Thơ Trần Hoàng Vy dễ đến với mọi tấm lòng, không chỉ vì nội dung, mà còn do giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc. Điều này được bộc lộ khá rõ trong “98 bài thơ thiếu nhi”, tập thơ đặc sắc nhất của ông. Giọng thơ tâm tình, nhẹ nhàng đã góp phần quan trọng vào thành công của tập thơ làm cho nó nhanh chóng đến với người đọc và sống lâu bền trong lòng nhân dân.
Nhà thơ tâm tình với trẻ nhỏ bằng cách đưa các cháu đến những bài học nhẹ nhàng mà các cháu tự khám phá ra. Từ câu chuyện của chú dê con bú mẹ mà mẹ tâm sự với con về sự lễ phép, về tình thương:
“Dê con lễ phép, thật ngoan Biết thương mẹ khi… bú tí Như con thuở bé cũng ngoan!” (Dê con bú mẹ)
Là lời tâm sự khi cháu nhớ chú Út đi lính hải quân gửi thư như gửi sóng về:
“Chú Út đi lính hải quân
Thư từ đảo gửi người thân đất liền Nghe mùi vị biển, chữ nghiêng
Hình như có sóng từ miền Trường Sa?” (Chú ở Trường Sa)
Là vẳng lời mẹ nói khi ghi nhật kí học trò ngắn thôi nhưng phải đủ cả việc tốt và việc xấu, trong Trang nhật kí đầu tiên:
“Mẹ nói nhật kí… ngắn thôi Ghi lại những chuyện qua rồi Cái gì làm tốt phải nhớ
Chuyện xấu phải biết sửa thôi.”
Là khi cháu hiểu vì sao gọi Nội - Ngoại khác nhau:
“Nghe có hơi… rắc rối Nhưng mà cháu hiểu rồi Con cậu gọi bằng nội Con cô, dì… ngoại thôi!”
Như vậy giọng điệu trong thơ Trần Hoàng Vy rất đa dạng: có giọng bông đùa vui tươi; có giọng triết lý, răn dạy; có giọng đôn hậu chân tình và đôi lúc còn đan xen cả giọng điệu hóm hỉnh... Một tập thơ đan xen nhiều giọng, nhưng cái tài của Trần Hoàng Vy chính là sự linh hoạt trong cách xử lí giọng điệu để làm bật lên ý tưởng nghệ thuật của mình, làm cho mọi lời văn trong cả tập thơ tất cả đều không bị rơi vào tình trạng lạc điệu, “lạc bè”. Đây cũng chính là một thành tố rất quan trọng cấu thành nên những nét độc đáo trong thế giới nghệ thuật của tập thơ này.