Lý thuyết thông tin bất cân xứng

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 29 - 31)

Theo nghiên cứu của Kyle (1985) “Thông tin bất cân xứng trên TTCK xảy ra khi một hoặc nhiều nhà đầu tư sở hữu được thông tin riêng hoặc có nhiều thông tin công bố hơn về một công ty so với các nhà đầu tư còn lại”. Nói cách khác, “Thông tin bất cân xứng là một hiện tượng thường gặp khi giao dịch trên thị trường, trong đó các chủ thể khi giao dịch với nhau cố tình che đậy thông tin dẫn tới việc một bên có đầy đủ thông tin trong khi bên còn lại thiếu những thông tin cần thiết khi ra quyết định đầu tư hoặc ký kết hợp đồng”.

Cụ thể trong doanh nghiệp, nhà quản lý với là bên đại diện được nhà đầu tư ủy quyền cho việc quản lý các hoạt động của doanh nghiệp, còn nhà đầu tư chính là chủ sở hữu. Các nhà quản lý có thể coi là những người nắm rõ tình hình và triển vọng của công ty hơn các nhà đầu tư, khi họ trực tiếp tham gia vào các công việc kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp, còn với nhà đầu tư thì quyền sở hữu bị tách rời với quyền quản lý. Theo Kaplan & Atkinson (1998), sự bất cân xứng thông tin đến từ sự chênh lệch khác biệt về lượng thông tin mà bên đại diện và bên ủy nhiệm đang nắm giữ. Jensen và Meckling (1976) giải thích rằng người quản lý sẽ có khả năng đưa ra các quyết định để tối đa hóa lợi ích của mình. Rất có thể các hành động tối đa hóa tiện ích của người quản lý sẽ không phù hợp với các hành động của chủ sở hữu công ty. Khi nhà quản lý có nhiều thông tin đồng thời có cái nhìn rõ ràng hơn về các cơ hội kinh doanh của công ty hơn là các nhà đầu tư, từ đó họ có thể thổi phồng giá trị công ty, theo Akerlof (1970) thì đây chính là vấn đề của “những trái chanh”. Healy & Palepu (2001) đã nghiên cứu và cho thấy rằng khi có sự khác biệt và xung đột giữa lượng thông tin mà bên quản lý và bên đầu tư vốn nắm giữ có thể tạo những tổn thất lên thị trường. Với tình huống thị trường kinh doanh sẽ luôn tồn tại những ý tưởng kinh doanh tốt và không tốt, mỗi bên sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá ý kiến theo những cách khác nhau, bởi vì họ bị giới hạn số lượng thông tin mà họ nhận được. Bên cạnh đó, một số trường hợp nhà quản lý cảm thấy phương án kinh doanh chưa tốt nhưng họ vẫn thuyết phục rằng các ý tưởng đó là có triển vọng để thu hút đầu tư. Từ đó, một số các nhà đầu tư không đủ điều kiện, năng lực cũng như thông tin để đánh giá thì sẽ tạo ra xu hướng “cào bằng tốt – xấu”, nghĩa là họ sẽ đánh giá thấp các ý tưởng kinh doanh tốt, trong khi đánh giá cao những ý tưởng kinh doanh chưa tốt. Ngoài “sự lựa chọn bất lợi”, vấn đề “hành động rủi ro” cũng sẽ nảy sinh trong trường hợp thông tin bất cân xứng.

Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) đề cập rằng: “Thông tin trên BCTC là ngôn ngữ để quản trị doanh nghiệp có thể giao tiếp với các đối tượng bên ngoài (cổ đông). Thông tin trên BCTC càng phản ánh rõ ràng các điều kiện kinh tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì càng giúp làm giảm sự bất cân xứng về thông tin giữa

các nhà quản trị và các nhà đầu tư bên ngoài, giúp tăng tính hiệu quả của việc phân phối nguồn lực và đóng góp cho sự phát triển của thị trường vốn.”

Thông tin bất cân xứng trên TTCK tạo ra cơ hội cho các hành vi gian lận trên BCTC của các nhà quản lý, đến từ sự khác biệt thông tin mà nhà đầu tư và nhà quản lý đang nắm giữ. Vì vậy, để giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin, môi trường kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp cần phải được duy trì một cách hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)