Các bài thực hành nói giúp học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp, các em được rèn luyện sự tự tin, bạo dạn. Tuy nhiên, từ việc nói ra những câu văn giàu tình cảm, cảm xúc thì học sinh cũng cần có những kĩ năng trong quá trình thực hành viết các bài văn, đoạn văn cụ thể. Có những em nói rất hay và tự tin nhưng cách viết lại chưa phù hợp, hoặc là các em sử dụng ngôn ngữ nói vào trong bài viết của mình, hoặc cách dùng từ, đặt câu, cách ngắt nghỉ, liên kết các câu, các đoạn văn chưa thật hợp lý. Bởi vậy, từ việc học lý thuyết kết hợp với quá trình quan sát, ghi chép, giáo viên cần phải định hướng cho học sinh thực hành viết có hiệu quả.
Ví dụ: Với bài văn “Tả một em bé đang tuổi tập nói, tập đi” trong giờ tập làm văn miệng có em viết “mái tóc của em bé mỏng manh như mảnh giấy được tạo bởi những sợi tơ ngắn”. Để sửa các em dùng từ, giáo viên gọi bạn nhận xét với gợi ý câu hỏi như: cách dùng từ để so sánh mái tóc em bé như vậy đã phù hợp chưa? Học sinh nhận xét, giáo viên hướng dẫn học sinh sửa như: “mái tóc của em bé mềm mượt như tơ”
* Mở rộng thêm ý văn bổ sung về cảm xúc cho các em. Nếu học sinh chưa sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì giáo viên phải gợi mở để bổ sung ý văn và rèn tư duy ngôn ngữ cho các em.
Ví dụ:
+ Với bài văn “Tả hình dáng và tính tình của cô giáo” một học sinh nêu: “Mái tóc đen nhánh ôm lấy khuôn mặt hồng hào của cô, thật dễ mến”. Một học sinh khác sửa lại: “Mái tóc đen nhánh mượt mà như dòng suối ôm lấy khuôn mặt trái xoan hồng hào của cô, thật dễ mến”
+ Với bài văn “Tả hình dáng và tính tình của bà em” một học sinh viết: ”Bà em có đôi mắt ánh lên vẻ hiền từ và những nếp nhăn đã hằn sâu khuôn mặt phúc hậu của bà, tóc bà bạc trắng”. Để mở rộng thêm ý văn, cô giáo hỏi: Đứng nhìn ngắm bà gợi cho em cảm xúc gì? (Lòng yêu thương vì bà đã vất vả nắng sương nên tóc bà bạt trắng, mắt mờ, lưng còng, em kính trọng bà và yêu thương bà đễ bà lúc nào cũng vui).
+ Trong bài văn tả cảnh sinh hoạt, có em nêu: “Từ các cửa lớp, học sinh ùa ra sân trường. Sân trường bỗng nên ồn ào. Những chiếc áo hoa, áo trắng, áo màu thật nhộn nhịp”. Nội dung như thế là được. Câu văn gọn, rõ ý. Nhưng để sinh động hơn, học sinh có thể sửa lại: “Từ các cửa lớp, học sinh ùa ra như một đàn ong vỡ tổ. Sân trường bỗng nên ồn ào. Những chiếc áo hoa, áo trắng như những đàn bướm đủ màu sắc bay rập rờn”.
* Mở rộng thêm ý văn bổ sung và rèn tư duy ngôn ngữ cho các em để bài văn sinh động, học sinh có hứng thú học tập. Học sinh đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì giáo viên có thể gợi mở thêm để từ một ý mà cảm nhận qua nhiều hình ảnh khác nhau.
Ví dụ: Với bài văn “Tả cảnh sông nước” có em nêu: “Ngoài khơi, đoàn thuyền đánh cá trông như những cánh bướm bay dập dờn trên mặt biển”.
Câu văn giàu hình ảnh có dùng biện pháp nghệ thuật như thế là tốt, nhưng để học sinh tránh lặp các hình ảnh so sánh giống nhau của em này với em kia thì giáo viên gợi mở để học sinh có nhiều hình ảnh so sánh khác nhau như: “Ngoài khơi, đoàn thuyền đánh cá trông như những hộp đồ chơi của trẻ em”. “Dọc dờ biển, hàng dừa như những chú Hải quân đang ngày đêm đứng canh giữ biển đảo” hoặc “Dọc dờ biển, hàng dừa đang nghiêng mình che mát cho khách du lịch” hoặc “Dọc dờ biển, hàng dừa đang nghiêng mình soi bóng xuống mặt biển”.