CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2 THỰC TRẠNG VỀ NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC VĂN
3.2.2. Về kỹ năng chuyên môn:
Công chức Văn phòng Chính phủ có trình độ chuyên môn cao, nhưng chủ yếu tập chung vào khối tham mưu nghiên cứu và có tuổi đời tương đối cao, đã có thâm niên công tác lâu dài trong lĩnh vực mình phụ trách. Đây cũng là một vấn đề cần đặt ra đối với việc phát triển đội ngũ kế cận, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng được nhiệm vụ. Có rất nhiều loại nghiệp vụ liên quan đến công tác chuyên môn của các vị trí công tác khác nhau (nghiệp vụ công tác tổ chức - cán bộ, công tác văn phòng, công tác kế toán, thông tin-tuyên truyền, quản lý ngành, lĩnh vực, công tác đối ngoại...). Các tri thức nghiệp vụ này không có sẵn trong chương trình đào tạo
chính quy tại các nhà trường, mà cần phải được trang bị trong quá trình công tác. Cũng như đa số các cơ quan hành chính nhà nước khác, Văn phòng Chính phủ hiện nay chưa xác định được là có bao nhiêu loại nghiệp vụ chuyên ngành cần phải được đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu và cần trang bị đến đâu và bằng cách nào. Do vậy, trên thực tế, nhiều người còn bị hạn chế về mặt này.
3.2.2.1 Về kỹ năng hành chính
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước đã xác định: “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, của cán bộ, công chức, đặc biệt là kỹ năng hành chính”; Chỉ thị 05/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 1 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; triển khai thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước. Để góp phần nâng cao năng lực hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã ban hành các Quyết định quy định về quy trình, cách thức, tác phong, làm việc, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 26/QĐ-VPCP ngày 01/3/2012 về Quy chế tiếp nhận, xử lý, ban hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Chính phủ; Quyết định 700/QĐ-VPCP ngày 06/8/2014 về Quy chế tổ chức phục vụ tiếp khách quốc tế và đi công tác nước ngoài của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 1846/QĐ-VPCP ngày 29-12-2006 về quy trình lễ tân phục vụ các hoạt động của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ; Quyết định 1686/QĐ-VPCP ngày 07 - 11 - 2010 về quy chế quản lý, sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng tin học nội bộ và mạng kết nối Internet của Văn phòng
Chính phủ; Quyết định 505/QĐ-VPCP ngày 8-2-2014 về việc ban hành mẫu trình bày văn bản tại Văn phòng Chính phủ; Quyết định 94/QĐ-VPCP ngày 8-2-2014 quy định về tổ chức, phục vụ các chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyế định 673/QĐ-VPCP ngày 25-7-2014 ban hành quy chế tổ chức phục vụ các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 761/QĐ-VPCP ngày 28-8-2014 ban hành kỹ năng thẩm tra dự án, dự thảo văn bản Quy phạm pháp luật tại Văn phòng Chính phủ.
Các quy định trên là cơ sở pháp lý, là công cụ để công chức Văn phòng Chính phủ thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ một cách hiệu quả. Phần lớn các công chức có kỹ năng tốt, linh hoạt, có kinh nghiệm trong xử lý các tình huống, phương pháp làm việc khoa học, biết sử dụng các phương tiện, công cụ cũng như kiến thức về nghiệp vụ hành chính. Tính từ năm 2008 đến 2014, trung bình mỗi năm Văn phòng Chính phủ tổ chức phục vụ gần 600 cuộc họp, Hội nghị, làm việc của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ với các Bộ ngành, địa phương; gần 300 cuộc tiếp khách trong nước và cuộc họp, tiếp khách quốc tế của lãnh đạo Chính phủ; Phục vụ tốt các chương trình đối ngoại của Chính phủ, trong đó có hàng chục chuyến công tác nước ngoài và đón các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam chu đáo, an toàn, đáp ứng yêu cầu. Công tác chuẩn bị, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, làm việc của lãnh đạo Chính phủ thực hiện chu đáo, nền nếp theo quy chế mới. Chất lượng phục vụ có nhiều tiến bộ, nhất là trong khâu chuẩn bị chương trình, nội dung ghi chép biên bản, thống báo kết luận. Tăng cường Hội nghị trực tuyến để tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng thời lượng thảo luận và mở rộng thành phần tham dự.
Công tác hành chính, văn thư, lưu trữ có nhiều đổi mới, cách làm khoa học và chặt chẽ, có tính chuyên nghiệp,thực hiện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý văn bản trên môi trường mạng, đẩy mạnh thực hiện hành
chính điện tử. Việc tiếp nhận, xử lý, phát hành văn bản được thực hiện nghiêm, đúng quy định, đảm bảo an toàn, bí mật của tài liệu, không để xảy ra sai sót.
* Hạn chế
Nói chung, các công chức Văn phòng Chính phủ còn cần phải bổ sung kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong cơ chế kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, không ít công chức thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ hành chính, phương pháp làm việc cũng như khả năng tư duy độc lập hạn chế, ít được tham gia các khóa đào tạo về hành chính, khi triển khai thực thi công vụ, nhiều công chức còn lúng túng, còn làm theo kinh nghiệm do tích lũy qua thực tiễn công tác.
