2.3. Thiết kế các tình huống dạy học kiến tạo kiến thức trong môn Toán
2.3.4. Tình huống 4: Dạy học bài “Dấu hiệu chia hết cho 2” (Toán lớp –
trang 94)
Ôn tập củng cố
Giáo viên ghi các số 10; 22; 34; 46; 58; 31; 43; 55; 67; 79. Học sinh thực hiện phép chia, lấy các số đó chia cho 2 rồi hoàn thành bảng sau:
Chia hết cho 2 Không chia hết cho 2
Nêu vấn đề
Trong phép chia có phép chia hết và phép chia có dư, làm thế nào để xác định được một số có chia hết cho 2 hay không? Và các số chia hết cho 2 có đặc điểm gì?
Tập hợp các ý tưởng của học sinh, so sánh các ý tưởng và đề xuất ý tưởng chung cho cả lớp
Học sinh thống nhất ý kiến: Để xác định một số có chia hết cho 2 hay không thì ta thực hiện lấy số đó và chia cho 2.
Dựa vào bảng đã hoàn thành ở trên, học sinh quan sát và đưa ra dự đoán về đặc điểm của một số chia hết cho 2 (hoặc giáo viên có thể gợi ý học sinh chú ý tới các chữ số tận cùng để đưa ra dự đoán).
Dự đoán (đề xuất giả thiết) Học sinh đưa ra dự đoán:
-Dự đoán 1: Các số có chữ số tận cùng là 0; 2; 4; 6; 8 thì chia hết cho 2. -Dự đoán 2: Các số có chữ số tận cùng là 1; 3; 5; 7; 9 thì không chia hết cho 2.
Học sinh kiểm tra giả thiết
Giáo viên chia lớp thành các nhóm (tùy thuộc vào số lượng học sinh của lớp) và giao nhiệm vụ cho các nhóm.
-Nhóm chẵn tìm các số có chữ số tận cùng là 0; 2; 4; 6; 8 để kiểm chứng dự đoán 1.
-Nhóm lẻ tìm các số có chữ số tận cùng là 1; 3; 5; 7; 9 để kiểm chứng dự đoán 2.
Sau khi các nhóm kiểm chứng dự đoán, học sinh rút ra kết luận giả thuyết đúng.
Rút ra kết luận chung (hình thành kiến thức mới)
Các số có chữ số tận cùng là 0; 2; 4; 6; 8 thì chia hết cho 2.
Các số có chữ số tận cùng là 1; 3; 5; 7; 9 thì không chia hết cho 2. Giáo viên có thể củng cố thêm cho học sinh: “Những số có tận cùng là 0; 2;4;6; 8 là số chẵn” và “Những số có tận cùng là 1; 3; 5; 7; 9 là số lẻ”.
Vận dụng
Thực hiện bài tập 1 trang 95, sách giáo khoa toán lớp 4.
2.3.5. Tình huống 5: Dạy học bài: “Dấu hiệu chia hết cho 5” (Toán lớp 4 – trang 95)
Ôn tập, tái hiện
a) Cho các số: 10; 18; 25; 30; 32; 45; 49 số nào chia hết cho 2? b) Tính:
20 : 5 = 45 : 5 = 22 :5 = 25 : 5 = 36 : 5 = 15 : 5 =
Nêu vấn đề
Ta tìm ra được dấu hiệu chia hết cho 2 từ việc lấy các số đã biết đem chia cho 2 rồi nhận xét chữ số tận cùng của số đó. Vậy để tìm được dấu hiệu chia hết cho 5 hay để biết một số có chia hết cho 5 hay không thì ta làm như thế nào?
Tập hợp các ý tưởng của học sinh, so sánh và đề xuất cách giải chung của cả lớp
Học sinh đưa ra ý tưởng:
-Có thể tìm được dấu hiệu chia hết cho 5 dựa vào việc quan sát và nhận xét bảng chia 5.
-Có thể tìm được dấu hiệu chia hết cho 5 bằng cách lấy các số bất kì đem chia cho 5 rồi nhận xét và rút ra kết luận.
Cả lớp thống nhất và đưa ra lựa chọn: Lấy các số bất kì đem chia cho 5 rồi nhận xét chữ số tận cùng của các số đó để rút ra kết luận.
Dự đoán (đề xuất giả thiết) Học sinh đưa ra dự đoán:
-Các số có chữ số tận cùng là 0 hoặc 5 thì chia hết cho 5.
-Các số có chữ số tận cùng là 1; 2; 3; 4; 6; 7; 8; 9 thì không chia hết cho 5.
Kiểm tra giả thiết
Giáo viên chia học sinh thành các nhóm, mỗi nhóm tìm 6 số bất kì sau đó lấy các số đó chia cho 5. Kết hợp quan sát kết quả vừa tìm được và phần b (ở mục ôn tập, tái hiện) để kiểm chứng giả thiết.
Kết luận giả thiết đưa ra là đúng.
Rút ra kết luận chung (hình thành kiến thức mới)
Các số có chữ số tận cùng là 0 hoặc 5 thì chia hết cho 5.
Các số không có chữ số tận cùng là 0 hoặc 5 thì không chia hết cho 5.
Thực hiện bài tập 1trang 96, sách giáo khoa toán lớp 4.