Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường đối với vấn đề giáo dục trẻ nhằm đạt mục tiêu phát triển nhân cách con người công dân của chế độ chủ nghĩa xã hội được coi là một nguyên tắc quan trọng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trước hết là đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp đồng tâm hợp lực tập trung sức mạnh kích thích thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách sau này, tránh sự tách rời, mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau.
Gia đình và nhà trường phối hợp thống nhất trước tiên là nội dung hoạt động giáo dục bao gồm việc nuôi dưỡng, việc dạy dỗ của gia đình đối với trẻ mầm non. Gia đình và nhà trường cần thống nhất cách thực hiện chế độ sinh hoạt
cho trẻ khi trẻ ở trường cũng như ở nhà để tạo cho trẻ nề nếp, thói quen tốt với mọi hoạt động của trẻ.
Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu là tất cả các lực lượng phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo đối với trẻ mầm non sẽ trở thành những người công dân hữu ích của đất nước trong tương lai. Vì vậy gia đình không thể cho việc phối hợp giáo dục là trách nhiệm chỉ của riêng nhà trường, hoặc ngược lại coi đó là nhiệm vụ chính yếu của gia đình. Bởi vậy mỗi lực lượng giáo dục đều phải có trách nhiệm trong quan hệ chủ động phối hợp. Đối với gia đình, các bậc cha mẹ của trẻ mầm non cần phải thường xuyên duy trì các hình thức sau:
- Tham gia tích cực vào tổ chức hội phụ huynh của trường.
- Các bậc cha mẹ cần tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh để nắm vững mục đích, nội dung, yêu cầu đối với việc giáo dục trẻ em.
- Xây dựng, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”
- Gia đình cần bố trí thời gian tham dự một số tiết dạy của giáo viên.
- Gia đình cần duy trì liên hệ thường xuyên , đều đặn với nhà trường vào cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng, trong từng kì để kịp thời nắm rõ tình hình sức khỏe, vui chơi, học tập của con em mình.
Để công tác giáo dục diễn ra thường xuyên, liên tục và có hiệu quả, nhà trường mà người đại diện là giáo viên phụ trách lớp cần tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững hồ sơ và đặc điểm tâm lí của từng trẻ trong đó bao gồm việc tìm hiểu về gia đình của các cháu. Thông thường, giáo viên phụ trách lớp thường sử dụng các hình thức sau:
- Họp với phụ huynh một cách định kì (hoặc đột xuất) - Thông qua sổ liên kết giáo dục
- Mời phụ huynh tới trường
- Thông qua việc trao đổi trực tiếp với các bậc phụ huynh khi đón trả trẻ - Có kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho các bậc cha mẹ về mục tiêu, chính sách giáo dục cũng như các phương pháp giáo dục trẻ em ở từng độ tuổi.
Tiểu kết chương 1
Thói quen giao tiếp có văn hóa được hình thành trong cuộc sống, trong quá trình lĩnh hội kinh nghiệm của loài người, có nguồn gốc phát triển bên ngoài đứa trẻ. Chúng được hình thành dưới tác động của các yếu tố có thể ảnh hưởng tới trẻ đang ở xung quanh trẻ. Mà gia đình và nhà trường là hai môi trường mà trẻ thường xuyên tiếp xúc và cũng là nơi chính để trẻ lĩnh hội kiến thức chủ yếu, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân trẻ. Vì vậy vai trò của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên vấn đề ở dây chính là hai môi trường: gia đình và nhà trường hiện nay chưa có sự thống nhất trong chăm sóc – giáo dục, vì vậy mà chưa đưa ra được các biện pháp đáp ứng được các yêu cầu của nền giáo dục hiện nay. Nhà trường là nơi trẻ lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm chuẩn để tích lũy làm nền tảng cho trẻ đi đế tương lai. Thì gia đình và xã hội chính là nơi để trẻ thực hành các kiến thức và kinh nghiệm mà trẻ đã lĩnh hội được ở nhà trường. Nhưng do nhà trường và gia đình hiện nay chưa xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ mà công tác chăm sóc – giáo dục trẻ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện về nhiệm vụ giáo dục đã đánh giá như sau: “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình ngược lại sẽ có ảnh hưởng không tốt tới trẻ và kết quả cũng sẽ không tốt. Cho nên, muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, gia đình, toàn thể xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau”.
Vì vậy, cần đề xuất một số biện pháp giúp xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường được chặt chẽ và đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của nền giáo dục.
Chương 2: THỰC TRẠNG XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH NHẰM RÈN THÓI QUEN GIAO TIẾP