* Nguyên nhân
Một bộ phận công chức tinh thần học tập chưa cao, trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ. Việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính trong một số trường hợp còn chưa nghiêm.
3.2.2.2 Về trình độ nghiệp vụ tham mưu
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, công chức Văn phòng Chính phủ cơ bản bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công tác tham mưu; phần lớn đội ngũ công chức có nhìn nhận ở tầm vĩ mô; có sự phối hợp và chỉ đạo mang tính liên ngành, ngang tầm với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Công tác tham mưu được chú trọng, tiếp tục cải tiến, đổi mới công tác tham mưu tổng hợp, kết hợp lồng ghép hiệu quả giữa tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học để lấy ý kiến tham gia và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Tiếp tục thí điểm sáng kiến tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học về tính khả thi của chính sách chưa sát với thực tiễn cuộc sống hoặc chưa
khả thi, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Công tác tham mưu, tổng hợp của Văn phòng Chính phủ trong những năm qua đã góp phần tích cực, hiệu quả vào kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trung bình mỗi năm Văn phòng Chính phủ tiếp nhận hơn 95 nghìn văn bản, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan và tham mưu trình lãnh đạo Chính phủ trên 14.600 Phiếu trình giải quyết công việc. Xử lý ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 24.000 văn bản. Đối với những đề án phức tạp, ý kiến còn khác nhau, Văn phòng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn, chủ động trao đổi, làm việc trực tiếp với Bộ ngành, địa phương để thống nhất trình lãnh đạo Chính phủ, cách làm này nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và đánh giá cao của các Bộ, cơ quan, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp. Hầu hết các ý kiến đề xuất độc lập của công chức Văn phòng đã được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận. Tham mưu chuyển các Bộ, cơ quan, địa phương xử lý theo thẩm quyền đối với các vấn đề không thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Chính phủ
* Hạn chế, tồn tại
Tuy nhiên, một số trường hợp công chức tham mưu chưa làm đúng nhiệm vụ của mình, sa vào công việc giải quyết sự vụ giống như các Bộ, ngành khác; chất lượng tham mưu chưa cao dẫn đến tình trạng một số văn bản pháp luật vừa ban hành đã phải sửa; việc tham mưu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng không kịp thời, chưa nhạy bén, thiếu nhạy cảm. Có những sự việc tồn tại kéo dài, xảy ra đã lâu, gây bức xúc trong nhân dân nhưng không được thông tin đến lãnh đạo Chính phủ để có hướng giải quyết, gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế, xã hội.
* Nguyên nhân
Thiếu năng lực nghiên cứu, tổng hợp, thiếu trình độ lý luận, thiếu hiểu biết về thực tiễn để có thể phân tích đánh giá các đề án, dự án, đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương; Tinh thần trách nhiệm kém, chưa tận tâm với công việc; Ý thức chính trị chưa cao
3.2.2.3 Kỹ năng thẩm tra văn bản
Theo Nghị định 74/2012/NĐ-CP quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ thẩm tra về trình tự, thủ tục, chuẩn bị và tham mưu tổng hợp về nội dung, có ý kiến đánh giá độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo quan trọng theo chương trình công tác của Chính phủ và các công việc khác do các bộ ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trình Chính phủ. Việc thực hiện công tác thẩm tra văn bản là việc làm thường xuyên và đặc biệt quan trọng trong thực thi nhiệm vụ của công chức. Từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1998 và được sửa đổi bổ sung năm 2002; Nghị định 161/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật và quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm theo quyết định số 05/2008/QĐ-TTg ngày 10-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Thể chế hóa các văn bản trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành quyết định số 761/QĐ-VPCP quy định việc thẩm định, thẩm tra văn bản tại Văn phòng Chính phủ. Việc thẩm tra văn bản có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa hơn nhất là các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật, các đề án đáp ứng được yêu cầu về tính hợp hiến và hợp pháp, tạo sự đồng thuận trong việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật.
* Hạn chế, tồn tại
Tuy nhiên hoạt động thẩm tra, thẩm định dự án, dự thảo văn bản còn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định như: Thời hạn thẩm định, thẩm tra kéo dài; nội dung thẩm định, thẩm tra có khi còn nặng về hình thức, thiếu các biện pháp khảo sát rộng rãi; chất lượng thẩm định, thẩm tra đôi khi chưa đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi đặt ra.
*Nguyên nhân: Chưa xác định được một cơ chế thẩm định, thẩm tra thực sự hợp lý và hiệu quả; một số quy định của pháp luật về hoạt động thẩm định, thẩm tra còn mang tính nguyên tắc, thiếu tính cụ thể; việc tổ chức thẩm định thẩm tra còn chưa kịp thời; công chức thực hiện thẩm tra còn nhiều bất cập về kiến thức pháp luật,; sự phối hợp giữa đơn vị thẩm tra và chủ thể chủ trì soạn thảo và các bộ ngành liên quan còn chưa chặt chẽ.