Để thực hiện tốt, giáo viên cần nắm vững những yêu cầu cơ bản và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong từng tiết học với từng kiểu bài, từng đối tượng cụ thể. Nhìn chung, có thể tiến hành theo phương pháp sau cần:
* Giáo viên cần chuẩn bị cho mình lời mở đầu sao cho có thể thu hút người nghe hoặc gây tác động kích thích không khí lớp học sôi nổi. Giáo viên nên gọi những em bạo dạn, có khả năng nói tốt để mở đầu, tránh gọi những em nhút nhát, khả năng nói còn yếu nói trước.
* Tạo nhu cầu, không khí tốt cho học sinh nói:
- Biết tạo nhu cầu nói cho học sinh để học sinh có nhu cầu nói thì đề tài phải có vốn sống, vốn hiểu biết của các em đánh thức ở các em những gì các em đang có. Trước mỗi giờ học giáo viên phải tạo bầu không khí hào hứng, cách nêu vấn đề phải hấp dẫn để lôi cuốn học sinh vào học tập.
- Biết tạo hoàn cảnh nói tốt, ngoài việc tránh sự tác động ở bên ngoài, giáo viên còn phải biết thiết lập một quy tắc tế nhị trong hội thoại. Khi học nói ngoài việc nghe, giáo viên cũng cần chú ý đến hoạt động chung của cả lớp, chú ý đến tất cả những lời động viên, những ánh mắt nhìn bạn bè với người nói. Đặc biệt giáo viên phải vui vẻ, tuyệt đối không có những lời nói, những cử chỉ gay gắt với học sinh kể cả khi không vừa ý.
* Tạo tính tự tin: Để học sinh tự tin khi nói giáo viên phải tạo được bầu không khí học tập thân mật cởi mở, giáo viên cần khéo léo khuyến khích, động viên cho các em bộc lộ và phát huy khả năng, biết gợi ý đúng lúc khi các em lúng túng, không ngắt lời của học sinh để nhận xét làm cho các em hoang mang thiếu tự tin và hứng thú để nói tiếp.
* Trong khi học sinh nói, giáo viên tổ chức cho các học sinh khác lắng nghe và hạn chế các yếu tố gây nhiễu trong quá trình học sinh nói. Đồng thời giáo viên cần phải chú ý lắng nghe học sinh nói, biết tiếp sức cho học sinh đúng lúc, các em gặp khó khăn trong việc chọn từ để diễn đạt, phải giúp đỡ kịp thời nếu học sinh nói lan man, ý rời rạc không thể hiện rõ nội dung, giáo viên có thể khéo léo ngắt lời học sinh để các em điều chỉnh bằng cách tự đặt câu hỏi. Sử dụng câu hỏi gợi mở để dẫn dắt học sinh tìm ý hoặc gợi tìm từ ngữ diễn đạt mỗi khi lúng túng. Giáo viên cần kiên trì hướng dẫn học sinh tập nói theo dàn bài một cách tự nhiên, không gò ép. Khuyến khích học sinh nói nhiều cách khác nhau, khai thác sắp xếp ý theo cách riêng của mình miễn là bám sát theo yêu cầu chung: Hướng dẫn học sinh tập nói từng ý, nói 2 đến 3 ý liên tục, nói một đoạn, một phần bài và tiến tới nói toàn bài (nhất là học sinh khá giỏi), mỗi ý giáo viên thường cho 2 - 3 em học sinh tập nói. Đây là nhiệm vụ chính của tiết học. Tùy theo trình độ của học sinh mà giáo viên có thể yêu cầu các em nói từng ý, từng đoạn hay cả bài, yêu cầu học sinh khác lắng nghe và nhận xét kết quả trình bày của bạn về ý xem bạn đã đúng, đủ và cụ thể hay chưa về lời, về cách dùng từ đặt câu, diễn đạt có chính xác hay không, sau đó giáo viên tóm tắt những ý học sinh đã nói, chỉ rõ ưu, khuyết điểm và đặt biệt nếu học sinh trình bày tốt hoặc có nhiều cố gắng, giáo viên biểu dương và cho
điểm, dẫn dắt hoặc gợi ý tìm từ ngữ diễn tả mỗi khi học sinh lúng túng. Hướng dẫn học sinh tập nói theo dàn bài giúp học sinh trình bày bài nói một cách tự nhiên, thoải mái. Yêu cầu học sinh còn lại nghe bạn trình bày để nhận xét, rút kinh nghiệm cho bản thân. Giáo viên giúp học sinh thấy rõ ưu, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, đồng thời khen ngợi, động viên học sinh kịp thời.
* Nâng dần mức độ nói từ thấp đến cao (theo đối tượng học sinh) Ví dụ:
+ Với học sinh trung bình, giáo viên gợi ý các em nói miệng mở bài trực tiếp (hoặc thân bài nói một phần nhỏ như tả ngoại hình...), ví dụ: Với bài văn “Tả hình dáng và tính tình của bà em ” các em chỉ cần nói được như “Trong gia đình người em yêu quý nhất đó là bà”.
+ Với học sinh khá giỏi các em nói kiểu mở bài gián tiếp (hoặc nói cả phần thân bài, cả bài …). Như “Chuông đồng hồ buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió khua xào xạc trong khu vườn trước ngõ. Em rời bàn học ra trước thềm, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn lại bài tập toán nữa, em phải làm cho hết mới đi ngủ. Em nghe từ trong nhà có tiếng trở mình khe khẽ, hình như bà nội còn thức để chờ em”