Kinh nghiệm hoạt động khai thác đá vôi của một số nước trên Thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá vôi đến môi trường tự nhiên huyện kinh môn (Trang 34 - 38)

1.1.2 .Tác động của hoạt động khai thác khoáng sản tới môi trường tự nhiên

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Kinh nghiệm hoạt động khai thác đá vôi của một số nước trên Thế giới

Hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá vôi nói riêng phát triển mạnh trong một thập niên vừa qua ở nhiều quốc gia Châu Á giàu tài nguyên như Campuchia, Indonesia, Phillipines và Ấn Độ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Mặc dù khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá vôi nói riêng là nguồn thu quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia, việc phát triển ngành này cũng mang lại những tác động môi trường và xã hội nghiêm trọng. Các phương pháp khai thác mỏ đá hiện nay là dùng mìn nổ hoặc khoan đều rất thô sơ và không hề có nỗ lực nào nhằm khôi phục lại những khu vực đã khai thác do chi phí khôi phục thường cao hơn nhiều so với giá trị mà việc khai thác đá mang lại. Trong khi các công ty khai thác ở các nước đang phát triển ở Châu Á đều ít quan tâm đến vấn đề này; trong khi đó, bản thân các chính phủ của các quốc gia này lại thiếu năng lực hành chính - kỹ thuật cũng như ý muốn chính trị để quản lý và kiểm soát hiệu quả. Và thực tế nhiều thỏa thuận khai thác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thường thiếu minh bạch, dẫn đến hậu quả càng trở nên nghiêm trọng. Ở các quốc gia này, việc quản lý thuộc thẩm quyền liên ngành, nên thực tế có nhiều những mâu thuẫn, chồng chéo: Như ở Ấn Độ, Tổng cục

Mỏ phụ trách về kế hoạch khai mỏ và đóng mỏ và tiến hành hoạt động giám sát và quản lý theo Quy chế Bảo tồn và Phát triển Khoáng sản (1998), gồm cả việc quản lý đối với ô nhiễm không khí và xả thải chất độc hại. Mặc dù Tổng cục này có trách nhiệm rõ ràng đối với các vấn đề môi trường nhưng họ lại không có thẩm quyền đánh giá tác động môi trường và lập kế hoạch quản lý môi trường do Bộ Môi trường và Lâm nghiệp thực hiện. Ban kiểm soát ô nhiễm quốc gia lại có thẩm quyền đồng ý với việc thiết lập, vận hành hệ thống khai thác mỏ và theo dõi ô nhiễm nước và không khí. Cơ quan này có chức năng tương tự như Tổng cục Mỏ nhưng hoạt động dựa trên một cơ sở pháp lý khác, cụ thể là Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước 1974 và Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí 1984.

Ở Bangladesh, theo một chuyên gia về khai thác mỏ tại nước này, vấn đề chính là không có sự điều phối giữa các cơ quan chính phủ khác nhau. Điều này dẫn tới sự quản lý chồng chéo các dự án và chỉ có một vài dự án tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Ngoài những vấn đề trên, việc quản lý khai thác khoáng sản cũng như khai thác đá nói riêng gặp không ít khó khăn do các quy định pháp luật không rõ ràng, năng lực quản lý yếu kém, hoặc do thiếu sự trao đổi và chính sách liên ngành…Tuy nhiên, với nhiều quốc gia khác có cách áp dụng tiếp cận tổng thể trong quản lý tài nguyên và môi trường đang mang lại những lợi ích quan trọng. Trong đó, cộng đồng dân cư những người trực tiếp gánh chịu các tác động qua lại từ khai thác sẽ đưa ra ý kiến của mình, các tổ chức phi chính phủ nâng cao nhận thức và tham gia vào các dự án để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia tài nguyên, các nhà hoạch định áp dụng cách nhìn đồng bộ này vào trong quyết định của mình [25].

1.2.3. Những tác động đến môi trường tự nhiên do hoạt động khai thác đá vôi ở Việt Nam

Đá vôi là một loại tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Trên Trái đất, đá vôi chiếm khoảng 10% diện tích bề mặt, nhưng ở Việt Nam tỉ lệ này cao

hơn, tới gần 20% diện tích lãnh thổ phần đất liền, tức khoảng 60.000km2. Đặc biệt, đá vôi tập trung hầu hết ở miền Bắc, có nơi chiếm tới 50% diện tích toàn tỉnh như Hoà Bình (53,4%), Cao Bằng (49,47%), Tuyên Quang (49,92%), Hà Giang (38,01%). Nhiều thị xã, thị trấn nằm trọn trên đá vôi như Mai Châu (Hoà Bình), Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La), Tủa Chùa, Tam Đường (Lai Châu), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)...

Như vậy, chúng ta thấy, đá vôi là loại đá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Nên việc khai thác và sử dụng hợp lí kết hợp với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan đá vôi phục vụ cho mục đích kinh tế là vấn đề cần quan tâm giải quyết của cả các địa phương và Nhà nước hiện nay.

Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác đá vôi của các địa phương khu vực Đông Bắc đều đã có quy hoạch, các mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng làm cơ sở cấp phép khai thác.

Đá vôi được khai thác phục vụ nhiều mục đích, trong đó quan trọng là đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và đá vôi là vật liệu xây dựng thông thường. Nguồn nguyên liệu đá vôi để sản xuất xi măng của nước ta rất dồi dào, chất lượng khá tốt tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp xi măng phát triển. Chính vì vậy, trong những năm gần đây với tốc độ phát triển không ngừng của ngành, nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất xi măng khan hiếm, do vậy việc khai thác hợp lí, hiệu quả nguồn đá vôi xi măng có ý nghĩa sống còn của ngành công nghiệp xi măng. Mặt khác, sự phân bố các mỏ đá vôi không đều, chỉ tập trung ở một số khu vực chủ yếu. Một số mỏ có chất lượng nguyên liệu biến động, điều kiện khai thác khó khăn. Một số mỏ là các hang động Kart trở thành danh lam thắng cảnh nên không được phép khai thác. Theo số liệu báo cáo kết quả của Dự án điều tra lập hệ thống dữ liệu tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng và các dự án quy hoạch vật liệu xây dựng trong cả nước của Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng thì

trong số 190 mỏ khoáng sản đá vôi đã được khảo sát thì trữ lượng dự báo khoảng 22,2 tỉ tấn, trong đó có 28 mỏ khoáng sản đá vôi có quy mô lớn (trữ lượng trên 100 triệu tấn), 19 mỏ có quy mô vừa (từ 20 - 100 triệu tấn).

Đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường gồm các loại đá: đá macma, đá trầm tích, đá biến chất.. Các loại đá này cũng phân bố chủ yếu ở vùng cao phía Bắc và miền Trung có trữ lượng rất lớn, đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu xây dựng trong nước, riêng các mỏ đá được tìm kiếm, khảo sát, thăm dò làm đá xây dựng ước tính lên đến khoảng 42 tỷ m3.

Về tình hình khai thác đá vôi hiện nay ở nước ta thì, hầu hết các tỉnh trên cả nước đều có các cơ sở khai thác đá, riêng miền Bắc đã có tới 340 mỏ có quy mô lớn và rất nhiều các điểm khai thác đá vôi với quy mô nhỏ đang hoạt động. Hầu hết các mỏ khai thác đá vôi đều sử dụng công nghệ và thiết bị khai thác tiên tiến và hiện đại. Đa số các mỏ đã được thăm dò đều được khai thác triệt để và có hiệu quả. Song tình hình khai thác tự phát và không đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật còn khá nhiều. Nhiều mỏ khai thác chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế do vậy cũng gây lãng phí tài nguyên. Đặc biệt, phổ biến là các mỏ có công suất vừa và nhỏ khai thác dựa theo lợi ích trước mắt, khai thác không theo quy hoạch, không đúng thiết kế, và ở tất cả các mỏ khai thác đá vôi đều sử dụng thiết bị khoan - nổ mìn, khai thác lộ thiên do vậy gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an toàn và tổn thất tài nguyên lớn. Hơn nữa, công tác quản lí nhà nước về nguồn tài nguyên địa phương chưa thực sự nghiêm túc, nhiều mỏ địa phương khai thác không có giấy phép, không có thiết kế.

Công nghiệp khai thác đá vôi ở nước ta đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới cả về quy mô và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Tuy vậy, hoạt động khai thác đá vôi đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và an toàn người lao động.

Những tác động rõ nét nhất tới môi trường tự nhiên do khai thác đá vôi đó là làm biến dạng diện mạo và cảnh quan khu vực, chiếm dụng nhiều diện tích trồng trọt, cây xanh để mở khai trường và đổ đất đá thải, làm ô nhiễm không khí do bụi, khí thải, ô nhiễm nguồn nước và đất đai quanh mỏ. Sau quá trình khai thác mỏ thường để lại các dạng địa hình có nguy cơ gây sạt lở cao, làm ô nhiễm môi trường gây nguy hiểm cho con người, súc vật, động vật hoang dã trong khu vực sau khai thác.

Như vậy, tác động của hoạt động khai thác đá vôi đến môi trường tự nhiên là rất rõ nét. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hoàn thổ phục hồi môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản vẫn còn là vấn đề rất mới mẻ cả về cơ chế chính sách cũng như công nghệ và biện pháp thực hiện. Đến nay, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường chưa có được vai trò quan trọng thực sự trong hoạt động sản xuất mỏ. Phần lớn các vùng đã khai thác đá vôi chưa được hoàn thổ phục hồi môi trường, nhiều nơi đang bị suy thoái, hoang hoá và đang phải gánh chịu hậu quả của các tác động do khai thác, chế biến đá trước đây và hiện tại do chưa được cải tạo, phục hồi gây ra [25].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá vôi đến môi trường tự nhiên huyện kinh môn (Trang 34 - 38)