BT… dù là ngoài ngân sách cũng cần phải được quản lý chặt chẽ, theo đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ những bất cập trong quản lý các dự án, đồng thời rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTXD cơ bản nhằm đảm bảo thống nhất, dễ áp dụng, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trong quá trình quản lý các dự án.
Thứ hai, đảm bảo quy hoạch đầu tư:
- Quy hoạch đầu tư là nội dung hết sức quan trọng, nhằm xác định lĩnh vực cần đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư…; đảm bảo mối liên kết giữa các dự án đầu tư và chiến lược phát triển KT-XH quốc gia.
- Quy hoạch cũng cần xác định rõ kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở đó phân định lĩnh vực đầu tư thuộc phần vốn nhà nước (trong đó có vốn ngân sách và các nguồn vốn khác). Từ đó, có cơ sở hướng các nguồn lực bên ngoài vào các lĩnh vực cần ưu tiên. Đồng thời, hỗ trợ công tác quản lý tài chính công nói chung trong việc cân đối giữa các cam kết và nguồn lực trong dài hạn. Thiết lập một khung khổ cho việc chuẩn bị, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư.
Thứ ba,nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý vốn đầu tư.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý vốn đầu tư nhà nước, thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, về các kỹ thuật và quy trình quản lý vốn, QLDA, quản lý tài chính.
- Tăng cường công tác QLNN về hoạt động đầu tư phát triển, công tác quản lý vốn ĐTXD công trình. Xây dựng tiêu chí phân bổ vốn ĐTXD cơ bản; phân cấp quản lý và công tác kế hoạch vốn đầu tư phù hợp; thực hiện tốt công tác đánh giá đầu tư (đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và tác động).
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý sau đầu tư một cách hiệu quả, bền vững, phù hợp với từng loại công trình; xây dựng điều chỉnh, bổ sung bộ đơn giá xây dựng theo từng khu vực, địa phương để tham khảo áp dụng vào điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
- Tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trong QLNN về đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Sớm hoàn thành việc rà soát, phân loại đối với những dự án, công trình đang được đầu tư từ vốn nhà nước, nhưng thiếu vốn để tiếp tục triển khai và những dự án đã quyết định đầu tư chưa được bố trí vốn; Đề xuất
đổi sang các hình thức đầu tư khác, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc tạm dừng thực hiện đến khi có điều kiện cân đối, bố trí vốn, thì phải có biện pháp bảo toàn giá trị công trình dở dang…
- Giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ban hành quy định trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm cụ thể cho các chủ đầu tư, các ban QLDA, các nhà thầu về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu và thi công.